Mua sắm online: Rủi ro không ít!

author 18:46 05/11/2021

(VietQ.vn) - Mua sắm chưa khi nào tiện dụng như vậy. Nhưng cũng chưa bao giờ việc mua sắm lại chứa nhiều rủi ro như vậy. Vấn nạn lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo, mua bán hàng hóa kém chất lượng vẫn đang rất phổ biến.

Sự kiện: Mua ô tô giá rẻ, tiết kiệm nhiên liệu

Hình thức mua sắm truyền thống đang dần nhường chỗ cho mua sắm trực tuyến. Trong thời đại công nghệ, việc mua hàng trên các trang web, sàn giao dịch điện tử không còn quá xa lạ với đa số người dân. Chỉ cần ngồi một chỗ, thông qua các thiết bị điện tử thông minh, bạn có thể tìm kiếm mọi mặt hàng mình cần và chỉ cần nhấn Ok, sản phẩm sẽ được chuyển đến tận tay bạn qua hệ thống vận chuyển.

Mua sắm chưa khi nào tiện dụng như vậy. Nhưng cũng chưa bao giờ việc mua sắm lại chứa nhiều rủi ro như vậy. Gần 50% người mua hàng qua mạng xã hội đã cho biết từng bị lừa đảo. Vấn nạn lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo, mua bán hàng hóa kém chất lượng vẫn đang rất phổ biến.

Hành vi mua hàng trực tuyến

Trong thời đại hiện nay, càng nhiều người có xu hướng tiêu dùng thử nghiệm và theo chủ nghĩa mua hàng ngẫu hứng. Hơn nữa, người tiêu dùng thường có xu hướng mua hàng ngay lập tức và ngoài ý muốn trong bối cảnh trực tuyến; vì ý định mua hàng của họ có thể dễ dàng bắt nguồn từ sự phức tạp hoặc đơn giản trong việc sử dụng các trang web mua sắm.

 Người mua hàng online đang phải đối mặt với không ít rủi ro.

Do vậy, người tiêu dùng sẽ có xu hướng thích mua sắm hơn nhu cầu thực tế của họ. Thêm vào đó, sự thật việc mua hàng không chủ ý và thiếu suy nghĩ có thể chiếm tỉ lệ không nhỏ trong chi tiêu của người tiêu dùng. Đối với hành vi mua hàng trực tuyến ngẫu hứng, họ sẽ mua hàng tùy hứng khi nhận thấy có sự khuyến mãi về giá cả. Người dùng mua hàng ngẫu hứng khi bản thân ở trong trạng thái không vui hoặc có trường hợp không thể cưỡng lại việc mua sắm một mặt hàng nào đó khi đã thích và thường mua sắm vượt quá khả năng chi trả dự kiến.

Hành vi mua hàng liên tục được định nghĩa là một hành vi mua hàng thường xuyên, lặp đi lặp lại và xảy ra như một phản ứng với các sự kiện hoặc cảm giác tiêu cực, thông qua việc mua sản phẩm với số lượng lớn mà một người không cần hoặc không có khả năng chi trả.

Nhiều người mặc dù không đáp ứng được điều kiện tài chính, nhưng bị hấp dẫn bởi việc mua hàng trực tuyến. Hơn thế nữa, việc mua sắm để giải tỏa cảm xúc cá nhân và họ cảm thấy khó chịu khi không mua sắm trực tuyến. Mặt khác, có những người cho biết họ vẫn mua hàng mặc dù khá lo lắng về thói quen mua sắm và có những sản phẩm mà không bao giờ dùng đến.

Mua sắm rủi ro

Chính vì vậy, theo số liệu của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong hình thức mua sắm trực tuyến diễn ra khá thường xuyên.

Các vấn đề điển hình bị phản ánh, khiếu nại tập trung như: Giao sai sản phẩm hoặc sản phẩm có thông số kỹ thuật khác so với quảng cáo trên trang web, giao hàng chậm, giao thiếu hàng khuyến mãi, giao hàng hỏng nhưng không thu hồi lại, thông tin sai giá, hủy đơn hàng không lý do, sản phẩm không có nhãn mác hay nhãn ghi sản xuất tại Trung Quốc mặc dù quảng cáo là hàng Mỹ, hàng Nhật, không cung cấp hóa đơn...

Với đặc trưng của mua sắm trực tuyến, chúng ta đều biết rằng, người tiêu dùng không thể tìm hiểu trực tiếp về sản phẩm trước khi mua hàng. Hình thức này khác với hình thức mua sắm truyền thống là người tiêu dùng có thể nhìn ngắm, cầm nắm, đánh giá trực tiếp sản phẩm.

Mua sắm trực tuyến hạn chế tối đa người tiêu dùng trong việc đánh giá sản phẩm. Họ chỉ có thể nhìn hình ảnh sản phẩm qua thiết bị kết nối mạng, mà hình ảnh thường được làm đẹp hơn bình thường tiềm ẩn rủi ro là không giống với sản phẩm thật. Ngoài ra, người tiêu dùng rất khó để xác định nhà sản xuất cũng như nhà phân phối, bởi hàng hóa được bày hình ảnh qua các sàn điện tử, các trang web và mạng xã hội. Thậm chí khi có những kiến nghị từ phía khách hàng, cơ quan quản lý thị trường cũng không dễ phát hiện, xử lý nhà sản xuất.

 Hình ảnh quảng cáo và sản phẩm nhận được khác xa nhau.

Cùng với đó, việc tiếp cận thông tin về an toàn cũng như cảnh báo của sản phẩm cũng khó khăn hơn so với hình thức mua sắm truyền thống, đặc biệt khi người tiêu dùng xem sản phẩm qua thiết bị có màn hình nhỏ như điện thoại. Trong một số trường hợp, người tiêu dùng thậm chí bỏ qua phần điều kiện và điều khoản dù đây là nội dung rất quan trọng liên quan đến chính sách đổi - trả sản phẩm, giao nhận, bảo hành sản phẩm.

Những người mua hàng từ các trang cá nhân trên mạng xã hội thậm chí còn chịu rủi ro khi phát sinh tranh chấp. Không ít người phải ngậm đắng nuốt cay vì không thể liên hệ được với cá nhân người bán hàng qua điện thoại hay địa chỉ đã được cung cấp. Việc giải quyết, xử lý thường rất phức tạp và không mấy hiệu quả, nên chủ yếu vẫn cần đến sự tỉnh táo, thông minh của khách hàng trong lựa chọn và quyết định mua sắm. Nhận thức của người tiêu dùng cần được nâng lên một bậc để họ có thể sở hữu những sản phẩm tốt như mong muốn.

Các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng khi lựa chọn mua đồ trên mạng nên lưu ý các điểm sau.

Đầu tiên, hãy chọn những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng như địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế để tìm kiếm sản phẩm mình cần. 

Trước khi quyết định mua sản phẩm nào đó cần tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản của trang web, đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận… Ngoài ra, cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm như nguồn gốc xuất xứ, tính năng, đánh giá của người tiêu dùng trước đó nhằm tránh trường hợp mua phải sản phẩm kém chất lượng.

Cần hết sức cảnh giác với yêu cầu cung cấp thông tin từ những trang web lạ như: họ tên, số điện thoại, ngày sinh, địa chỉ, sở thích, tiền sử khám bệnh… Đây có thể là những trang web sử dụng thông tin người tiêu dùng trái quy định pháp luật, gây phiền toái cho người tiêu dùng, thậm chí đánh cắp các thông tin tài chính của người tiêu dùng…

Trong trường hợp bị vi phạm quyền lợi mà không được doanh nghiệp giải quyết thỏa đáng, người tiêu dùng có thể phản ánh, khiếu nại tới Cục Quản lý cạnh tranh để được giúp đỡ. Dù mua sắm ở hình thức nào, trực tuyến hay truyền thống, mỗi người hãy cố gắng trở thành người tiêu dùng thông thái.

Cảnh giác với những lời quảng cáo hoa mĩ để tránh mua phải sản phẩm hàng hóa kém chất lượng, giảm thiểu rủi ro khi mua hàng trên trang mạng xã hội.

Ngoài ra, người tiêu dùng chỉ nên mua hàng online trên những website đã được xác thực bởi Bộ Công Thương. Còn khi mua hàng trên trang mạng xã hội, hãy tìm kiếm xem người bán có website thương mại điện tử hoặc website doanh nghiệp nào không. Vì khi họ đã kinh doanh online bài bản, hầu như họ sẽ cần cung cấp thông tin cụ thể, chính xác, đầy đủ trên website doanh nghiệp, mạng xã hội chỉ được xem như là kênh bán hàng phụ, hoặc công cụ marketing để quảng bá thương hiệu sản phẩm, tiếp cận khách hàng.

Khi mua hàng nên tìm hiểu trước về giá cả sản phẩm, nếu quá rẻ hoặc có giá bất thường, người tiêu dùng nên tìm cách liên hệ với cửa hàng để tìm hiểu lý do, cũng như yêu cầu xem xét hàng hóa trước khi thanh toán... Yêu cầu có hóa đơn mua hàng để lưu lại làm căn cứ xử lý khi có vấn đề xảy ra liên quan đến hàng hóa, sản phẩm.

Hoàng Dương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang