Mức bồi thường ‘bèo bọt’ cho chậm, hủy chuyến bay

author 09:16 02/08/2017

Mức bồi thường cho hành khách như hiện nay là quá thấp. Trong khi hành khách phải chịu đựng tổn thất trong mỗi lần chuyến bay bị hủy hoặc chậm chuyến là rất lớn.

Việc liên tục chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không thời gian qua khiến hành khách bị ảnh hưởng, thiệt hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, với mức bồi thường, hỗ trợ theo quy chuẩn hiện nay được các hãng hàng không áp dụng thì rất “bèo bọt”, chẳng thấm vào đâu...

Chỉ được bồi thường 400.000 đồng

Hành khách Nguyễn Minh Hoàng (chuyến VJ 215 ngày 3-7) kể: “Chuyến bay của tôi bị trễ hơn bốn giờ so với thời gian khởi hành ban đầu. Sau đó, nhân viên hãng có hỗ trợ hành khách 400.000 đồng nhưng với thái độ thiếu thiện chí. Tôi đi ký hợp đồng, trễ giờ bay là tốn thêm rất nhiều chi phí đi lại, ăn ở… Quan trọng nhất là công việc bị ảnh hưởng để rồi chỉ được nhận 400.000 đồng là không thỏa đáng”.

Còn bà Nguyễn Thị Diễm (chuyến bay VJ 331 ngày 19-7, chặng TP.HCM - Phú Quốc) cho hay: “Chuyến bay của tôi có giờ khởi hành ban đầu là 17 giờ 45. Tuy nhiên, hãng thông báo vì lý do máy bay đến trễ nên cuối cùng hành khách phải chờ đến 20 giờ 35 mới có thể lên máy bay. Điều đáng nói, chúng tôi chờ đợi vật vã mấy tiếng trời vậy mà chỉ được nhân viên hãng xin lỗi và hỗ trợ mỗi người một chai nước suối. Chúng tôi bức xúc tới hỏi nhân viên thì người này cho biết là đã làm đúng theo quy định và yêu cầu hành khách không được phản ứng, gây mất trật tự”.

Quy định vậy, đành chịu

Trao đổi với PV, đại diện hãng hàng không VietJet Air (VJA) cho biết: “Hiện nay không chỉ riêng VJA mà tất cả hãng hàng không đều thực hiện theo Thông tư 14/2015 (về quy định chất lượng dịch vụ hành khách tại cảng hàng không) và Thông tư 36/2014 (về bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không) cùng của Bộ GTVT (xem box). Các thông tư quy định rõ trường hợp chuyến bay trễ bao nhiêu tiếng thì khách được bồi thường như thế nào. Và mức bồi thường này được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn chung của hàng không Việt Nam và thế giới.

Đồng thời, đại diện hãng cho biết thêm quy định cũng nêu rõ các trường hợp hãng hàng không được miễn trừ việc thực hiện nghĩa vụ như điều kiện thời tiết ảnh hưởng đến khai thác an toàn chuyến bay, nguy cơ an ninh ảnh hưởng đến khai thác an toàn chuyến bay…

Hãng hàng không Vietnam Airlines cũng cho biết hãng cũng thực hiện chính sách bồi thường cho hành khách dựa theo Thông tư 14/2015. Ngoài quy định chung, hãng áp dụng các chính sách bồi thường riêng như phục vụ miễn phí đồ uống hoặc đồ ăn nhẹ tùy từng thời điểm.

Hành khách trong một chuyến bay mệt mỏi vì chuyến bay bị hoãn nhiều lần. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM

Mức bồi thường chưa thỏa đáng

TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, cho rằng mức bồi thường như quy định của Bộ GTVT là rất vô lý vì quá thấp. “Ở các nước, mức bồi thường này phần lớn do hãng hàng không quy định. Vấn đề này nên để các hãng cạnh tranh với nhau. Tôi cho rằng để tránh việc các hãng hủy, hoãn chuyến bay vì các lý do khác nhau, trong đó có việc dồn chuyến, phải quy định bồi thường cao hơn nhiều mức hiện tại. Mức bồi thường đấy phải đủ tính răn đe để các hãng bảo đảm giờ giấc cho hành khách” - ông Sanh nói.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không - Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng cho rằng mức bồi thường cho hành khách như hiện nay là quá thấp. Trong khi hành khách phải chịu đựng tổn thất trong mỗi lần chuyến bay bị hủy hoặc chậm chuyến là rất lớn.

Một điều bất hợp lý nữa, theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, để nhận được tiền bồi thường do chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không không hề đơn giản. Ngoài những điều kiện bất khả kháng như điều kiện thời tiết, nguy cơ an ninh, do quyết định của cơ quan nhà nước, vấn đề y tế của hành khách..., hành khách còn không được bồi thường khi đã nhận được tin nhắn, thông báo trước của các hãng. Trong khi đó, nếu đến muộn hơn một chút so với giờ đóng cửa quầy làm thủ tục (40 phút), hành khách sẽ bị mất vé và không được hoàn lại (trừ một số loại vé cho phép hoàn)…

Quy định hiện hành về mức bồi thường, hỗ trợ

Theo Thông tư 36/2014 về quy định chất lượng dịch vụ hành khách tại cảng hàng không, trường hợp hành khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng việc vận chuyển bị chậm, gián đoạn, hủy chuyến, hãng hàng không có trách nhiệm phục vụ hành khách theo quy định như sau:

• Thời gian chậm từ hai giờ phải phục vụ nước uống nhẹ.

• Từ ba giờ trở lên phải phục vụ ăn, uống với loại bữa ăn theo thời điểm: Từ 6 giờ đến 8 giờ phục vụ bữa sáng; từ 12 giờ đến 14 giờ phục vụ bữa trưa; từ 19 giờ đến 21 giờ phục vụ bữa tối.

• Từ sáu giờ trở lên (từ 7 giờ đến trước 22 giờ) phải bố trí nơi nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế của cảng hàng không.

• Chậm sáu giờ trở lên (từ 22 giờ hôm trước đến trước 7 giờ ngày hôm sau) phải bố trí chỗ ngủ, nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương hoặc giải pháp thay thế nếu được sự đồng ý của hành khách.

Theo Thông tư số 14/2015 quy định về bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, mức bồi thường cho mỗi hành khách:

• Đối với chuyến bay nội địa: Chuyến bay có độ dài đường bay dưới 500 km: 200.000 VNĐ; độ dài đường bay từ 500 km đến dưới 1.000 km: 300.000 VNĐ; độ dài đường bay từ 1.000 km trở lên: 400.000 VNĐ.

• Đối với chuyến bay quốc tế: Chuyến bay có độ dài đường bay dưới 1.000 km: 25 USD; độ dài đường bay từ 1.000 km đến dưới 2.500 km: 50 USD; độ dài đường bay từ 2.500 km đến dưới 5.000 km: 80 USD; độ dài đường bay từ 5.000 km trở lên: 150 USD.

Theo PLO

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang