Mỹ họp báo, chính thức công bố lịch trình ông Obama ở Việt Nam
Sự kiện: Tổng thống Mỹ Obama thăm Việt Nam
Sự nghiệp học hành ‘đáng nể’ của Tổng thống Obama
Tiết lộ các khách sạn hạng sang đoàn tổng thống Obama sẽ ở tại Hà Nội
Cấm đường từ Nội Bài về Hà Nội khi đoàn xe hộ tống ông Obama đi qua
Cận cảnh chiếc trực thăng Marine One hộ tống ông Obama chạy thử ở sân bay Nội Bài
Ngày 18/5 (giờ Mỹ), Trung tâm báo chí nước ngoài tại Washington D.C đã tổ chức họp báo về chuyến thăm chính thức của ông Obama tại Việt Nam.
Tại đây, Giám đốc cấp cao của Hội đồng An ninh quốc gia về sự vụ châu Á Daniel Kritenbrink đã cung cấp khái quát lịch trình của Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới.
Theo đó, Không lực Một sẽ chở phái đoàn do ông Obama dẫn đầu rời thủ đô Washington vào ngày 21.5 (giờ địa phương) và đến thẳng Hà Nội vào sáng sớm ngày 23/5.
Tại đây, ngoài một loạt các cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo Việt Nam, ông Obama dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng về quan hệ Việt Nam - Mỹ và gặp gỡ thành viên xã hội dân sự.
Sau đó, ông Obama sẽ rời Hà Nội đến TP.HCM. Trong chặng dừng tại TP.HCM, ông Obama sẽ gặp gỡ các thành viên của Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á, giới doanh nhân và cộng đồng thương mại.
Chủ nhân Nhà Trắng sẽ thảo luận với các lãnh đạo Việt Nam về cách tăng cường quan hệ đối tác trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, nhân dân với nhân dân, an ninh, nhân quyền cùng các vấn đề khu vực và thế giới.
Ông Kritenbrink nhận định, chuyến thăm Việt Nam và Nhật Bản đã được lên kế hoạch phù hợp với cam kết tổng thể của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
“Chúng tôi cho rằng chuyến thăm này biểu thị hai yếu tố chính của chính sách tái cân bằng. Đầu tiên, xây dựng những quan hệ đối tác mới với các thế lực mới nổi trong khu vực như Việt Nam; và thứ hai là tăng cường vị thế của quan hệ đồng minh, tất nhiên bao gồm Nhật Bản, là trung tâm của chiến lược đang theo đuổi tại châu Á”, ông Kritenbrink nói.
Tờ Thanh Niên dẫn lời ông Kritenbrink cho hay, tổng thống sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo Việt Nam về những cách thức khai thác mối quan hệ toàn diện song phương để tiến tới hợp tác trên nhiều lĩnh vực, bao gồm kinh tế, quan hệ nhân dân hai nước, an ninh… và các vấn đề toàn cầu lẫn khu vực.
Về vấn đề hợp tác an ninh, ông Kritenbrink nói rõ rằng một trong những đặc điểm giúp định hình quan hệ đối tác trong thế kỷ 21 với Việt Nam chính là việc hai nước đều chia sẻ cam kết cùng ủng hộ cho một trật tự dựa trên luật lệ tại châu Á - Thái Bình Dương, nơi các nước có thể theo đuổi mục tiêu một cách hòa bình và phù hợp với luật quốc tế.
Về phần mình, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel nói, Việt Nam là đối tác của Mỹ trong TPP, trong bảo vệ Công ước Luật Biển và thượng tôn pháp luật trên biển, trong giải quyết hòa bình tranh chấp và căng thẳng trên Biển Đông.
"Việt Nam còn là đối tác trong việc gìn giữ sông Mekong, nguồn tài nguyên đối với cuộc sống của hàng triệu người và nhiều quốc gia nó chảy qua", ông Russel nói.
Nói về khả năng Tổng thống Obama thông báo dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, ông Kritenbrink cho biết đây là vấn đề được đưa ra định kỳ. Mỹ năm 2014 đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí liên quan đến an ninh trên biển. Khi đó, Mỹ thông báo các hợp đồng mua bán sẽ được xem xét tùy từng trường hợp và nhân quyền là một vấn đề cần cân nhắc.
Sau chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Obama sẽ đến thăm Nhật Bản cuối ngày 25/5 và dự hội nghị thượng đỉnh G7, diễn ra ở Ise-Shima trong hai ngày 26 và 27/5.
Lâm Anh (T/h)