Nắm bắt cơ hội trở thành ‘mắt xích’ trong chuỗi cung ứng toàn cầu

author 07:14 29/06/2024

(VietQ.vn) - Xu hướng chuyển dịch của chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị đang là cơ hội lớn cho nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp nhận dòng vốn đầu tư, công nghệ để trở thành mắt xích trong những chuỗi cung ứng đang bị thiếu hụt trên toàn cầu.

Doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội để trở thành mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh minh họa.

Theo số liệu thống kê, 5 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế ghi nhận bước tăng trưởng ấn tượng. Tình hình sản xuất công nghiệp phát triển mạnh, trong đó, chế biến chế tạo tăng 10,6%, sản xuất công nghiệp và phân phối điện tăng 11,4%, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,4%. Trong khi đó, khai khoáng giảm 9,4%.

Ông Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công thương - Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ trong 5 tháng đầu năm, tăng lĩnh vực cần tăng, giảm lĩnh vực cần giảm. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đều tăng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 16,6%, đây là mức tăng cao, thậm chí tăng mạnh mẽ so với các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, thương mại Việt Nam cũng gặp một số thách thức. Mặc dù chuỗi cung ứng đã dần được tái cấu trúc, nhưng thực tế đa số doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam còn nhỏ lẻ, chưa thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị. Theo số liệu của Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng.

Việc ứng dụng khoa học - công nghệ, đặc biệt là thương mại điện tử chưa được tận dụng triệt để khiến các mô hình kinh doanh xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận chậm với thị trường tiêu thụ, quá trình thông thương hàng hóa chậm, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu…

Các chuyên gia nhận định, hiện nay, nổi bật là xu hướng chuyển dịch của chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã, đang có các hành động cụ thể để thay đổi cơ cấu chuỗi cung ứng, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình mới thông qua việc ứng dụng các thành tựu vượt bậc của công nghệ số. Những thay đổi này góp phần phát triển bền vững chuỗi cung ứng, nâng cao khả năng thích ứng trước những biến động lớn của kinh tế thế giới và khu vực.

Trong sự chuyển dịch diễn ra mạnh mẽ đó, Việt Nam được nhiều quốc gia, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên toàn cầu lựa chọn là một trong những điểm đến đầu tư chiến lược và nhiều tiềm năng. Đây chính là thời điểm lịch sử mang đến cơ hội lớn cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp nhận dòng vốn đầu tư, công nghệ để trở thành mắt xích trong những chuỗi cung ứng đang bị thiếu hụt trên toàn cầu. 

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cũng cho rằng, để doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cần hoàn thiện thể chế, chính sách; thủ tục hành chính, xuất nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành cần phải được cải cách, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa… Đồng thời, cần có hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ. Bởi doanh nghiệp cần trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm,… để đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng.

Ngoài ra, cần đổi mới cách thức tiếp cận hỗ trợ doanh nghiệp. Đổi mới thể chế, quy định pháp luật giúp cho con đường gia nhập chuỗi cung ứng thuận lợi hơn, rộng mở hơn. Do đó, tư duy hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần đổi mới, bảo đảm hỗ trợ doanh nghiệp một cách trọng tâm, trọng điểm.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang