Nam Định: Thực phẩm giá rẻ nhiều 'không' bán tràn lan nguy hại khôn lường cho sức khỏe

author 04:55 19/12/2023

(VietQ.vn) - Theo lực lượng chức năng tỉnh Nam Định, thực phẩm nhiều “không” đang bán tràn lan ngoài thị trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Cân nhắc chi tiêu phù hợp với thu nhập, ưu tiên các chương trình khuyến mãi giảm giá, giá rẻ là giải pháp căn cơ của người lao động trong giai đoạn giá cả leo thang, việc làm, thu nhập ngày càng khó khăn. Tuy nhiên trên thị trường đang xuất hiện nhiều loại thực phẩm ngon mà lại có giá rẻ bất thường như thịt bò nhập khẩu, gà, vịt sơ chế, chế biến sẵn… thì người tiêu dùng nên thận trọng trước những lời mời chào quảng cáo về chất lượng khi chọn mua bởi tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của các món thực phẩm nhiều “không” (thông tin thể hiện trên bao bì, nhãn hàng hoá không có ngày sản xuất, hạn sử dụng, không có thông tin về công bố thực phẩm, không có đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hoá).

Thực phẩm giá rẻ bán tràn lan

Người tiêu dùng chỉ cần bỏ ra từ 60-120 nghìn đồng đã có thể mua 1kg thịt dẻ sườn bò, nạm, thịt bắp rùa, bắp hoa... Mức giá bán này quá rẻ so với giá bán thịt bò nhập khẩu bán trong các siêu thị, cửa hàng tiện ích và chỉ bằng một nửa giá bán thịt nóng trên thị trường.

Điều khiến người tiêu dùng băn khoăn là các sản phẩm này không chỉ được rao bán trên các trang mạng hay ngoài chợ truyền thống mà ở cả siêu thị, một số cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn tỉnh Nam Định. Người mua được chào giá rẻ hơn nếu mua combo số lượng nhiều từ 5kg thịt trở lên và nếu mua càng nhiều thì giá bán càng hạ; thịt bò, thịt gà, vịt đã giết mổ hoặc chế biến sẵn cũng chỉ dao động từ vài chục nghìn đồng 1 con có trọng lượng trên 1kg.

Thực phẩm không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, không đảm bảo an toàn...bán tràn lan tại Nam Định

Đặc biệt ở các khu chợ dân sinh hay trên các tuyến phố đông người qua lại gần đây còn xuất hiện những người bán hàng rong với chiếc xe đẩy chứa mươi con gà mái đã hấp sẵn, da căng bóng, vàng ươm bán đồng giá 120 nghìn đồng/con. Người bán quảng cáo đây là giống gà mía Sơn Tây, Bắc Giang hay Phú Thọ da giòn, thịt thơm hơn hẳn gà dưới xuôi. Món gà mía thu hút khá đông người mua vì giá rẻ, trọng lượng nhỏ phù hợp với bữa ăn gia đình nhỏ.

Tuy nhiên cũng không ít người đã phân vân, hiện giá gà sống trong nước trung bình khoảng 100 nghìn đồng/kg gà lông và 130 nghìn đồng/kg gà thịt chưa tính chi phí chế biến. Còn là loại gà đồi đặc sản như người bán nói thì giá bán phải cao hơn. Do đó loại gà được gọi là gà mía đã hấp sẵn lại có đủ gia vị đi kèm mà bán với giá đó thì không thể không nghi ngờ, trong khi người mua không thể kiểm chứng nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Một số người có nhiều kinh nghiệm trong nghề kinh doanh thực phẩm cho biết, loại gà này hầu hết là gà siêu trứng loại thải của Trung Quốc sau khi khai thác hết chu kỳ sinh sản. Những năm trước, loại gà này được nhập nguyên con gà lông nhưng thời gian gần đây lại được sơ chế loại bỏ nội tạng, chân và đầu cổ để hưởng ưu đãi thuế xuất so với gà nguyên con. Hiện có thể hỏi mua loại gà này khi đã sơ chế, ướp đá và có thể có rất nhiều hóa chất bảo quản. Giá tại chợ đầu mối khoảng 60-70 nghìn đồng/con. Thậm chí có thể rẻ hơn nếu mua nhiều.

Cần kiểm soát chặt nguồn gốc thực phẩm

Những vụ việc liên quan tới thực phẩm nhập khẩu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ liên tiếp được phát hiện ở các địa phương trong thời gian gần đây đã chứng minh cho những nghi vấn về chất lượng của sản phẩm không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường.

Cụ thể, mới đây lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh phát hiện kho hàng thực phẩm đông lạnh tại thành phố Nam Định với gần 500kg thực phẩm đông lạnh gồm thịt bò, gà ri nguyên con (không đầu), đùi gà tây, cá nục, cá thu, râu bạch tuộc, đùi ếch, bánh bột, nem rán, trứng gà bao tử… không có nhãn hàng hoá theo quy định (thông tin thể hiện trên bao bì, nhãn hàng hoá không có ngày sản xuất, hạn sử dụng, không có thông tin về công bố thực phẩm, không có đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hoá).

Tiếp đến cơ quan chức năng đã 4 lần xử phạt hành chính đối với chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm của bà V.T.K.T (TP. Nam Định) về hành vi kinh doanh hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện tại cơ sở đang kinh doanh 123,5kg thực phẩm đông lạnh và thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bao gồm: Xúc xích, kê gà, trứng non, đùi gà, chả cá, ốc nhồi, bột yến mạch... 

Không những thế, lực lượng chức năng cũng phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến việc kinh doanh, vận chuyển thịt lợn, xương ống lợn nhập khẩu không đảm bảo điều kiện bảo quản sản phẩm.

Đại diện lực lượng Quản lý thị trường tỉnh cho biết, hầu hết thịt bò siêu rẻ được rao bán trên thực chất là thịt trâu đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ, thậm chí là loại thịt lợn nái được “phù phép” trở thành thịt bò. Thực tế thời gian qua các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý thương nhân kinh doanh loại thịt bò giả này. Tương tự như thế, thịt gà thải loại sau khi đã khai thác hết chu kỳ sinh nở, chất lượng thịt không tốt lại nhiễm nhiều loại kháng sinh do trong quá trình nuôi gà được tiêm thuốc kích thích tạo trứng nên ở nước sản xuất không dùng làm thực phẩm cho người mà dùng làm thức ăn chăn nuôi với giá nhập khẩu rất rẻ. Tuy nhiên do lỏng lẻo trong các khâu quản lý và lợi dụng sự thiếu thông tin của người tiêu dùng trong nước khiến khi về nước gà thải loại lại được phù phép thành đặc sản, ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Thực phẩm giá rẻ vẫn đang là sức hút lớn đối với người tiêu dùng. Trong khi lực lượng chức năng nỗ lực ngăn chặn thực phẩm không đảm bảo an toàn lưu thông trên thị trường, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định mua. Đặc biệt, người tiêu dùng cần chọn lựa những mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tiêu dùng thông thái để hiểu thực chất của các món ăn “ngon, bổ” mà lại “rẻ” để góp phần ngăn chặn, không tiếp tay mua bán, tiêu thụ hàng hóa không đảm bảo chất lượng, bảo vệ sức khỏe của chính mình và cả cộng đồng.

Điều kiện chung về bảo đảm an toàn đối với thực phẩm

Theo Điều 10 Luật An toàn thực phẩm 2010, điều kiện chung về bảo đảm an toàn đối với thực phẩm bao gồm: Đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, tác nhân gây ô nhiễm và các chất khác trong thực phẩm có thể gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người. 

Tùy từng loại thực phẩm, ngoài các quy định nêu trên, thực phẩm còn phải đáp ứng một hoặc một số quy định sau đây: Quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Quy định về bao gói và ghi nhãn thực phẩm; Quy định về bảo quản thực phẩm.

Điều kiện bảo đảm an toàn đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm: Sản xuất từ nguyên vật liệu an toàn, bảo đảm không thôi nhiễm các chất độc hại, mùi vị lạ vào thực phẩm, bảo đảm chất lượng thực phẩm trong thời hạn sử dụng.

Đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tuân thủ quy định đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang