'Động lực chính' để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng

(VietQ.vn) - Trong những năm qua, hoạt động đổi mới sáng tạo đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận tuy nhiên để đảm bảo tăng trưởng bền vững phải liên tục đổi mới và nâng cấp để tăng năng suất, chất lượng.
Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG
Phát động “Giải báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2025”
Trì hoãn nâng cấp Siri, Apple chậm chân trong cuộc đua Al?
Nâng cao năng suất chất lượng giúp sản phẩm hồ tiêu vào các thị trường khó tính
Vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong việc nâng cao năng suất, chất lượng
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam đã xác định vai trò nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, xem đây là “động lực chính” để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đây là mục tiêu dài hạn, cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội trong ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo... Đồng thời, Đảng và Nhà nước đã ban hành các chủ trương, đường lối, chính sách, định hướng lớn để phát triển đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.
Chính phủ đã có nhiều giải pháp đầu tư nâng cao các chỉ số đổi mới sáng tạo như xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học; xây dựng chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong doanh nghiệp; phát triển Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia...
Hiện nay, tại Việt Nam, các điều kiện khung phục vụ phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia đã được hình thành. Các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, tổ chức khoa học và công nghệ thực hiện cơ chế tự chủ; phát triển thị trường khoa học và công nghệ; doanh nghiệp khoa học công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo… ngày càng được hoàn thiện.
Trong những năm qua, hoạt động đổi mới sáng tạo đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Chỉ số Đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện trong 13 năm qua cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo.

Nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là “động lực chính” để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng. Ảnh minh họa
Để đảm bảo tăng trưởng bền vững, các quốc gia phải liên tục đổi mới và nâng cấp để tăng năng suất. Tại Việt Nam, tăng trưởng dựa vào vốn, tài nguyên, lao động trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị thu hẹp đã trở nên không còn phù hợp. Chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào phát triển năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo chính là yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
Có thể thấy để hội nhập hiện nay các doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của hoạt động đổi mới sáng tạo, đưa nội dung này trở thành trung tâm của các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một trong những ví dụ điển hình có thể kể tới về chú trọng đổi mới sáng tạo, phát huy các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa quá trình vận hành sản xuất của nhà máy là trường hợp Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn. Đây là doanh nghiệp đứng thứ 4 trong tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và nằm trong tốp 10 “Thương hiệu Việt - Ứng dụng khoa học - công nghệ” của Việt Nam.
Thời gian qua, trong bối cảnh thị trường xăng dầu trong nước và quốc tế có nhiều biến động và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc ứng dụng các giải pháp, cải tiến khoa học – công nghệ được công ty đặt lên hàng đầu. Công ty luôn khuyến khích cán bộ, người lao động đẩy mạnh nghiên cứu, hiến kế các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nhờ đó, doanh nghiệp đạt được nhiều thành tựu vượt bậc, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh.
Tương tự trường hợp Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, thời gian qua, xác định việc nâng cao năng suất, chất lượng là điều kiện tiên quyết giúp công ty phát triển bền vững, Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi đã tích cực xây dựng các đề án, chương trình nghiên cứu khoa học - công nghệ; vận hành, tối ưu hóa các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến.
Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi đã áp dụng nhiều hệ thống cải tiến như hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015; hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2015; hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018 và các công cụ cải tiến năng suất như 5S, LEAN, TPM… Cùng với đó, định kỳ hàng tháng, Công ty tiếp thu các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của cán bộ, người lao động giúp các nhà máy khắc phục được các lỗi xảy ra trong quá trình sản xuất, hạn chế được lãng phí, nâng cao năng suất làm việc và hiệu quả sản xuất.
Còn nhiều rào cản cần tạo một môi trường thuận lợi hơn trong đổi mới sáng tạo
Dù vậy, theo ông Đặng Quang Vinh, chuyên gia cao cấp khu vực tư nhân của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, một chuyên đề đặc biệt trong báo cáo do WB nghiên cứu về đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã cho thấy, các rào cản chính mang tính cơ cấu tại Việt Nam vẫn tồn tại ở nhiều lĩnh vực, bao gồm các rào cản pháp lý, thiếu hụt kỹ năng ngày càng tăng, tỷ lệ hấp thụ công nghệ thấp và những thách thức trong việc tiếp cận nguồn tài chính giai đoạn đầu có tác động mạnh mẽ đến sự tăng trưởng năng suất của Việt Nam và ảnh hưởng đến sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cơ hội tiếp cận tài chính vẫn là thách thức lớn đối với khu vực tư nhân ở Việt Nam, nhất là với doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đáng chú ý, hỗ trợ của Nhà nước về khởi nghiệp còn manh mún, chất lượng và mức hỗ trợ còn thấp. Hỗ trợ bị “phân mảnh” tại nhiều bộ, ngành và đơn vị triển khai, việc triển khai và phối hợp còn chưa theo kịp với các quốc gia tiên phong trên toàn cầu. Cùng với đó, hỗ trợ tài chính còn rất hạn chế cả về quy mô và phạm vi.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần tăng trưởng năng suất của Việt Nam, WB cho rằng, Việt Nam cần phải tạo một môi trường thuận lợi hơn. Theo đó, có thể đổi mới chương trình hỗ trợ hệ sinh thái quan trọng (Chương trình 844) theo hướng xây dựng các doanh nghiệp sẵn sàng nhận đầu tư. Hoạt động này bao gồm cải thiện các cơ chế hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các nhà quản lý quỹ tư nhân để thành lập các quỹ đầu trong nước và nâng cao năng lực của các bên liên quan đến hệ sinh thái như vườn ươm (incubator) và hỗ trợ phát triển ý tưởng (accelerator).
Đơn giản hóa các quy định, đẩy nhanh cải cách nhằm giải quyết các rào cản pháp lý đối với các quỹ đầu tư trong nước (Nghị định 38 về đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo) và đơn giản hóa các thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư từ bên ngoài vào Việt Nam và ngược lại, đặc biệt là đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, cần tăng cường sự đóng góp của giới học thuật và nghiên cứu công lập. Tạo điều kiện cho các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu công để đóng góp cho các công ty khởi nghiệp, thông qua các vườn ươm, hỗ trợ phát triển ý tưởng, trung tâm đào tạo khởi nghiệp được đổi mới (thông qua các mô hình hợp tác công tư). Khu vực nghiên cứu công có thể đóng vai trò lớn hơn bằng cách hiện đại hóa khuôn khổ sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, khen thưởng những nỗ lực nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa và xây dựng năng lực của các trường đại học và tổ chức nghiên cứu để chuyển giao công nghệ một cách hiệu quả cho các công ty khởi nghiệp…
An Dương (T/h)