Tăng năng suất lao động: Nhận diện ‘điểm nghẽn’ và khuyến nghị cho doanh nghiệp

author 06:20 30/11/2022

(VietQ.vn) - Tốc độ tăng năng suất lao động vừa là nguyên nhân cốt lõi của phát triển kinh tế - xã hội, vừa là kết quả phản ánh trình độ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, ở Việt Nam đây là chỉ tiêu duy nhất ước không đạt của năm nay.

Đi tìm lời giải cho bài toán tăng năng suất lao động xã hội

Tốc độ tăng năng suất lao động thấp là điều rất đáng tiếc trong bức tranh sáng của tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm. Đây chính là chỉ tiêu duy nhất ước không đạt của năm nay (ước tăng 4,7-5,2%, mục tiêu là 5,5%) - một chỉ tiêu rất quan trọng phản ánh khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Trong khi tăng trưởng kinh tế dự kiến vượt khoảng 2% so với kế hoạch và GDP bình quân đầu người cũng dự kiến vượt kế hoạch. Điều này cho thấy chất lượng nền kinh tế còn hạn chế, tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố vốn và lao động.

Liên quan đến vấn đề này ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho rằng, năng suất lao động thường được cấu phần từ ba yếu tố, một là năng suất nguồn lao động, hai là năng suất vốn, ba là năng suất dựa trên các yếu tố khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (được gọi là PFT).

Chúng ta thấy rằng, năng suất vốn và năng suất lao động của người lao động vẫn có nhiều hạn chế, đồng thời, quy mô đầu tư và chất lượng nguồn nhân lực khá thấp. Trong 30 năm qua, chúng ta đã dịch chuyển cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ để tăng năng suất lao động, tuy nhiên so với nhiều nước trong khu vực năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp, bởi lẽ, mật độ dân số cao cùng với quy mô nền kinh tế khá nhỏ.

Ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL.

Cũng không thể phủ nhận, tốc độ tăng năng suất của chúng ta trong 10 năm vừa rồi tăng rất nhanh và thuộc Top 5 của Châu Á và một trong những nguyên nhân tăng được năng suất trong giai đoạn vừa rồi là tăng năng suất dựa trên yếu tố khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo đánh giá của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO), Việt Nam là một trong những nước mặc dù trải qua giai đoạn khó khăn nhưng tốc độ tăng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là rất cao, đây được xem là yếu tố đáng mừng.

Cũng theo ông Hiệp, phân tích yếu tố dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nếu tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tiếp tục tăng vốn cho nền kinh tế thì rất khó. Nếu tăng năng suất dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần hai yếu tố, một là thay đổi công nghệ và hai là sử dụng hiệu quả công nghệ.  

Tuy nhiên, thay đổi công nghệ hiện nay tại doanh nghiệp là vấn đề khá khó khăn, chính vì vậy, một trong những điểm yếu của doanh nghiệp Việt hiện nay đó chính là tăng yếu tố sử dụng công nghệ. Và để có thể tăng yếu tố sử dụng công nghệ bắt buộc phải đào tạo các chuyên gia.

Khi nhập khẩu thiết bị máy móc dù dây chuyền công nghệ mới hay cũ chúng ta phải biết ai là người sử dụng và đào tạo nguồn nhân lực, làm chủ công nghệ như thế nào, thậm chí còn phải cải tiến công nghệ đó. Đây chính điểm mà doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi và tăng cường trong thời gian tới.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã có các chương trình như Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới doanh nghiệp quốc gia… để giúp doanh nghiệp có thể đổi mới công nghệ, đồng thời, Chương trình năng suất chất lượng của Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ giúp đào tạo các chuyên gia sử dụng công nghệ để thay đổi tư duy của doanh nghiệp.

Bên cạnh yếu tố sử dụng công nghệ, chúng ta cũng nên áp dụng các hệ thống quản lý, đây là một vấn đề mà các doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều. Doanh nghiệp được xem là hạt nhân của nền kinh tế, nếu như không tăng được năng suất từ chính các doanh nghiệp, mà tăng dựa trên khoa học và đổi mới sáng tạo thì sẽ rất khó để tăng được năng suất của nền kinh tế.

Liên quan đến vấn đề làm chủ quá trình phân công, phân cấp, phân quyền trong lao động, ông Hiệp cho biết thêm, để thực hiện được việc áp dụng các công nghệ, cũng như giải pháp cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp không nên vội vàng đưa những giải pháp như AI, IoT,… mà trước hết doanh nghiệp phải đánh giá thực trạng của mình và xây dựng được bản đồ chuyển đổi số, từ đó làm chủ cách thức tăng năng suất trong doanh nghiệp.

Ở Đài Loan (Trung Quốc), họ phát triển công nghiệp 4.0 thông qua việc chuyển tiếp từ công nghiệp 3.5, con người được thay đổi tư duy và cách thức sử dụng máy móc cũ và kết nối dần những máy móc cũ, để từ đó thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn, đây cũng được xem là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Việt Nam là một trong những nước mặc dù trải qua giai đoạn khó khăn nhưng tốc độ tăng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là rất cao, đây được xem là yếu tố đáng mừng. 

Giải pháp, khuyến nghị cho doanh nghiệp 

Để giúp doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tăng năng suất lao động, ông Hiệp đã đưa ra ba giải pháp. Trong đó, thứ nhất, doanh nghiệp cần làm chủ con đường năng suất của mình, mỗi một tổ chức và doanh nghiệp sẽ trải qua giai đoạn phát triển năng suất, từ giai đoạn về con người, giai đoạn về vốn, giai đoạn áp dụng các hệ thống quản lý, giai đoạn chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

Để làm chủ được trước hết doanh nghiệp cần có lộ trình chuyển đổi số, lộ trình tăng năng suất, chiến lược năng suất gắn với chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Không thể đòi hỏi doanh thu tăng mà không quan tâm đến làm sao để thúc đẩy năng suất, đây là yếu tố rất quan trọng.

Thứ hai, doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh nên có những nghiên cứu về văn bản quy phạm pháp luật, bởi vì, đôi lúc văn bản sẽ có những quy định tác động đến năng suất của doanh nghiệp mà doanh nghiệp ít khi để ý.

Thứ ba, doanh nghiệp cần quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực và hình thành các tổ hay nhóm năng suất trong doanh nghiệp. Năng suất chính là “tinh thần” từ người lãnh đạo đến công nhân, là con đường xuyên suốt của doanh nghiệp. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần quan tâm đến vấn đề này.

Hà My

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang