Ngành du lịch TP.HCM sẽ phục hồi theo 3 giai đoạn

author 07:11 17/10/2021

(VietQ.vn) - Ngành du lịch TP.HCM dự kiến sẽ phục hồi theo 3 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 2 từ tháng 11/2021 sẽ đẩy mạnh du lịch liên tỉnh.

Theo đó, giai đoạn 1 (từ ngày 01-31/10/2021), TP.HCM sẽ mở du lịch nội vùng và thí điểm du lịch liên tỉnh: khách du lịch đang sinh sống và làm việc tại TP có thể tự đi du lịch hoặc đi theo đoàn đến các điểm tham quan trên địa bàn TP. Các cơ sở lưu trú và các điểm tham quan được hoạt động với công suất tối đa 50%.

Giai đoạn 2 (từ ngày 01/11 - 31/12/2021), đẩy mạnh du lịch nội vùng và mở du lịch liên tỉnh: khách tự đi du lịch nội vùng hoặc đi theo đoàn; khách du lịch liên tỉnh đi theo đoàn. Hoạt động lưu trú với công suất tối đa 70% và xem xét mở thêm một số dịch vụ (ăn uống tại chỗ, spa...). Hoạt động điểm tham quan với công suất tối đa 70%.

Giai đoạn 3 (trong năm 2022), khôi phục tất cả các hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn TP, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi.

Ngành du lịch TP.HCM sẽ phục hồi theo 3 giai đoạn

 Ngành du lịch TP.HCM sẽ phục hồi theo 3 giai đoạn.

Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng cho biết, theo dự báo của Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO), mặc dù du lịch quốc tế khó có thể phục hồi như mức trước đại dịch cho đến năm 2023, ngành công nghiệp không khói này phục hồi nhanh hay chậm tùy thuộc rất lớn vào tỷ lệ tiêm chủng phòng ngừa COVID-19 cao.

Song song với đó, một hội nghị bàn về tiêm chủng COVID-19 và giải pháp xác thực, liên thông dữ liệu tiêm chủng với dữ liệu quốc gia về dân cư cũng được diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Phan Văn Mãi.

Có thể thấy TP đang nỗ lực rất lớn để có những bước đi vững chắc chuyển trạng thái từ “Zero Covid” sang “thích ứng an toàn với COVID-19” để không rơi vào tình trạng “mở ra, đóng lại” gây khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

TPHCM là địa phương có tỷ lệ tiêm chủng cao so với cả nước, trong đó, lực lượng lao động ngành du lịch TP theo thống kê sơ bộ tỷ lệ đã tiêm đủ liều đạt 80%. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để đưa ngành du lịch trở lại quỹ đạo hoạt động.

Ngành du lịch TPHCM được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn với tỷ lệ đóng góp vào GRDP của TP từ 10-12% trong giai đoạn trước dịch bệnh; với đặc trưng là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp nên tập trung phục hồi du lịch sẽ kéo theo sự phục hồi của các ngành nghề khác. Do vậy, việc xây dựng và triển khai hiểu quả kế hoạch phục hồi hoạt động ngành du lịch TP là rất cần thiết và có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.

Để mở cửa lại ngành du lịch, Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Thị Thắng giao Sở Du lịch TP phối hợp với UBND TP Thủ Đức và các Quận, Huyện rà soát, tổ chức lại các điểm tham quan, các tuyến phố, các cơ sở dịch vụ lưu trú, mua sắm, ăn uống… theo hướng vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo chất lượng và lấy sự hài lòng của du khách làm tiêu chí hoàn thiện.

Chủ động kết nối các tỉnh, thành để phát triển tuyến, điểm an toàn liên vùng, nâng cao giá trị cạnh tranh của du lịch nội địa và thống nhất các tiêu chí an toàn giữa các địa phương. Phấn đấu huy động được nhiều nguồn lực tham gia trong quá trình triển khai các nhiệm vụ, giải pháp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả hoạt động và đảm bảo an toàn cho du khách, người lao động.

Bà Phan Thị Thắng cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị nhà nước tiên phong trong việc tăng cường sử dụng hình ảnh, cảnh quan TP trong các hoạt động của đơn vị mình nhằm chung tay quảng bá TP nói chung và du lịch nói riêng; Chủ động tổ chức và khuyến khích tổ chức các chuyến du lịch cho nhân viên, người lao động, ưu tiên sử dụng trải nghiệm các sản phẩm du lịch của TP; Vận động người lao động tăng cường trải nghiệm và quảng bá các điểm đến, văn hóa, ẩm thực TP thông qua các hoạt động, sinh hoạt thường ngày.

“Tôi tin rằng du lịch TPHCM sẽ sớm phục hồi, đóng góp có hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố”, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng kỳ vọng.

Ngành du lịch TP.HCM cũng đã hoàn thiện Bộ Tài nguyên du lịch với 366 tài nguyên và cập nhật trên nền tảng định vị trực tuyến Google Map, Google Earth, trong đó, 13 điểm đến gắn với giá trị tài nguyên tự nhiên, sinh thái; 225 điểm đến gắn với giá trị tài nguyên văn hóa vật thể; 8 hoạt động gắn với du lịch (tài nguyên du lịch phi vật thể) được hình thành từ các lễ hội dân gian, lễ hội hiện đại, tập tục truyền thống và 120 điểm đến gắn với giá trị công trình nhân tạo.

 Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang