Ngành nhôm cần chủ động ứng phó trước các vụ kiện lẩn tránh phòng vệ thương mại

author 20:37 23/11/2023

(VietQ.vn) - Nhôm hiện đang là mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam, vì thế đây cũng là mặt hàng thường xuyên đối diện với các vụ điều tra phòng vệ thương mại của thị trường xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Minh Kế - Chủ tịch Hiệp hội Nhôm Việt Nam, nhôm là vật liệu đa dụng, có mặt trong mọi ngành nghề, đời sống và là mặt hàng đang có nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường nên đang đối mặt với không ít vụ việc phòng vệ thương mại của thị trường xuất khẩu. Gần đây, tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương của thị trường xuất khẩu ngày một gia tăng, trong đó có các vụ điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại.

Những năm trước đây, số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với nhôm Việt Nam còn khá ít, chỉ có 3 vụ trong 5 năm (2018 - 2022) đến từ thị trường Úc và Ai Cập (năm 2021), Hoa Kỳ (năm 2018). Nhìn chung sức ép của các vụ việc này còn chưa cao. Tuy nhiên, chỉ tính riêng năm 2023, nhôm đối mặt với 3 vụ việc phòng vệ thương mại từ thị trường Hoa Kỳ.

Tháng 5/2023, có đơn yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm khung pin năng lượng mặt trời xuất xứ Việt Nam, vụ việc này tuy chưa được phía Hoa Kỳ khởi kiện, song vẫn đang là nguy cơ cho các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm này. Đặc biệt, tháng 10/2023 có vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với dây và cáp nhôm Việt Nam.

Ngoài ra, vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm nhôm đùn ép xuất xứ từ 15 quốc gia, trong đó có Việt Nam với mức thuế chống bán phá giá đề xuất hiện nay là 41,84%. Hiện vụ việc đang trong quá trình điều tra và được coi là vụ phòng vệ thương mại lớn nhất của ngành nhôm thế giới.

Nhôm hiện đang là mặt hàng thường xuyên đối diện với các vụ điều tra phòng vệ thương mại của thị trường xuất khẩu. Ảnh minh họa

Khó khăn và rủi ro của doanh nghiệp nhôm trước các vụ điều tra chống lẩn tránh thuế và phòng vệ thương mại

Đến nay, ngành nhôm có hai vụ điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại do Hoa Kỳ khởi xướng, trong đó liên quan đến nhôm Trung Quốc. Cụ thể, năm 2018, nhôm định hình bị cáo buộc lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại liên quan đến nhôm từ Trung Quốc đối với một số sản phẩm. Vụ thứ hai vừa khởi xướng điều tra vào tháng 10 vừa qua là vụ điều tra đối với sản phẩm dây và cáp nhôm.

Các vụ việc trên đều xuất phát từ việc một số doanh nghiệp của thương nhân Trung Quốc hợp tác, làm ăn với thương nhân Việt Nam để nhập khẩu nguyên liệu gia công sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ để né tránh các biện pháp phòng vệ thương mà Hoa Kỳ áp dụng đối với nhôm Trung Quốc.

Năng lực ứng phó phòng vệ thương mại của doanh nghiệp Việt Nam hiện chưa thể đứng ra bảo vệ quyền lợi mà phải nhờ hỗ trợ tư vấn tham gia các vụ kiện với chi phí lớn, thậm chí rất lớn. Quá trình bị điều tra đã khiến các đối tác xem xét dừng hợp đồng và hệ lụy là giảm doanh thu, mất thị trường. Vì khi bắt đầu có thông tin điều tra là đối tác đã dè chừng, xem xét lại các đơn hàng tương lai để tránh rủi ro, thiệt hại do bị áp thuế phòng vệ thương mại. 

Ngoài ra, khi sản phẩm nhôm Việt Nam dù vướng vào bất cứ vụ việc phòng vệ thương mại nào thì uy tín, sản lượng của sản phẩm đó đều bị ảnh hưởng xấu trên thị trường quốc tế, gây tốn kém về chi phí cho doanh nghiệp, tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp chân chính.

Đề xuất giải pháp giúp doanh nghiệp nhôm tránh nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại

Theo ông Nguyễn Minh Kế - Chủ tịch Hiệp hội Nhôm Việt Nam, với xu thế hiện nay, để tránh nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại là rất khó, cần tổng hợp rất nhiều giải pháp. Bởi, câu chuyện phòng vệ thương mại của ngành nhôm lúc này không còn đơn giản là xuất nhập khẩu hàng hóa như trước đây nữa. Do vài năm trở lại đây, có một "làn sóng" đầu tư của thương nhân Trung Quốc vào xây dựng các nhà máy sản xuất nhôm định hình quy mô lớn tại Việt Nam.

Thông qua hoạt động đầu tư, một số thương nhân nước ngoài đã lợi dụng thị trường Việt Nam để “né” thuế chống bán phá giá đối với nhôm Trung Quốc (vụ AD05) và một phần phục vụ xuất khẩu vì khi hàng hóa này có xuất xứ Việt Nam thì tiếp tục “né” được thuế phòng vệ thương mại đối với nhôm Trung Quốc mà nhiều thị trường lớn đang áp dụng như Hoa Kỳ, châu Âu, Úc… Như vậy, với xu hướng này thì nguy cơ nhôm Việt bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại là rất lớn và hiện ngành nhôm đang đối mặt với vấn đề này.

Trước rủi ro đó, cần có sự phối hợp của các cơ quan chức năng đến từ nhiều Bộ ngành, chính quyền địa phương trong việc kiểm soát hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành nhôm. Chúng ta cần có cơ chế phù hợp, hạn chế các dự án mới mà doanh nghiệp nhôm Việt Nam đang dư thừa năng lực.

Bên cạnh đó, cần xây dựng đề án phát triển lâu dài về ngành nhôm, trên cơ sở đó kêu gọi đầu tư phù hợp, tránh tình trạng lợi dụng, "tráng men" xuất xứ từ doanh nghiệp nước ngoài để xuất khẩu, qua đó chúng ta mới bảo vệ được quyền lợi cho doanh nghiệp ngành nhôm non trẻ của đất nước.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang