Phát triển năng lượng điện gió và mục tiêu Net Zero vào năm 2050

author 17:12 26/05/2023

(VietQ.vn) - Sáng ngày 26/5/2023, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống cùng sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Điện gió và mục tiêu Net Zero vào năm 2050”.

Tham dự chương trình có ông Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch & Môi trường Việt Nam; ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch & Môi trường Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống; ông Nguyễn Văn Tiền, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Văn phòng Quốc hội), ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Tái tạo... cùng các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp liên quan.

Các đại biểu tham dự diễn đàn “Điện gió và mục tiêu Net Zero vào năm 2050”.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS. Nguyễn Linh Ngọc cho biết, Việt Nam là quốc gia sẽ chịu nhiều tác động xấu của biến đổi khí hậu, thiên tai, nước biển dâng. Do đó, chúng ta cần tham gia với cộng đồng quốc tế chống biến đổi khí hậu. Trong nỗ lực để đạt mục tiêu đã cam kết về phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, điện gió là yếu tố đóng góp chính vào cơ cấu năng lượng. Quy hoạch Điện VIII (PDP8) dự báo không phải điện mặt trời mà năng lượng điện gió sẽ thúc đẩy giai đoạn tiếp theo của quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Có thể khẳng định, với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp điện gió dài hạn góp phần giảm thiểu hàng triệu tấn carbon từ nhiệt điện, Việt Nam hoàn toàn có thể hiện thực hóa việc trung hòa carbon ngành năng lượng nói riêng và trung hòa carbon nói chung đến 2050, tạo nền móng phát triển ngành công nghiệp điện gió, một giải pháp mang tính dài hạn và chiến lược cho kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Tại chương trình, ông Nguyễn Văn Tiền nhận định, phát triển nguồn năng lượng tái tạo được xác định rõ tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và đang dần hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo. Theo ông, Việt Nam có lợi thế rất quan trọng đối với năng lượng gió, vị trí thuận lợi phát triển đặc biệt là điện gió ngoài khơi giúp chúng ta thoát khỏi phụ thuộc nguồn năng lượng hóa thạch.

“Việt Nam xác định rõ việc tập trung phát triển năng lượng tái tạo, Quốc hội, Ủy Ban thường vụ Quốc hội đang tiến hành giám sát Chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng" trong đó trọng tâm về việc chuyển dịch năng lượng, thách thức, cơ hội, những vấn đề đặt ra và giải pháp, tác động của quá trình phát triển năng lượng đến môi trường sinh thái, đa dạng sinh học (cả trên cạn và dưới nước), tình hình phát thải khí nhà kính. Trong đó làm rõ đóng góp của ngành năng lượng vào tổng phát thải của Việt Nam, khả năng đáp ứng mục tiêu trung hoà carbon trong thời gian tới”, ông Tiền thông tin.

Tại diễn đàn, đại diện Cục Biến đổi khí hậu - Bộ TN&MT cũng chia sẻ những thuận lợi và tiềm năng phát triển điện gió tại Việt Nam. Cụ thể, tiềm năng kỹ thuật: điện gió ngoài khơi của Việt Nam có thể đạt 31.808 km2 tương đương 162.200 MW (Cơ quan Năng lượng Đan Mạch, DEA, 2020); Giải pháp đột phá nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, giảm phát thải khí nhà kính;

Tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương và cải thiện đời sống của người dân; Các địa điểm ngoài khơi để triển khai trang trại điện gió không bị giới hạn, đồng thời ít hoặc không xảy ra xung đột với cộng đồng cư dân; Cấu trúc các tua bin gió ngoài khơi có thể hoạt động như các rạn san hô nhân tạo, thu hút sinh vật biển, tác động tích cực tới hệ sinh thái biển; Đầu tư vào hệ thống truyền tải cũng như điều độ thông minh, điện gió hoàn toàn có thể trở thành nguồn chủ đạo của hệ thống năng lượng Việt Nam trong tương lai...

Song song với những thuận lợi cũng tồn tại khó khăn, thách thức cần khắc phục thông qua các biểu hiện như: Khó huy động nguồn vốn lớn; tính chất phức tạp về kỹ thuật và công nghệ khiến cho dự án trải qua nhiều quy trình và trình tự thủ tục đầu tư…; Quy hoạch không gian biển quốc gia bảo đảm tận dụng được nguồn năng lượng, tránh mâu thuẫn với các ngành kinh tế khác và giảm tác động đến hệ sinh thái biển;

Còn thiếu quy định về hoạt động đo đạc, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển; Chưa có quy định về diện tích khu vực biển chấp thuận cho sử dụng để đo gió, khảo sát địa chất, địa hình, đánh giá tác động môi trường trên biển đối với từng khu vực biển; Chưa có quy định công suất điện gió tối đa cho một dự án để vừa bảo đảm khuyến khích nhà đầu tư tham gia dự án, vừa bảo đảm cân đối hệ thống truyền tải điện...

Diễn đàn cũng là dịp để các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã tập trung đánh giá về cơ chế, chính sách, công nghệ, tài chính; cơ hội, thách thức và việc huy động, bố trí nguồn lực cho việc phát triển điện gió, các kịch bản Net Zero cho ngành năng lượng Việt Nam. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện gió nói riêng, tiến đến mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang