Nguyễn Xuân Khánh: Người gắn kết giá trị văn hóa - lịch sử

author 09:10 16/10/2012

(VietQ.vn) - Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã đến với người đọc một cách thân thiện và mạnh mẽ nhất bằng góc nhìn lịch sử gắn kết với văn hóa. Đó là nhận định của các nhà nghiên cứu tại tọa đàm “Lịch sử và văn hóa qua tự sự nghệ thuật của Nguyễn Xuân Khánh”.

Tác phẩm Nguyễn Xuân Khánh.<br>
Tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh

Những năm gần đây, sự hiện diện của Nguyễn Xuân Khánh với ba cuốn sách “Hồ Quý Ly”, “Mẫu Thượng ngàn”, “Đội gạo lên chùa” đã tạo nên dấu ấn đặc sắc, một hiện tượng nổi bật trong bức tranh tiểu thuyết đương đại. Không chỉ giành nhiều giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam, Hội nhà văn Hà Nội, các tác phẩm của ông liên tiếp được tái bản và đông đảo độc giả đón nhận.

Phát biểu đề dẫn cuộc tọa đàm, PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học, nêu rõ: "3 tiểu thuyết: “Mẫu Thượng ngàn”, “Hồ Quý Ly” và “Đội gạo lên chùa” là kết quả sáng tạo của một nhà văn đầy tâm huyết, biết vượt lên khó khăn để tận hiến với nghệ thuật. Đọc tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh, người đọc không chỉ có dịp thưởng lãm những vẻ đẹp đầy chất thơ của thiên nhiên, phong tục, những lễ hội của dân tộc mà còn hiểu thêm về triết lý làm người. Bằng sự đam mê của mình, ông không chỉ phục dựng lại lịch sử mà quan trọng hơn, ông chạm đến khát vọng sâu xa của lịch sử".

Gần 20 tham luận của các nhà nghiên cứu, phê bình đã nhận định các tác phẩm văn học của Nguyễn Xuân Khánh có sức thu hút lớn với độc giả. Góc nhìn văn hóa và góc nhìn lịch sử của nhà văn đã đem đến những cuộc đối thoại, sự chiêm nghiệm sâu sắc. Cụ thể, tác phẩm “Hồ Quý Ly” đã được tái bản đến 11 lần, với 2.000 bản/ lần; “Đội gạo lên chùa” ra đời tháng 2/ 2011 đến nay đã tái bản 4 lần. Điều đó đủ chứng tỏ người đọc đã đón nhận tác phẩm của ông như thế nào.

Tọa đàm tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh

PGS. TS Nguyễn Đăng Điệp nhận định, trong 3 tiểu thuyết này, Nguyễn Xuân Khánh thể hiện sự suy tư về lịch sử và văn hóa. Và ở đó, giữa lịch sử và văn hóa có sự đan quyện với nhau, tạo nên chiều sâu của lịch sử. Nó cho thấy một thái độ lịch sử trên tinh thần nhân văn mới của Nguyễn Xuân Khánh. Có lẽ những tìm kiếm, cách chiết tạo theo cảm quan nhân văn cũng như suy tư trên tinh thần đề cao bản sắc văn hóa dân tộc đã đem đến niềm hứng thú lịch sử.

Chính góc nhìn và sự kết hợp những giá trị lịch sử và văn hóa đã dưa nhà văn Nguyễn Xuân Khánh gần gũi hơn với bạn đọc. Trong cuộc sống quá nhiều mối lo toan, đầy biến động và có nhiều ảnh hưởng từ bên ngoài, tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh như một món ăn tinh thần dành cho công chúng. Họ tìm thấy những giá trị nhân văn và chiều sâu văn hóa dân tộc.

Nhà nghiên cứu La Khắc Hòa - Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội, cho biết: “Có một nhu cầu của đời sống nội tâm trong công chúng. Đời sống ấy hướng tới sự siêu thoát, sự hướng điều thiện chứ không phải hướng tới sự chiếm đoạt. Có lẽ nó đáp ứng được nhu cầu của đời sống tâm linh trong đời sống tâm hồn của dân tộc; vì thế, tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, dù ông viết rất dày nhưng chỉ trong vòng hơn 1 năm đã tái bản 4 lần. Điều đó chứng tỏ sản phẩm tinh thần ấy đã đáp ứng được nhu cầu của đời sống tinh thần của người Việt. Tôi coi đó là thắng lợi của nhà văn”.

Nhân dịp này, cuốn sách “Lịch sử, văn hóa – Cái nhìn nghệ thuật Nguyễn Xuân Khánh” do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành, ra mắt công chúng, mừng nhà văn tròn 80 tuổi.

Hà Ni
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang