Nhiều cơ hội cho đồ nội thất Việt Nam trên thị trường quốc tế

author 07:16 20/08/2021

(VietQ.vn) - Cơ hội mở rộng thị phần tại Pháp vẫn rất lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam trong bối cảnh ngày càng nhiều người Pháp quan tâm tới các sản phẩm nội thất để tân trang nhà.

Mặc dù Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 6 cho thị trường Pháp, nhưng tỷ trọng chỉ chiếm 4,5% tổng trị giá nhập khẩu. Đây là con số thấp so với nhu cầu nhập khẩu của thị trường này.

Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, người Pháp phải ở nhà nhiều hơn và dành thời gian để tân trang lại ngôi nhà và quan tâm nhiều tới các sản phẩm nội thất. Điều này cho thấy cơ hội mở rộng thị phần tại Pháp vẫn rất lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam.

Dựa trên số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tháng 6/2021 Pháp nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ đạt 386,3 triệu USD, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Pháp đạt 2,4 USD, tăng 59,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Các sản phẩm nội thất bằng gỗ của Việt Nam rất được ưa chuộng tại Pháp. Ảnh minh hoạ. 

Theo Cục Xuất Nhập khẩu, thị trường Pháp tăng mạnh nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ các thị trường trong 6 tháng năm 2021; trong đó, nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Italy, Trung Quốc và Đức, trị giá nhập khẩu từ 3 thị trường này chiếm 49,8% tổng trị giá nhập khẩu.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2021, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn (mã HS 940360), ghế khung gỗ (mã HS 940161 + 940169) là hai mặt hàng chính trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ Pháp nhập khẩu; trong đó, nhập khẩu đồ nội thất phòng khách và phòng ăn đạt 930,6 triệu USD, tăng 65,2% so với cùng kỳ năm 202

Đáng chú ý, Trung Quốc là thị trường cung cấp đồ nội thất phòng khách và phòng ăn lớn nhất cho Pháp trong nửa đầu năm 2021, với trị giá chiếm 16,7%. Tiếp theo là Italy chiếm 15,6% và Ba Lan chiếm 10,1%.

Cùng với đó, thị trường Pháp nhập khẩu ghế khung gỗ trong nửa đầu năm 2021 đạt 730 triệu USD, tăng 63,9% so với cùng kỳ năm 2020; tỷ trọng nhập khẩu mặt hàng này chiếm 30,8% tổng lượng nhập khẩu.

Thực tế cho thấy, Việt Nam là thị trường cung cấp ghế khung gỗ lớn thứ 5 cho Pháp. Tuy nhiên, trị giá nhập khẩu ghế khung gỗ của Pháp từ Việt Nam chỉ chiếm 6,7% tổng trị giá nhập khẩu mặt hàng này. Các chuyên gia thương mại cho biết, doanh nghiệp ngành gỗ đã thích ứng được tình hình mới, ổn định sản xuất và tăng cường giao thương trực tuyến tìm các đối tác nước ngoài mở rộng xuất khẩu. Do đó, dù dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam vẫn giữ được sự chủ động, khách hàng nước ngoài tin tưởng tìm nguồn cung tại Việt Nam ngày một tăng. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần tạo kênh liên kết để ổn định giá cước vận chuyển trong xuất nhập khẩu nhằm thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Pháp với mẫu mã phong phú, giá cả cạnh tranh.

Tương tự như với Pháp, trên thực tế, mặc dù xuất khẩu sản phẩm từ gỗ sang thị trường EU tăng mạnh, nhưng đồ nội thất bằng gỗ vẫn chiếm tỷ trọng thấp. Điều này cho thấy, cơ hội cho việc mở rộng thị trường cho các mặt hàng gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào EU là rất lớn. 

Các chuyên gia dự báo, nửa cuối năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường EU sẽ tăng mạnh khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát. EU sẽ  dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch, mở cửa thông thương thuận tiện cho việc xuất nhập khẩu hàng hoá. Nền kinh tế các quốc gia thuộc EU khởi sắc sẽ là một trong những yếu tố hỗ trợ xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sang thị trường này tăng mạnh. 

Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) đang thực thi cũng đem lại những lợi đối với việc xuất khẩu gỗ như giảm các rào cản chi phí thuế hải quan, truy xuất nguồn gốc, trách nhiệm giải trình khi xuất hàng, tạo dựng thương hiệu gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đồng thời, với hỗ trợ của Hiệp định EVFTA trong quá trình nhập khẩu máy móc hiện đại, hỗ trợ tăng năng suất và đảm bảo tính công bằng trong cạnh tranh của gỗ Việt Nam tại thị trường EU.

Diệu Hương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang