Kịp thời ngăn chặn và triệt phá nhiều vụ việc buôn lậu vàng với số lượng lớn

author 13:40 03/08/2023

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng đã vào cuộc, phối hợp và xử lý kịp thời nhiều vụ buôn lậu vàng qua biên giới với số lượng lớn.

Liên tiếp phát hiện và thu giữ lượng lớn vàng nhập lậu

Thời gian qua, một số vụ buôn lậu vàng đã được các cơ quan chức năng phát hiện với những kỷ lục sau xô đổ kỷ lục trước gây hoang mang cho người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp kinh doanh chân chính. 

Buôn lậu vàng hiện được coi là siêu lợi nhuận bởi chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới có thời điểm lên đến gần 20 triệu đồng mỗi lượng. Chính vì mức lợi nhuận hấp dẫn này mà nhiều đối tượng đã dẫn dắt cả người nhà, người thân vào con đường lao lý.

Tại biên giới cửa khẩu Chàng Riệc ở Tây Ninh, đều đặn mỗi ngày, khoảng 4h, các đối tượng vận chuyển vàng lậu từ Campuchia về Việt Nam, đến 16h sẽ chuyển tiền USD từ Việt Nam ngược sang Campuchia. Việc qua chốt kiểm tra của các lực lượng chức năng không mấy khó khăn. Đơn cử lực lượng chức năng phát hiện Nguyễn Thị Minh Phụng là đối tượng cầm đầu đường dây buôn lậu vàng từ Campuchia về Việt Nam. Chỉ tính riêng trong 2 ngày, các đối tượng đã nhập lậu gần 2 tạ vàng, tương đương 400 tỷ đồng. 

Tình trạng buôn lậu vàng gia tăng với số lượng lớn. Ảnh: CAND

Vào giữa tháng 1/2022, Công an tỉnh An Giang bắt giữ Nguyễn Thanh Bình (57 tuổi) và Trang Kiến Cường (46 tuổi, trú TP Long Xuyên) khi đang mua bán vàng nhập lập từ Campuchia. Tại hiện trường, Cơ quan công an thu giữ 3 kg vàng, gần 170.000 USD và 700 triệu đồng; khám xét 3 địa điểm khác, thu giữ khoảng 15 kg vàng nữ trang, hơn 2,1 triệu USD cùng 25 tỷ đồng và một số giấy tờ liên quan.

Trước đó, vào những tháng cuối năm 2022, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an TP Hồ Chí Minh và Công an tỉnh Tây Ninh đã triệt phá một đường dây buôn lậu lớn từ Campuchia về Việt Nam. Theo cơ quan chức năng, chỉ tính riêng trong hai ngày 27 và 28/9/2022, đường dây này đã nhập lậu tới 198 kg vàng. 

Gần đây nhất vào tháng 6/2023 Bộ Công an đã khởi tố 20 người về tội buôn lậu vàng với số lượng hơn 3 tấn và trốn thuế tại cửa khẩu Lao Bảo. Vụ buôn lậu vàng này do Nguyễn Thị Hóa cầm đầu. Đáng chú ý, đây là đường dây “nội tộc” khi gần như tất cả người bị khởi tố đều có họ hàng với nhau. Đây không phải lần đầu tội phạm buôn lậu vàng qua cửa khẩu này cũng như qua các khu vực biên giới khác vào Việt Nam. 

Ngày 25/7, lực lượng Công an tỉnh An Giang bắt giữ vụ vận chuyển khoảng 19kg kim loại (nghi vàng) trái phép từ Campuchia về Việt Nam qua khu vực khóm Long Bình, thị trấn Long Bình, huyện An Phú. Tối 30/7, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết đã thi hành 8 lệnh khám xét khẩn cấp các địa điểm, chỗ ở, nơi làm việc đối với các nghi phạm có liên quan, tạm giữ hơn 14kg vàng thỏi, vàng nữ trang và nhiều đồ vật, tài liệu, tài sản có liên quan.

Vấn nạn buôn lậu vàng với số lượng lớn tồn tại dai dẳng suốt nhiều năm cần kiểm soát chặt chẽ 

Vấn nạn buôn lậu vàng với số lượng lớn được phát hiện nhiều nhất là ở khu vực biên giới Tây Nam giữa Việt Nam và Campuchia. Tình trạng này đã tồn tại dai dẳng suốt nhiều năm qua do mức chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.

Đại tá Vũ Như Hà - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về Tham nhũng, Kinh tế, Buôn lậu, Bộ Công an cho biết: "Trước khi đem vàng qua biên giới hoặc ngay sau khi vận chuyển được vàng qua biên giới, các đối tượng đã dùng máy khò để xóa hết các ký hiệu để tránh việc cơ quan chức năng phát hiện được nguồn gốc của vàng trước khi vận chuyển sâu vào nội địa".

Ngoài đường bộ, vàng nhập lậu trái phép còn thông qua cả đường hàng không và đường biển với khối lượng không hề nhỏ. Hệ lụy của việc buôn lậu vàng không chỉ là thất thu lớn cho ngân sách, gây vàng hóa nền kinh tế, tạo cơ hội cho thị trường mua bán, vận chuyển ngoại tệ tự do phát triển mà còn tác động trực tiếp tới biến động tỷ giá hàng ngày cũng như việc điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối của quốc gia.

Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam nhận định, mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện lớn hơn rất nhiều và ngày càng nới rộng. Trong khi đó, việc nhập lậu vàng được thực hiện khá dễ dàng vì kích thước nhỏ gọn, trị giá cao. 1kg vàng chỉ tương đương với 1 chiếc điện thoại di động, nên các đối tượng rất dễ cất giấu.

Cũng theo Hiệp hội Kinh doanh vàng, hiện chế tài xử lý đối với hành vi buôn lậu vàng cũng ở mức rất nhẹ so với khoản tiền lời có thể kiếm được nếu vận chuyển trót lọt. Thực tế, số vàng lậu bị bắt giữ chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong "tảng băng chìm" của hoạt động buôn lậu vàng thời gian qua.

Do đó để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng buôn lậu vàng, các cơ quan chức năng như hải quan, bộ đội biên phòng cần tích cực, chủ động kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; tăng cường đầu tư máy móc hiện đại, lắp đặt tại cửa khẩu để soi chiếu hàng hóa; tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, giám sát tại các địa điểm kiểm tra, nơi tập kết hàng hóa; giám sát các kho chứa hàng hóa; đẩy mạnh giám sát cơ động; chủ động phối hợp thu thập thông tin, tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các khu vực đường mòn lối mở biên giới.

Tuyên truyền, giáo dục cho người dân các quy định của pháp luật trong công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trên địa bàn các đơn vị phụ trách. Từ đó, vận động người dân kiên quyết không tiếp tay hay tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật, tích cực phát hiện, tố giác tội phạm...

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7054:2014 về vàng thương phẩm

Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật và cách ghi nhãn đối với tất cả các loại vàng thương phẩm lưu thông trên thị trường. Tiêu chuẩn này không áp dụng cho vàng nguyên liệu thô.

Theo đó, tiêu chuẩn trên quy định về vàng tinh khiết phải có màu vàng. Khi hàm lượng của vàng giảm xuống và tùy thuộc vào thành phần và hàm lượng của các kim loại hợp kim với vàng, vàng thương phẩm sẽ có màu vàng nhạt hơn hoặc có các màu khác. 

Chất lượng của vàng thương phẩm, còn gọi là tuổi vàng, được đánh giá chủ yếu theo hàm lượng của kim loại vàng trong sản phẩm đó. Hàm lượng của vàng được đo bằng các đơn vị sau: Kara (xem 3.10) ký hiệu là K. Ví dụ, vàng tinh khiết là vàng 24K; vàng 18K là loại vàng thương phẩm chứa 18 phần kim loại vàng và 6 phần kim loại khác; vàng 12K là sản phẩm chứa 12 phần kim loại vàng và 12 phần kim loại khác…

Quy định về ghi nhãn: Mọi sản phẩm làm từ vàng hoặc hợp kim vàng từ 8K trở lên (hoặc hàm lượng vàng từ 33,3% trở lên) lưu thông trên thị trường, đều phải được đóng ký hiệu độ tinh khiết (đóng nhãn) trực tiếp trên sản phẩm.

Sản phẩm có độ tinh khiết khác nhau: Khi một sản phẩm gồm nhiều phần làm từ vàng hoặc hợp kim vàng có độ tinh khiết khác nhau thì mỗi phần phải được đóng ký hiệu độ tinh khiết như một sản phẩm riêng biệt hoặc cả sản phẩm được đóng chung một nhãn có độ tinh khiết là độ tinh khiết trung bình của các phần đó.

Khi một sản phẩm gồm nhiều phần khác nhau, trong đó một hoặc vài phần làm từ vàng hoặc hợp kim vàng, còn các phần khác làm từ kim loại khác thì những phần làm từ vàng hoặc hợp kim vàng sẽ được đóng như ở 5.1, những phần khác thì phải mô tả trong hóa đơn hoặc chứng từ kèm theo.

Các sản phẩm mạ vàng/sản phẩm khảm vàng phải được ghi rõ trong hóa đơn chứng từ kèm theo.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang