Nhức nhối nạn vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính

author 17:25 02/12/2020

(VietQ.vn) - Lực lượng QLTT tỉnh Lạng Sơn vừa kiểm tra đột xuất điểm giao nhận của Viettel tại Lạng Sơn phát hiện 220 đôi giày thể thao không có hóa đơn chứng từ.

Thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lạng Sơn, ngay sau khi nhận được nguồn tin quần chúng nhân dân cung cấp, Đội QLTT số 3 đã kiểm tra đột xuất điểm giao nhận hàng hóa của Chi nhánh công ty cổ phần Viettel tại Lạng Sơn. Thời điểm kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện điểm giao nhận đã thực hiện nhận vận chuyển nhiều mặt hàng hóa khác nhau, trong đó có 220 đôi giày thể thao sản xuất ngoài Việt Nam không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp. Trị giá hàng hóa ước tính khoảng 10 triệu đồng.

Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng chưa xác định được chủ sở hữu lô hàng hóa, theo đó đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Phát hiện lượng lớn giày không có hóa đơn chứng từ tại điểm giao nhận của Viettel tại Lạng Sơn. Ảnh: Cục QLTT Lạng Sơn

Trước đó, Cục QLTT Lạng Sơn cho biết,  đơn vị này đã phối hợp với 17 tỉnh, thành phố xác minh, kiểm tra Bưu điện Tân Thanh, xử lý 6 cơ sở vi phạm kinh doanh hàng nhập lậu và rất nhiều hàng hóa nhập lậu chưa xác định chủ sở hữu.

Cụ thể, Đội QLTT số 7 chủ trì phối hợp với Đội 389 tỉnh, Công an huyện Văn Lãng, Đồn Biên phòng Tân Thanh, Chi cục Hải quan Tân Thanh, UBND xã Tân Thanh tiến hành khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại Bưu cục Tân Thanh thuộc Bưu điện huyện Văn Lãng, địa chỉ đường Trục Chính, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện có 50 bao tải dứa và 96 thùng bìa cát tông bên trong có đựng hàng hóa đều do Trung Quốc sản xuất, có tổng trọng lượng khoảng 2.000kg.

Tại thời điểm kiểm tra, bà Cao Tuyết Nga - Trưởng bưu cục Tân Thanh xuất trình cho Đoàn kiểm tra 25 tờ hóa đơn bán hàng, do 6 hộ kinh doanh xuất bán (đều có địa chỉ tại xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng), tổng số có 109 loại hàng là đồ dùng gia đình, đồ điện gia dụng,... trị giá hàng hóa xuất bán trên hóa đơn là 35.850.000 đồng, được xuất bán cho 23 khách hàng tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Ngoài ra, có 71 loại hàng hóa là đồ điện gia dụng, hàng may mặc sẵn, đồ chơi trẻ em, thuốc tân dược, hóa chất tẩy rửa,... do Trung Quốc sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp. Xét thấy số hàng hóa trên có dấu hiệu vi phạm, đơn vị đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh, làm rõ nguồn gốc và chủ sở hữu làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.

Phát hiện gần 2000 hộp kẹo dẻo không rõ nguồn gốc 'vô chủ'(VietQ.vn) - Lực lượng QLTT Lào Cai vừa tiến hành kiểm tra và tạm giữ 1.800 hộp kẹo dẻo trẻ em nhập lậu. Điều đáng nói, không ai nhận là chủ lô hàng hóa trên.

Ở một diễn biến liên quan, Tổng Cục QLTT cho biết, dịch Covid-19 đã và đang giúp thương mại điện tử có nhiều cơ hội bứt phá và tăng trưởng cao. Song, đây cũng là cơ hội để hàng lậu, hàng cấm tăng vận chuyển qua đường bưu chính, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Cũng theo nhận định của Tổng Cục QLTT, đây là thủ đoạn mới, các đối tượng lợi dụng loại hình kinh doanh bưu chính để vận chuyển và tiêu thụ hàng lậu, hàng giả xuất xứ, hàng giả sở hữu trí tuệ, hàng cấm...

Thực tế, để giảm thiểu rủi ro, hiện các doanh nghiệp bưu chính lớn đã xây dựng quy trình hết sức chặt chẽ ngay từ khâu chấp nhận bưu gửi của khách hàng. Ngoài việc kiểm tra nội dung hàng hóa khi chấp nhận bưu gửi, doanh nghiệp luôn yêu cầu khách hàng cung cấp hóa đơn chứng từ theo đúng quy định để vận chuyển kèm hàng hóa, đồng kiểm 100% hàng hóa với khách hàng và trước camera. Tuy nhiên, rủi ro vẫn luôn hiện hữu khi khách hàng không trung thực, cố tình lợi dụng đường chuyển phát để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm. Vấn nạn này lâu nay vẫn luôn là nỗi nhức nhối của xã hội, khiến người tiêu dùng mất niềm tin, và gián tiếp làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, trong đó có cả các doanh nghiệp ngành bưu chính.

Không chỉ hàng nhái, hàng giả, các đối tượng phạm tội còn lợi dụng hoạt động bưu chính để vận chuyển hàng cấm. Một trong những thủ đoạn cất giấu tinh vi, phổ biến hiện nay là giấu ma tuý đá methamphetamine trong các túi trà, loa thùng...

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang