Cách chăm sóc bàn chân cho người bệnh tiểu đường để tránh biến chứng nghiêm trọng

author 15:58 31/03/2023

(VietQ.vn) - Người bệnh tiểu đường không được cắt móng chân quá ngắn, đặc biệt là khóe móng vì nếu cắt cụt sẽ làm móng quặt. Đây là nguyên nhân dễ khiến móng bị tổn thương và viêm nhiễm dẫn tới biến chứng bệnh tiểu đường.

Theo TS.BS Đỗ Đình Tùng - PGĐ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, để chăm sóc tốt bàn chân, tránh những tổn thương không đáng có thì người bệnh nên lưu ý và thực hành đúng ngay từ việc cắt móng chân. Bởi đây là mối nguy hàng đầu có thể dẫn tới biến chứng bàn chân đái tháo đường. “Bệnh nhân đái tháo đường thường bị hiện tượng móng chân quặt đây là nguyên nhân gây loét bàn chân ở người bệnh đái tháo đường. Đồng thời người bệnh đái tháo đường thường bị giảm tiết mồ hôi và tuyến bã nhờn nên móng chân bị khô và dễ gãy…Cho nên kỹ thuật cắt móng chân cho người bệnh đái tháo đường như thế nào để không làm tổn thương mô mềm ở dưới thì người bệnh cần phải biết…”.TS Đỗ Đình Tùng cho biết.

Lưu ý, người bệnh không được cắt móng chân quá ngắn, đặc biệt là khóe móng vì nếu cắt cụt sẽ làm móng quặt. Đây là nguyên nhân dễ khiến móng bị tổn thương và viêm nhiễm. Nên dùng kìm bấm vuông và khi cắt không được cắt ngoạm cả móng vì móng của người bệnh đái tháo đường rất giòn dễ làm móng bị vỡ - đây là điều kiện thuận lợi khiến móng bị nhiễm trùng.

Nên dùng kìm bấm vuông và khi cắt không được cắt ngoạm cả móng vì móng của người bệnh đái tháo đường rất giòn dễ làm móng bị vỡ. Ảnh minh họa

Tổ chức Y tế WHO thống kê, cứ 20 giây trên thế giới lại có 1 người tiểu đường bị đoạn chi do biến chứng bàn chân. Mặc dù hầu hết người bệnh đều biết bản thân phải chăm sóc bàn chân hàng ngày nhưng vì không thực hiện đúng cách nên họ vẫn phải đối diện với nguy cơ loét, đoạn chi. Vì vậy cần lưu ý những cách chăm sóc bàn chân tiểu đường để tránh bị biến chứng loét bàn chân hay hoại tử. 

Cắt móng chân theo đường ngang là cách chăm sóc bàn chân bệnh nhân tiểu đường

Khi bị tiểu đường, móng chân của bạn sẽ dày và cứng hơn, thậm chí cong quặp vào phía trong khóe móng chân. Thói quen cắt móng chân theo cách thông thường có thể tạo ra các vết thương hở và tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công gây loét nhiễm trùng. Để hạn chế nguy cơ này, bạn cần cắt móng theo đường ngang, không cắt sát vào phần thịt của ngón chân. Với phần cạnh hai bên móng, bạn phải dùng giũa để làm gọn móng chứ không được cắt. Thời điểm cắt móng chân tốt nhất là sau khi tắm vì lúc này móng khá mềm và dễ cắt. Người tiểu đường không được tự ý xử lý các móng chân bị quặp mà bắt buộc phải nhờ bác sĩ hoặc y tá hỗ trợ. Nếu bạn xử lý sai cách, vết thương sẽ sâu và nguy cơ bị nhiễm trùng rất cao.

Vệ sinh kỹ các kẽ ngón chân

Hầu hết người bệnh đều chỉ chú ý rửa trên bề mặt bàn chân mà không vệ sinh kỹ kẽ ngón chân. Điều này rất nguy hiểm vì đây là một trong các vị trí dễ bị loét nhất. Nếu kẽ ngón chân bị loét, nhiễm trùng có thể lan rộng sang toàn bộ các ngón chân xung quanh. Khi rửa chân, bạn cần rửa cả vùng kẽ ngón chân và kiểm tra xem có vết thương hay dấu hiệu bất thường nào không. Sau khi rửa, bạn cần thấm khô bằng khăn sạch. Khi chăm sóc bàn chân tiểu đường, nếu phải dùng thêm kem dưỡng ẩm, bạn không nên thoa vào vị trí các kẽ chân mà chỉ thoa trên bề mặt và lòng bàn chân.

Giảm áp lực lên bàn chân

Không ngồi bắt chéo chân, không ngồi lâu một tư thế. Nếu phải di chuyển trên xe đường dài, thỉnh thoảng bạn nên đứng dậy đi lại, thay đổi tư thế ngồi hoặc cử động chân qua lại để máu lưu thông. Nếu đang có vết thương, vết loét tại bàn chân hoặc bàn chân bị biến dạng, bạn hãy đạp xe thay vì đi bộ. Đồng thời nên kê cao chân khi ngồi, nằm. Xoa bóp lòng bàn chân theo vòng tròn và dọc theo bắp chân, bắp đùi.

Mang tất và giày

Nên đi khám ngay khi có dấu hiệu chảy mủ, hoại tử hay sưng tấy. Ảnh minh họa

Nên mang tất mềm, vừa vặn, không quá bó, làm bằng sợi tự nhiên như bông sợi, len. Người bệnh có thể dùng miếng lót hỗ trợ giúp phân bố đều lực và giảm sang chấn. Nên trang bị hai đôi giày trở lên để thay đổi mỗi ngày, lưu ý kiểm tra dị vật bên trong trước khi mang giày. Bệnh nhân không nên đi chân đất, kể cả trong nhà, không mang giày chật làm trầy gót hoặc ngón chân. Sau mỗi giờ mang giày nên cởi ra, để chân bên ngoài một thời gian sau đó mới mang giày tiếp. Sắp xếp không gian an toàn là biện pháp chăm sóc bàn chân bệnh nhân tiểu đường

Sắp xếp không gian an toàn là biện pháp chăm sóc bàn chân bệnh nhân tiểu đường

Người tiểu đường, đặc biệt là người cao tuổi, rất hay thức giấc vào ban đêm để uống nước hoặc đi vệ sinh. Nếu đồ đạc trong phòng quá nhiều và không được sắp xếp hợp lý sẽ dễ xảy ra va chạm khiến người bệnh bị trầy xước hay bầm tím. Vì vậy, bản thân người bệnh và gia đình nên bố trí đồ đạc trong nhà thông thoáng, chọn các đồ đạc có cạnh bo tròn để giảm nguy cơ bị thương khi vô tình đụng phải.

Xử lý vết thương và vết loét

Đối với vết thương nhỏ, vết xước da chưa nhiễm trùng (không sưng, nóng, đỏ, đau, không chảy nước mủ), có thể xử lý nhanh theo các bước sau:

- Rửa vết thương bằng nước muối sinh lý 0,9% hoặc povidine pha loãng. Povidine mua tại hiệu thuốc thường là loại đặc nồng độ 10%. Khi sử dụng, bạn nên pha loãng theo tỷ lệ 1/10. Ngoài ra, bạn cần tránh dùng oxy già vì có thể khiến vết thương tổn thương sâu hơn.

- Dùng bông sạch thấm khô nước

- Thoa thuốc mỡ kháng sinh (nếu có)

- Băng lại bằng gạc mỡ, băng hydroclorid hoặc băng vết thương dạng xịt.

Khi vết thương, vết loét có dấu hiệu nhiễm trùng, cần đưa người bệnh đến gặp bác sĩ để được kiểm tra. Bác sĩ sẽ căn cứ vào độ sâu rộng và mức độ nhiễm trùng của vết thương để kê kháng sinh phù hợp. Tránh tự ý rắc bột kháng sinh lên vết loét hoặc đắp các loại lá theo truyền miệng. Điều này có thể khiến vết loét ăn sâu vào phía trong bàn chân, khiến việc điều trị khó khăn hơn.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang