Khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế những tháng cuối năm

author 14:06 21/09/2023

(VietQ.vn) - Mặc dù đạt được kết quả khá tích cực nhưng kinh tế nước ta đang tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức phía trước.

Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2023 thấp hơn mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,2%); trong đó quý II ước tăng 4,14%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020 – thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện. Do đó để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023 sẽ là thách thức rất lớn trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt nhiều rủi ro và nội tại kinh tế Việt Nam còn nhiều yếu kém, đòi hỏi nỗ lực hơn nữa của Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương cùng với sự đồng lòng, quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Sản xuất công nghiệp tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, chưa phục hồi hoàn toàn so với cùng kỳ năm 2022, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do nhu cầu thế giới sụt giảm đối với các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, gỗ… Chỉ số IIP 8 tháng năm 2023 của một số ngành trọng điểm trong xuất khẩu giảm như: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 3,9%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy cùng giảm 4,8%; sản xuất trang phục giảm 5,2%…

Nền kinh tế những tháng cuối năm đối mặt nhiều thách thức.

Hoạt động xuất, nhập khẩu sụt giảm và chịu tác động tiêu cực từ khó khăn của kinh tế thế giới. Trong 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 436,44 tỷ USD, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 228,17 tỷ USD, giảm 9,8%; nhập khẩu đạt 208,27 tỷ USD, giảm 15,9%.

Doanh nghiệp tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức: Trong 8 tháng năm 2023, hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vốn đăng ký doanh nghiệp thành lập mới đạt 969,6 nghìn tỷ đồng, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Những khó khăn của doanh nghiệp chủ yếu do tác động của cả yếu tố bên ngoài và nội tại nền kinh tế, cụ thể là: Khả năng chống chịu của doanh nghiệp bị suy giảm sau thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19; Một số hạn chế của môi trường kinh doanh chưa được khắc phục ngay, đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp;

Các vấn đề về tài chính như khả năng tiếp cận vốn vay, khả năng hấp thụ vốn và đáp ứng điều kiện vay vốn của doanh nghiệp còn ở mức thấp; Chi phí sản xuất đầu vào vẫn ở mức cao trong khi thị trường đầu ra khó khăn, đơn hàng xuất khẩu giảm; Thị trường lao động gặp khó khăn khi doanh nghiệp phải giảm giờ làm, giảm lương, cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng sản xuất trong nước và xuất khẩu…

Đầu tư nước ngoài vẫn gặp nhiều khó khăn khi các nhà đầu tư chưa mở rộng quy mô đầu tư vào các dự án đang hoạt động ở Việt Nam. Tính đến 20/8/2023, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng thêm đạt 4,54 tỷ USD, là mức thấp nhất so với cùng kỳ các năm 2020-2023, giảm 39,7% so với cùng kỳ năm trước.

Những tháng cuối năm 2023 dự báo tình hình thế giới, trong nước còn nhiều rủi ro, bất định. Nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 gặp nhiều khó khăn, trong đó mục tiêu tăng trưởng năm 2023 (khoảng 6,5%) là thách thức lớn, khó có thể đạt được nếu không có giải pháp quyết liệt, mang tính đột phá cao dù một số cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã được Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai và bước đầu đã phát huy hiệu quả.

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang