Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2023

author 06:52 20/09/2023

(VietQ.vn) - Những tháng đầu năm 2023, kinh tế Việt Nam chịu tác động tiêu cực từ bên ngoài do kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sự nỗ lực và vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, kinh tế Việt Nam 8 tháng đầu năm đã đạt được kết quả tích cực. Số liệu về sản xuất, tiêu dùng, đầu tư, cán cân xuất nhập khẩu 8 tháng qua đã cho thấy rõ điều đó. Để duy trì và phát huy hơn nữa động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong những tháng cuối năm chúng ta cần có giải pháp gì để tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 đạt mức cao nhất có thể?

Theo TS. Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong những tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp; hậu quả của đại dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga – Ucraina ngày càng phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại; tình trạng lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài ở nhiều quốc gia; kinh tế thế giới suy giảm tăng trưởng, có nước rơi vào suy thoái; thương mại và đầu tư quốc tế giảm; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế gia tăng; trong khi đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây hậu quả nặng nề…

Tuy nhiên, kinh tế của một số quốc gia trên thế giới đã có những chuyển biến tích cực hơn so với dự báo trước đó, nhiều nền kinh tế không rơi vào tăng trưởng âm. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý I, quý II năm 2023 so với cùng kỳ năm trước của một số nền kinh tế lần lượt là: Mỹ tăng 1,8% và 2,6%; khu vực châu Âu tăng 1,1% và 0,5%; Trung Quốc tăng 4,5% và 6,3%; Ấn Độ tăng 6,1% và 7,8%; Nhật Bản tăng 2% và 1,6%; Xin-ga-po tăng 0,4% và 0,5%; Thái Lan tăng 2,6% và 1,8%; In-đô-nê-xi-a tăng 5,0% và 5,2%…

Diễn biến kinh tế tích cực đã tạo cơ sở để cải thiện các chỉ số về niềm tin người tiêu dùng và niềm tin kinh doanh. Tiêu dùng tại nhiều nền kinh tế như Nhật Bản, Mỹ,… được cải thiện, niềm tin người tiêu dùng liên tục được củng cố trong những tháng gần đây. Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) của các doanh nghiệp trên toàn cầu hiện cũng đạt mức cao nhất kể từ cuối năm 2022, phản ánh sự lạc quan mạnh mẽ về các hoạt động kinh doanh trong năm 2023, chỉ số này hiện cũng đang ở mức cao tại nhiều nền kinh tế trên toàn cầu.

Thực tế tại nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, khi xảy ra khủng hoảng, nền kinh tế có nguy cơ rơi vào suy thoái thì giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là tập trung vào kích cầu tiêu dùng của người dân, tăng cường đầu tư trong đó có khu vực dịch vụ, cắt giảm chi phí trung gian, tăng cường ứng dụng kỹ thuật số trong hoạt động kinh tế.

Các quốc gia ưu tiên giảm lạm phát bền vững, đồng thời đảm bảo ổn định tài chính, dẫn tới lạm phát đã có tín hiệu hạ nhiệt; giá cả nhóm hàng năng lượng, thực phẩm và phân bón đã giảm đáng kể. Nhiều Ngân hàng Trung ương tiếp tục khôi phục sự ổn định về giá và tăng cường giám sát tài chính, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, tổ chức Y tế Thế giới không còn xem dịch Covid-19 là “Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu”. Do vậy, chuỗi cung ứng phần lớn đã phục hồi, chi phí vận chuyển, thời gian giao hàng của nhà cung cấp đã trở lại gần như mức trước đại dịch.

Những tháng đầu năm 2023, kinh tế Việt Nam chịu tác động tiêu cực từ bên ngoài do kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Kết quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 khá tích cực khi tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 3,72% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 3,28%; quý II tăng 4,14%). Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07%, đóng góp 9,28%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,13%, đóng góp 11,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,33% và đã đóng góp lớn nhất với 78,85%.

Mặc dù đạt được kết quả khá tích cực nhưng kinh tế nước ta đang tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước.

Một là, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2023 thấp hơn mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,2%); trong đó quý II ước tăng 4,14%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020 – thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện). Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023 sẽ là thách thức rất lớn trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro và nội tại kinh tế Việt Nam còn nhiều yếu kém, đòi hỏi nỗ lực hơn nữa của Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương cùng với sự đồng lòng, quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp, người dân.

Hai là, sản xuất công nghiệp tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, chưa phục hồi hoàn toàn so với cùng kỳ năm 2022, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do nhu cầu thế giới sụt giảm đối với các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, gỗ… Chỉ số IIP 8 tháng năm 2023 của một số ngành trọng điểm trong xuất khẩu giảm như: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 3,9%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy cùng giảm 4,8%; sản xuất trang phục giảm 5,2%…

Ba là, hoạt động xuất, nhập khẩu sụt giảm và chịu tác động tiêu cực từ khó khăn của kinh tế thế giới. Trong 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 436,44 tỷ USD, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 228,17 tỷ USD, giảm 9,8%; nhập khẩu đạt 208,27 tỷ USD, giảm 15,9%.

Bốn là, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Trong 8 tháng năm 2023, hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vốn đăng ký doanh nghiệp thành lập mới đạt 969,6 nghìn tỷ đồng, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2022. Những khó khăn của doanh nghiệp chủ yếu do tác động của cả yếu tố bên ngoài và nội tại nền kinh tế, cụ thể là: Khả năng chống chịu của doanh nghiệp bị suy giảm sau thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19; Một số hạn chế của môi trường kinh doanh chưa được khắc phục ngay, đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp; Các vấn đề về tài chính như khả năng tiếp cận vốn vay, khả năng hấp thụ vốn và đáp ứng điều kiện vay vốn của doanh nghiệp còn ở mức thấp; Chi phí sản xuất đầu vào vẫn ở mức cao trong khi thị trường đầu ra khó khăn, đơn hàng xuất khẩu giảm; Thị trường lao động gặp khó khăn khi doanh nghiệp phải giảm giờ làm, giảm lương, cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng sản xuất trong nước và xuất khẩu…

Năm là, đầu tư nước ngoài vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi các nhà đầu tư chưa mở rộng quy mô đầu tư vào các dự án đang hoạt động ở Việt Nam. Tính đến 20/8/2023, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng thêm đạt 4,54 tỷ USD, là mức thấp nhất so với cùng kỳ các năm 2020-2023, giảm 39,7% so với cùng kỳ năm trước.

Những tháng cuối năm 2023 dự báo tình hình thế giới, trong nước còn nhiều rủi ro, bất định. Nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 gặp nhiều khó khăn, trong đó mục tiêu tăng trưởng năm 2023 (khoảng 6,5%) là thách thức lớn, khó có thể đạt được nếu không có những giải pháp quyết liệt, mang tính đột phá cao dù một số cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã được Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai và bước đầu đã phát huy hiệu quả.

Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2023 theo Tổng cục Thống kê cần: ưu tiên kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu, duy trì thặng dư thương mại bền vững. Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, việc xác định các động lực tăng trưởng là quan trọng để có những giải pháp đúng và trúng đưa nền kinh tế nước ta đạt tăng trưởng ở mức cao nhất có thể. Kích cầu tiêu dùng, đầu tư và duy trì cân bằng bền vững của cán cân thương mại hàng hóa là giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2023, tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo.

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang