Những lầm tưởng tai hại trong giảng dạy và học tập ở bậc đại học

author 20:55 19/06/2022

(VietQ.vn) - Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng não của sinh viên tĩnh nhất khi lên giảng đường. Bên cạnh đó, trong việc giảng dạy và học tập ở bậc đại học cũng có những lầm tưởng mà không phải trường nào cũng nhận ra.

Hội nghị quốc tế thường niên về đổi mới dạy và học lần đầu tiên được Trường Đại học (ĐH) VinUni khởi xướng và đăng cai tổ chức trong hai ngày 17- 18/6 vừa qua đã thu hút sự tham gia của đông đảo các học giả, nhà khoa học đến từ các trường ĐH trong nước và nước ngoài.

GS. Robert Kamei, ĐH Quốc gia Singapore (NUS) tại Hội nghị. Ảnh:Diệp An 

Những lầm tưởng

Trong thực tế, những lầm tưởng về việc học ngày học đêm hay cố gắng nhồi nhét kiến thức chỉ khiến sinh viên ngày càng chán nản hơn.

Tại Hội nghị, GS. Robert Kamei, ĐH Quốc gia Singapore (NUS) cho biết có 4 lầm tưởng trong việc giảng dạy và học tập của giảng viên, sinh viên tại các trường ĐH.

Lầm tưởng 1: "Tôi học đi, học nói một cách tự nhiên, vì vậy, tôi không cần phải học cách học mà việc học của tôi cũng xảy ra tự nhiên".

Lầm tưởng 2: "Cách học tập tốt nhất là chỉ cần thông qua một bài giảng hay. Người giáo viên giỏi sẽ biết cách khiến cho việc học trở nên dễ dàng".

Lầm tưởng 3: "Càng dành nhiều thời gian cho việc học thì càng học được nhiều, điểm thi càng cao".

Và lầm tưởng nữa là biết một điều gì đó đồng nghĩa với việc bạn đã biết cách thực hành, ứng dụng nó.

Qua việc tháo gỡ những lầm tưởng này, GS. Kamei đã đưa ra 4 ý tưởng lớn. Đó là việc học tối ưu thường phản nhận thức/phản trực quan. Não của mỗi người không phải một chiếc máy quay. Thay vào đó, não bộ sẽ thay đổi, xử lý thông tin và chọn lọc, liên kết kiến thức mới với những ký ức khác.

"Nhiều việc hơn không đồng nghĩa với học nhiều hơn. Điều quan trọng là động lực học, sức khỏe thể chất và tinh thần là những yếu tố quan trọng nhất trong việc học. Trở thành người học có chiến lược, bạn có thể tối ưu hóa thời gian có giới hạn mình có cho việc học", GS Kamei nêu quan điểm.

Theo ông, việc biết cách trở thành một người học có chiến lược mới chỉ là bước đầu tiên. Sinh viên cần phải học được những cách học hiệu quả nhất cho riêng mình và cách thực hiện chúng. Điều quan trọng là có những chiến lược cá nhân hiệu quả phù hợp với nhu cầu của các nhiệm vụ cần làm, với nguồn tài nguyên và giới hạn của riêng mỗi người.

Kết thúc bài giảng, GS Kamei đưa ra một mô hình học tập toàn diện mà ông đã phát triển. Bao gồm 3 giai đoạn: Lên kế hoạch, thực hiện và đánh giá, và sau đó tái thực hiện những bước này.

Thay đổi phương pháp dạy học

Trong bài trình bày dẫn nhập về “Giáo dục trong thế kỷ 21”. GS Sanjay Sarma, Phó chủ tịch Trung tâm Học tập mở, Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), cho hay thế giới biến đổi không ngừng và sinh viên ngày nay phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải trong tương lai.

Vì thế, MIT đã đưa ra cách tiếp cận đột phá trong giáo dục, sử dụng nguồn học liệu mở, dùng công nghệ để cải tiến chương trình giảng dạy và phương pháp sư phạm nhằm chuẩn bị cho một tương lai hậu COVID-19 đầy thách thức nhưng cũng rất nhiều cơ hội cho khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ.

Căn cứ để MIT đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục với sinh viên ĐH là các nghiên cứu về hoạt động của bộ não con người mà sinh viên là đối tượng của nghiên cứu. Kết quả các nghiên cứu này cung cấp cho các nhà quản trị giáo dục ĐH những thông tin thú vị.

Các nhà nghiên cứu chụp lại hình ảnh bộ não của sinh viên ở các trạng thái khác nhau như xem tivi, chơi game, nấu ăn, vui chơi và học tập.

Hình ảnh bộ não của sinh viên trên giảng đường ở trạng thái tĩnh, khác với bộ não hoạt động tích cực khi vui chơi, giải trí. Kể cả việc sử dụng các video hỗ trợ bài giảng của người thầy cũng chỉ giữ sự tập trung của sinh viên đến hết phút thứ 10, từ phút thứ 11, thường thì phần lớn sinh viên bắt đầu để cho não… "lang thang", "vơ vẩn".

Từ nghiên cứu này, GS Sanjay Sarma cho rằng phương pháp dạy và học đối với sinh viên ở thế kỷ 21 này cần thay từ cách thuyết trình sang những hình thái tích cực khác.

Các phương pháp dạy học kích thích sự tò mò, mong muốn khám phá, sáng tạo, khuyến khích người học trực tiếp tham gia những hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu, thậm chí khởi nghiệp từ khi còn trên ghế nhà trường là vấn đề được các giáo sư quốc tế quan tâm.

GS Sanjay cho rằng, những kết quả nghiên cứu đó mở ra một số vấn đề cho giảng viên đại học, cho giáo sư phải suy nghĩ. Chẳng hạn, làm sao để khi giảng viên giảng bài thì bộ óc của sinh viên được làm việc sôi động như khi họ vui chơi, nấu bếp…! Hoặc sử dụng các công cụ, các phương pháp dạy học làm sao để duy trì sự tập trung vào nội dung bài giảng được lâu nhất có thể.

Theo GS Wray Buntine, Giám đốc Chương trình Khoa học Máy tính, Viện Kỹ thuật và khoa học máy tính, Trường ĐH VinUni, phải làm sao để sinh viên phát sinh nhiều câu hỏi trong đầu, mong muốn được hỏi, được khám phá và sẵn sàng phản biện lại thầy của mình, đưa ra quan điểm hoàn toàn khác. Đó mới là cách biến kiến thức của thầy thành của mỗi sinh viên.

TS Lê Mai Lan, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup, chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH VinUni, cho rằng quan điểm giáo dục ở VinUni là hướng đến cá thể hóa người học, mục tiêu chung là để sinh viên học tập chủ động. Vì thế sẽ không có một chương trình, phương pháp dạy học nào khuôn cứng, mang tính bắt buộc.

Theo bà Mai Lan, sinh viên VinUni có thể theo đuổi việc nghiên cứu hoặc khởi nghiệp kinh doanh hay muốn làm việc trong phòng LAB. Nhà trường tôn trọng sự lựa chọn của sinh viên. Thậm chí nhiều sinh viên muốn "nhúng" vào nhiều hoạt động trải nghiệm gắn với các vấn đề cuộc sống hiện nay đặt ra.

Tùy theo đặc trưng môn học, đối tượng người học cụ thể mà người thầy quyết định lựa chọn một hành trình phù hợp để người học chiếm lĩnh tri thức, hoàn thiện các kỹ năng.

Theo Tiền Phong

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang