Những mối nguy hại không ngờ trên không gian mạng đang đe dọa sinh viên

author 14:39 16/02/2024

(VietQ.vn) - Đại tá, PGS - TS Nguyễn Trần Hiếu, Phó hiệu trưởng Trường Đại học An ninh Nhân dân đã chỉ ra những mối nguy hại không ngờ trên không gian mạng đang đe dọa sinh viên hiện nay.

Sự kiện: AN TOÀN THÔNG TIN

Mạng xã hội tạo ra một không gian để kết nối mọi người với nhiều mục đích khác nhau, không phân biệt địa điểm và thời gian. Mạng đã cách mạng hóa cách người dùng Internet kết nối và đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mọi người. Các dịch vụ này có nhiều cách khác nhau để các thành viên tìm bạn bè và đối tác.

Ngày nay, có hàng trăm mạng xã hội khác nhau trên khắp thế giới. Thật dễ dàng để thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau thông qua Internet, đặc biệt là thông qua các mạng xã hội đang phát triển nhanh chóng. Mạng xã hội đặc biệt phổ biến trong giới trẻ và đã trở nên dễ tiếp cận với mọi người. Mục đích của mạng xã hội là tạo ra một hệ thống dựa trên Internet cho phép người dùng trao đổi và chia sẻ thông tin một cách hiệu quả vượt qua ranh giới về địa điểm và thời gian, có nhiều tác động tích cực đến sinh viên. Nó có thể giúp sinh viên: Xây dựng thương hiệu cá nhân; Chia sẻ và học hỏi kiến thức; Trau dồi kỹ năng; Đón nhận những cơ hội việc làm tiềm năng...

Tuy nhiên, theo Đại tá, PGS - TS Nguyễn Trần Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh Nhân dân, khoa học công nghệ ảnh hưởng đến tất cả lĩnh vực trong cuộc sống như kinh tế, chính trị, văn hóa, môi trường… đặc biệt là quốc phòng an ninh.

Xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ, có tác động tích cực lẫn tiêu cực. Điều này đòi hỏi chúng ta phải liên tục nâng cao trình độ để đảm bảo an toàn, phòng chống tội phạm trên không gian mạng, nhất là phòng chống tội phạm thường tấn công sinh viên như tội phạm ma túy, mại dâm, lừa đảo trực tuyến.

Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, Việt Nam có 1.952 trang thông tin điện tử tổng hợp và 935 mạng xã hội trong nước đã được cấp phép hoạt động. Đây đều là những diễn đàn trực tuyến để người dân có thể tự do chia sẻ, bày tỏ thông tin, quan điểm cá nhân.

Với "cơn bão" chuyển đổi số và sự phát triển tốc độ của mạng xã hội, thực trạng "bạo lực thông tin" trên không gian mạng ngày càng nhiều. Bạo lực ảo nhưng nạn nhân là thật. Người sử dụng thông tin với các tương tác của mình trên không gian mạng vô tình dính líu vào các xung đột, đe dọa, bắt nạt, thậm chí là ngược đãi về mặt tinh thần.

Internet kết nối và đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của sinh viên nhưng nó cũng để lại không ít mối nguy hại. Ảnh minh họa

Đại tá, PGS - TS Nguyễn Trần Hiếu cho rằng cần phải loại bỏ những lổ hổng về an ninh mạng, đồng thời tiếp thu những ứng dụng công nghệ, sáng kiến mới của các trường cao đẳng, đại học để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong lĩnh vực an ninh mạng, giúp sinh viên trang bị những kỹ năng phòng chống, bảo vệ bản thân trên không gian mạng.

Ông cũng khẳng định sinh viên là chủ thể quan trọng nhất trong quá trình bảo mật thông tin. Việc có một môi trường an toàn và ổn định sẽ giúp sinh viên tập trung vào việc học tập và phát triển bản thân. Đồng thời, việc rèn luyện an ninh thông tin và bảo mật thông tin cũng giúp sinh viên hiểu rõ trách nhiệm của mình đối với đất nước và sẵn sàng tham gia vào các hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia. Do vậy, từng sinh viên phải nâng cao ý thức tự giác bảo mật khi sử dụng Internet, tích cực tự giác nâng cao nhận thức, nắm vững những quy định về bảo mật thông tin, chủ động nhắc nhở bạn học cùng thực hiện và mạnh dạn lên án, đấu tranh với những hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, cơ sở giáo dục cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về an ninh mạng cho sinh viên thông qua việc tổ chức hội thảo, tư vấn, phát động các cuộc thi tìm hiểu kiến thức. Không chỉ vậy, cơ sở giáo dục cũng cần hợp tác với cơ quan an ninh để xây dựng cơ chế phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin về các mối đe dọa mới, các kỹ thuật tấn công mạng mới và biện pháp bảo vệ hiệu quả. Từ đó, hỗ trợ sinh viên nhận biết, phòng tránh và ứng phó với các mối đe dọa an ninh trực tuyến như lừa đảo, tấn công từ chối dịch vụ, tấn công malware… Thêm vào đó, cần đẩy mạnh giám sát hoạt động mạng để phát hiện, ngăn chặn các hoạt động đe dọa xâm phạm an ninh mạng; cảnh báo về các mối đe dọa an ninh mạng, phối hợp với cơ sở giáo dục để áp dụng các biện pháp xử lý khi sinh viên có hành vi cố ý xâm phạm an ninh trên không gian mạng và hệ thống thông tin của nhà trường.

Các chuyên gia khuyến cáo, trong quá trình tổ chức các hoạt động triển khai ứng dụng đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo…, cơ sở giáo dục cần đánh giá rủi ro bằng cách xác định các nhóm dữ liệu, phát hiện lỗ hổng và thiết lập các ưu tiên quản lý; xây dựng và thực hiện nghiêm túc các giải pháp, chính sách như quản trị doanh nghiệp, quản trị dữ liệu, thiết lập các lớp an ninh mạng; giám sát và báo cáo định kỳ dựa trên đặc thù của từng đơn vị như thay đổi hành vi, nhận thức người dùng; đồng thời chia sẻ và cập nhật kiến thức thường xuyên.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang