Những ‘trái ngọt’ sau 3 năm thực thi Hiệp định CPTPP

author 11:37 27/12/2022

(VietQ.vn) - Hiệp định CPTPP là cơ hội giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng hàng hóa dịch vụ và phát triển khả năng sản xuất của nền kinh tế để bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới, từ đó tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tăng trưởng ấn tượng

Là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gồm 11 nước thành viên là: Úc, Brunây, Canada, Chi Lê, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam. Với quy mô của thị trường, có thể nói, sau 3 năm CPTPP có hiệu lực, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước thành viên Hiệp định đã có bước tăng trưởng ấn tượng. Đây cũng chính là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

CPTPP là cơ hội giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng hàng hóa dịch vụ và phát triển khả năng sản xuất của nền kinh tế để bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới, từ đó tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

CPTPP là cơ hội giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng hàng hóa dịch vụ. Ảnh minh họa. 

Theo số liệu thống kê, năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020. Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ các nước Thành viên CPTPP đạt khoảng 45,5 tỷ USD, tăng khoảng 37,6% so với năm 2020.

Chỉ tính riêng 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CTPPP đạt 88,1 tỷ USD, tăng khoảng 19,2% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, xuất nhập khẩu sang thị trường các nước đối tác mà Việt Nam chưa có FTA trước đó gồm Canada và Mexico đã có kim ngạch tăng trưởng ấn tượng.

Tại Hội nghị Tổng kết 3 năm thực thi Hiệp định CPTPP mới đây, phân tích về kết quả tích cực mà CPTPP mang lại, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành đã chủ động, tích cực triển khai nhiều biện pháp như ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi Hiệp định; Tăng cường phổ biến, tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú cũng như tích cực trao đổi với các nước Thành viên CPTPP để kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi.

“Các Bộ, ngành đã tập trung xây dựng chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp tập trung vào các biện pháp như khuyến khích, định hướng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kết nối với doanh nghiệp nội địa để hình thành và phát triển chuỗi cung ứng; xây dựng và thực thi kế hoạch phát triển thương mại điện tử để hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, đầu tư trực tuyến; tăng cường tổ chức rộng rãi các hoạt động hội chợ giới thiệu hàng Việt Nam; đẩy mạnh chương trình kết nối doanh nghiệp và ngân hàng để ưu tiên vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn”, ông Thái nói.

Thách thức vẫn hiện diện

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi mà Hiệp định CPTPP mang lại, các thách thức là điều không thể tránh trong quá trình thực thi. Trong đó, về điều kiện khách quan, năm 2022 là năm đầu tiên phục hồi kinh tế của thế giới sau đại dịch Covid-19. Do cách thức phòng dịch, mở cửa khác nhau của mỗi quốc gia cho nên thị trường xuất khẩu của Việt Nam có những rào cản nhất định. 

Đến nay, nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam đã đạt được thành công trong xuất khẩu, nhưng muốn khai thác hết tiềm năng của thị trường CPTPP chúng ta phải quan tâm đến ngành hàng khác. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, thách thức đặt ra đó là nguồn lực của doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế. Đơn cử, để cải thiện năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, chúng ta phải hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và muốn đổi mới công nghệ phải có vốn và nhân lực. Tuy vậy, đây lại là hai yếu tố còn nhiều bất cập khiến cho việc khai thác cơ hội từ CPTPP gặp khó khăn.

Hơn nữa, trong quá trình khai thác thị trường các nước thành viên CPTPP hoạt động thông tin, quảng bá thương hiệu hàng hoá Việt Nam còn khiêm tốn, chưa có sự kết nối thị trường một cách chặt chẽ. Vì thế, cùng với sự chủ động của doanh nghiệp, ngành hàng, Bộ Công Thương cũng sẽ  đồng hành, hỗ trợ và khuyến khích, đẩy mạnh tuyên truyền nhiều hơn về sản phẩm Việt Nam ra thị trường thế giới. 

Một thách thức nữa theo ông ông Bùi Tuấn Hoàn, Trưởng phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) đó là, khi xuất khẩu sản phẩm vào thị trường các nước CPTPP, khoảng cách địa lý giữa hai thị trường xa xôi, chênh lệch múi giờ nên khó khăn trong giao tiếp. Khoảng cách quá xa đã dẫn đến chi phí vận tải tăng lên rất nhiều lần trong khi các khu vực thị trường châu Mỹ, đặc biệt Canada và Mexico tiêu chuẩn chất lượng rất khắt khe, tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng cũng rất chặt chẽ…

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang