Nỗ lực của các địa phương Việt Nam trong việc tuân thủ quy định về thẻ vàng IUU

author 06:50 12/10/2023

(VietQ.vn) - Kể từ khi EC ra cảnh báo “thẻ vàng”, Chính phủ và các bộ, ngành, các địa phương ven biển ở nước ta đã tập trung, nỗ lực để gỡ “thẻ vàng”. Các nhóm giải pháp đã được đưa ra như; hoàn thiện khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; thực thi pháp luật.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan, tình hình chống khai thác IUU sau 6 năm bị cảnh báo thẻ vàng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trên cơ sở kết quả đợt thanh tra lần thứ 3, việc chống khai thác IUU tiếp tục được EC ghi nhận, đánh giá cao. Việc chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác được thực hiện theo quy định của Luật Thủy sản, Hiệp định về các biện pháp quốc gia có cảng (PSMA) cơ bản đáp ứng yêu cầu. 

Để tuân thủ chặt chẽ các quy định, đáp ứng yêu cầu, hàng loạt địa phương ven biển của Việt Nam đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt. 

Quảng Ngãi tăng cường tuyên truyền chi ngư dân

Tại Quảng Ngãi, tính đến tháng 9/2023, toàn tỉnh có 4.292 tàu cá với tổng công suất gần 1,8 triệu CV. Hiện tỉnh có 5 công trình cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền. Các công trình này được Bộ NN-PTNT công bố đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có 100% tàu cá đã đăng ký, trong đó 97% thực hiện đánh dấu. Tổng số tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản là 83,38%; 99,1% tàu dài 15 m trở lên được lắp đặt VMS…

Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết các nhiệm vụ chống khai thác IUU mà tỉnh đang triển khai được ngư dân và chủ tàu cá đồng thuận, ủng hộ vì mang lại lợi ích cho họ cũng như đất nước. Đây chính là yếu tố cốt lõi tạo nên những chuyển biến tích cực trong việc chống khai thác IUU ở địa phương này. Tuy nhiên, Quảng Ngãi vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: chưa hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá, lắp đặt VMS…

"Quảng Ngãi thường xuyên tuyên truyền, giáo dục để ngư dân nắm bắt và chấp hành các quy định trong hoạt động khai thác thủy sản; tăng cường thực thi pháp luật, bảo đảm việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, tại các cửa biển, cảng cá và kịp thời ngăn chặn hành vi khai thác IUU, nhất là vi phạm về giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt và vận hành VMS đối với tàu cá" - ông Hiền nhấn mạnh. 

Theo ngư dân Huỳnh Định - ngụ xã Phổ An, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi - hàng chục năm qua, ngư dân địa phương luôn tuân thủ nguyên tắc không xâm phạm vùng biển nước khác. "Chúng tôi hy vọng sớm tháo gỡ thẻ vàng IUU để thủy sản ngư dân đánh bắt ở xa về bờ được giá hơn" - ông bày tỏ.

Phú Yên không còn tàu cá vi phạm IUU

Cũng liên quan đến vấn đề tháo gỡ thẻ vàng IUU, ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên cho rằng, tỉnh đang triển khai thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ. Trong đó có việc tăng cường rà soát để quản lý, nắm hải trình các nhóm tàu có nguy cơ cao, hay với nhóm tàu có khai thác vùng biển khơi từ 15 m trở lên được giám sát kỹ thông qua thiết bị giám sát hành trình. Đến nay, cơ bản tỉnh đã lắp đặt xong thiết bị giám sát hành trình cho 658 tàu vùng khơi, kịp thời nhắc nhở khi có dấu hiệu vi phạm trong quá trình đánh bắt.

 Tình hình chống khai thác IUU sau 6 năm bị cảnh báo thẻ vàng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh minh họa

Theo ông Phương, tỉnh Phú Yên đã yêu cầu các thuyền trưởng khi tham gia đánh bắt ở vùng biển khơi phải cam kết không vi phạm IUU, xâm phạm vùng biển nước ngoài, thường xuyên tuyên truyền để ngư dân thấy được tác hại của việc vi phạm. “Từ năm 2019 đến nay, tại Phú Yên không có tàu cá nào vi phạm, xâm lấn vùng biển nước ngoài” - ông Phương nhấn mạnh và cho biết tỉnh đã triển khai đến từng xã, phường có tàu cá có nguy cơ vi phạm cao phải phân công người theo dõi, nhắc nhở, chấp hành đúng các quy định. Đồng thời, khi đi biển cần tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ xử lý nghiêm, đưa thông tin rộng rãi để răn đe.

Ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU), cho biết: Phú Yên rất chú trọng việc tuyên truyền cho ngư dân hiểu bằng mọi biện pháp, hình thức đa dạng, sát với thực tiễn về chống đánh bắt thủy hải sản trái phép và gỡ thẻ vàng IUU. Quan trọng nhất là để ngư dân hiểu được quyền lợi của cá nhân, của quốc gia và cả tỉnh nhà trong hoạt động đánh bắt trên biển. Bên cạnh những giải pháp trên, ông Lê Tấn Hổ cũng cho hay ngoài các chính sách hỗ trợ theo quy định của trung ương, tỉnh cũng tập trung hỗ trợ lãi suất vốn vay để ngư dân đóng tàu đánh bắt, hỗ trợ bảo hiểm gồm bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm cho thuyền viên. Tỉnh còn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng từ thuyền trưởng, máy trưởng cho đến thuyền viên.

Điểm sáng Bình Định trong quá trình tuân thủ quy định về thẻ vàng IUU

Thị xã Hoài Nhơn là địa phương có đội tàu cá lớn nhất tỉnh Bình Định với 2.340 chiếc. Trong đó, 2.108 tàu đánh bắt xa bờ có chiều dài từ 15 m trở lên hoạt động ở vùng khơi và 232 tàu có chiều dài dưới 15 m hoạt động ở vùng lộng. Theo ông Phạm Trương, Bí thư Thị ủy Hoài Nhơn, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền thị xã đã đưa nội dung "tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài" vào tiêu chí xét thi đua, khen thưởng hằng năm, nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết toàn tỉnh hiện có 5.592 tàu cá dài từ 6 m trở lên đã đăng ký, trong đó 4.213 tàu thuộc diện đăng kiểm hằng năm. Hiện nay, 78,59% tàu cá đã được đăng kiểm; 87% tàu có giấy phép khai thác; 98,97% tàu đã lắp đặt VMS. Việc kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại cảng bảo đảm đúng quy định; việc xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc sản phẩm bảo đảm đúng quy trình và tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến nay, Bình Định không có lô hàng nào được chứng nhận bị trả về.

Từ năm 2022 đến nay, Bình Ðịnh đã cử 5 đoàn công tác gặp gỡ trực tiếp ngư dân có tàu cá thường xuyên di chuyển ngư trường hoạt động ở các tỉnh phía Nam không đưa phương tiện về địa phương để tuyên truyền, vận động họ không vi phạm vùng biển nước ngoài. Bình Ðịnh cũng là địa phương xây dựng các bộ quy chế phối hợp với các tỉnh, thành trong quản lý tàu cá. 

Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, thời gian qua, địa phương đã thực hiện việc xóa đăng ký tàu cá và ban hành quyết định thu hồi giấy phép khai thác thủy sản đối với các tàu đã bán hoặc chủ tàu chuyển nơi cư trú ra ngoài tỉnh. Các cơ quan chức năng còn tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm tàu cá vi phạm; phát hiện và xử lý tàu cá không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa VMS trong quá trình hoạt động trên biển. Công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng, xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc cũng được tỉnh chú trọng thực hiện...

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang