Nữ bệnh nhân gặp biến chứng sau khi tiêm filler làm thẳng chân

author 08:53 08/05/2022

(VietQ.vn) - Bệnh viện Da liễu Trung ương vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ 47 tuổi, ở Hà Nội, bị biến chứng sau khi tiêm filler (chất làm đầy) làm thẳng chân.

Nữ bệnh nhân này vốn tự ti với đôi chân có khuyết điểm nên khi nghe quảng cáo trên mạng xã hội, chị tìm đến một spa ở quận Cầu Giấy để tiêm chất làm thẳng chân. Tại đây, chị được giới thiệu tiêm collagen tươi đệm mô chân, sản xuất tại châu Âu. Tuy nhiên, thực tế cơ sở này đã tiêm chất làm đầy filler cho nữ bệnh nhân và thu mức giá lên tới 60 triệu đồng.

Một ngày sau tiêm, người phụ nữ này đã cảm thấy đau nhức, hai bắp chân sưng diện rộng, tấy đỏ, không thể đi lại bình thường. Sau đó, chị tìm đến Bệnh viện Da liễu Trung ương để khám.

 Nữ bệnh nhân gặp biến chứng sau khi tiêm filler làm thẳng chân. 

Bác sĩ Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho biết, bệnh nhân đến khám trong tình trạng viêm mô dưới da rất rõ, sưng đỏ dọc theo đường tiêm. Hình ảnh siêu âm cho thấy, bệnh nhân được tiêm chất làm đầy vào hai bên chân, một bên 1ml và một bên 2ml. Bên chân được tiêm 2ml đã có ổ áp xe dọc bắp chân, bên còn lại dần hình thành ổ áp xe.

Các bác sĩ đã chỉ định điều trị cho bệnh bằng kháng sinh, giảm đau. Sau 5 ngày, tổn thương dần trở về bình thường, tuy nhiên, bệnh nhân phải tiếp tục theo dõi. "Đây là trường hợp hy hữu tiêm filler làm thẳng chân. Trong y văn, chúng tôi chưa từng thấy có chỉ định tiêm thẳng chân bằng filler", bác sĩ Vũ Thái Hà nói.

Về cơ bản, để làm thẳng chân không thể dùng thủ thuật tiêm. Thông thường, nếu bắp chân to có thể tiêm các chất botox để làm thon gọn. Còn cong chân là liên quan đến xương nên không thể khắc phục bằng tiêm chất làm đầy.

Theo các bác sĩ, thời gian gần đây, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, Bệnh viện Da liễu Trung ương và nhiều bệnh viện lớn liên tiếp tiếp nhận các trường hợp tai biến sau tiêm filler. Hầu hết bệnh nhân đều thực hiện tại các cơ sở thẩm mỹ chưa được cấp phép, dùng chất liệu filler trôi nổi, không rõ nguồn gốc…

Các bác sĩ cảnh báo việc thực hiện các thủ thuật tiêm filler cần phải được thực hiện bởi nhân viên y tế có chuyên môn, được đào tạo và tại các cơ sở y tế được cấp phép nhằm tránh các biến chứng đáng tiếc. Bởi lẽ có nhiều vấn đề cần quan tâm, đầu tiên phải đảm bảo việc thực hiện thủ thuật một cách vô khuẩn tuyệt đối, vì nếu không rất dễ nhiễm trùng. Bên cạnh đó nếu thủ thuật tiêm không đúng lớp sẽ dễ gây xơ các vùng tiêm. Nếu thực hiện bằng kim nhỏ, nguy cơ filler đi vào mạch máu, các mô không mong muốn rất nhiều. Hơn nữa, với các chất liệu filler không đảm bảo hoặc trôi nổi trên thị trường thì nguy cơ cao gây phản ứng, thường là phản ứng dị ứng, viêm mô hạt hay nhiễm độc có thể gặp phải.

 An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang