Ô nhiễm bụi ở Hà Nội cao gấp 2 lần tại thành phố Hồ Chí Minh

author 15:01 18/01/2017

(VietQ.vn) - Trong năm 2016, Hà Nội trải qua nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Chỉ số ô nhiễm bụi PM 2.5 ở thủ đô cao gần gấp 2 lần TP.HCM.

Sự kiện:

Báo cáo tại hội thảo được Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) và Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm được tổ chức mới đây tại Hà Nội cho biết, chất lượng không khí tại Hà Nội và TP.HCM đã ở mức đáng báo động.

Theo đó, sau khi thực hiện sau khi rà soát, phân tích các số liệu, tập trung vào chỉ số AQI và PM2.5 tại 2 thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM.

Kết quả, lượng bụi PM2.5 (loại bụi nguy hiểm nhất, có thể thẩm thấu, hấp thụ vào máu) trung bình năm tại TP.HCM là 28,23 µg/m3, cao hơn một chút so với ngưỡng quy chuẩn trung bình năm theo quy định của Việt Nam (25 µg/m3).

Trong khi đó tại Hà Nội, lượng bụi PM2.5 lên gới 50,5µg/m3, cao gấp đôi soi với quy chuẩn quốc gia và gấp 5 lần so với ngưỡng trung bình năm theo hướng dẫn khuyến nghị của tổ chức Y tế thế giới –WHO (10µg/m3).

Với lượng bụi PM2.5 ở mức 50,5 µg/m3, Hà Nội đang đứng sau thủ đô New Delhi của Ấn Độ (124µg/m3) - một trong những khu vực ô nhiễm không khí nặng trên thế giới.

Nếu áp theo quy chuẩn quốc gia về chất lượng không khí xung quanh, năm 2016, Hà Nội có 123 ngày ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, áp theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2016, Hà Nội có 282 ngày ô nhiễm không khí.

Phát biểu tại hội thảo, tiến sĩ Đỗ Mạnh Cường, Phó trưởng phòng Sức khỏe cộng đồng, Cục quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, cho rằng bụi PM 2.5 là tác nhân ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Loại bụi này có khả năng lắng đọng, thẩm thấu, di chuyển trong phổi gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Báo động chất lượng không khí: Ô nhiễm bụi ở Hà Nội cao gấp 2 lần TP.HCM

Về các nguồn gây ô nhiễm, nhóm khảo sát cho rằng các nhà máy nhiệt điện than, khí thải từ phương tiện giao thông, từ xây dựng và công nghiệp, từ việc đốt chất thải, đun nấu hộ gia đình, một phần là ô nhiễm từ các nước láng giềng theo gió bay vào Việt Nam, trong đó có Hà Nội. Trong số này, nguồn phát thải từ nhiệt điện than được đánh giá là một trong những nguồn ô nhiễm nghiêm trọng nhất.

Tại Việt Nam, một khảo sát thực hiện cuối năm 2016 trên 1.400 người dân, trong đó có trên 86% là người dưới 40 tuổi, trên 70% trong số này cho biết bản thân họ và con cái có vấn đề liên quan đến hô hấp, một tỉ lệ rất lớn người được hỏi cho biết khu vực họ sống có nhiều khói bụi và họ rất quan tâm đến chất lượng không khí.

Trước đó, theo Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia giai đoạn 2011-2015 được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố vào tháng 9/2016, chất lượng không khí tại các đô thị lớn, khu vực xung quanh các khu sản xuất công nghiệp và làng nghề chưa có nhiều cải thiện so với giai đoạn 2006-2010. Trong các tác nhân gây ô nhiễm không khí thì bụi là vấn đề nổi cộm nhất.

Các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM hay đô thị có hoạt động công nghiệp mạnh như Việt Trì (Phú Thọ), ô nhiễm bụi trong không khí có xu hướng duy trì ở ngưỡng cao, đặc biệt là các khu vực gần các trục giao thông chính. Tại các công trường xây dựng (khu chung cư, khu đô thị mới, sửa chữa đường giao thông, xây dựng đường trên cao) tình trạng ô nhiễm bụi cục bộ vẫn tiếp tục diễn ra.

Đối với ô nhiễm không khí liên quốc gia, báo cáo đưa ra nhận định, một số vấn đề như lắng đọng axit, sương mù quang hóa hay ô nhiễm xuyên biên giới đã xuất hiện những dấu hiệu ảnh hưởng nhất định đến chất lượng môi trường không khí một số khu vực. Hiện tượng sương mù quang hóa đã diễn ra ở các đô thị lớn tại một số thời điểm trong năm. Theo một số nghiên cứu, toàn bộ miền Bắc và miền Trung được đánh giá là chịu tác động đáng kể từ các nguồn phát thải từ các khu vực phía Đông, Đông Bắc, Đông Nam của Trung Quốc, Đài Loan.

Hà Nội mù mịt cả ngày do sương mù hay ô nhiễm?Việc sương mù dày đặc và kéo dài suốt cả ngày khiến nhiều người băn khoăn không biết đây là sương mù hay khói ô nhiễm.

Lê Huy

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang