Phải quản lý chặt chẽ đối với những hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh

author 20:52 20/08/2021

(VietQ.vn) - Góp ý với Bộ Công Thương về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 113/2017/NĐ-CP, VCCI cho biết thống nhất quan điểm với việc cần thiết phải quản lý chặt chẽ đối với những hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, phản hồi đề nghị của Bộ Công Thương về việc góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 113/2017/NĐ-CP ngày 9/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời về vấn đề này.

Theo đó, VCCI đồng tình với nhiều nội dung cơ bản như quy định khai báo hóa chất nhập khẩu theo hướng tự động, tạo thuận lợi về mặt thủ tục cho các doanh nghiệp nhập khẩu. Đồng thời, thống nhất quan điểm với việc cần thiết phải quản lý chặt chẽ đối với những hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, theo VCCI, cần có sự đánh giá tác động kỹ càng hơn nữa đối với việc bổ sung thêm các cơ chế quản lý theo hướng gia tăng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, trong khi mục tiêu quản lý nhà nước lại có thể đạt được thông qua các biện pháp khác. Cụ thể, liên quan tới nội dung khai báo hóa chất nhập khẩu, theo quy định hiện hành, tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất phải thực hiện khai báo hóa chất nhập khẩu thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia và Bộ Công Thương sẽ phản hồi thông tin. Đây được xem là bằng chứng xác nhận hoàn thành việc khai báo hóa chất và làm cơ sở để các tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan làm thủ tục hải quan.

Dự thảo Nghị định sửa đổi lại bổ sung quy định phê duyệt hồ sơ đối với thủ tục khai báo hóa chất nhập khẩu nguy hiểm cần được kiểm soát như dinitơ oxit, xyanua và các hợp chất của xyanua, thủy ngân và các hợp chất của thủy ngân. Đây là một dạng thủ tục tương tự như việc cấp phép, nên cần được cân nhắc lại và xem xét tới nguy cơ tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Các dạng chất nêu trên đều thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp. Có nghĩa là, các tổ chức, cá nhân nhập khẩu những mặt hàng này đều phải có Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế trong lĩnh vực công nghiệp và có quyền được nhập khẩu những hóa chất này để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình. Nhà nước thông qua cơ chế cấp phép kinh doanh để kiểm soát hoạt động kinh doanh, nhập khẩu những hóa chất này của các chủ thể, cho dù chủ thể nhập khẩu đủ điều kiện an toàn để kinh doanh những mặt hàng nguy hiểm này.

Theo lập luận của VCCI, việc khai báo thông tin hóa chất nhập khẩu được thiết kế có tính chất như cấp phép nhập khẩu (doanh nghiệp nộp hồ sơ, cơ quan Nhà nước sẽ xem xét hồ sơ và phê duyệt, xác nhận mới được phép nhập khẩu) sẽ khiến cho doanh nghiệp phải xin hai lần giấy phép mới được phép nhập khẩu loại hàng hóa nói trên, bao gồm: giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế và phê duyệt hồ sơ khai báo thông tin nhập khẩu.

Điều này tạo gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp, trong khi xét về mục tiêu quản lý, Nhà nước đã có thể quản lý thông qua việc cấp giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế. Mặt khác, dự thảo đã bổ sung quy định: khi khai báo thông tin nhập khẩu doanh nghiệp phải cung cấp “Bản sao Giấy phép kinh doanh hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp trong trường hợp tổ chức, cá nhân khai báo hóa chất hạn chế sản xuất kinh doanh để kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp”.

Về cơ bản, quy định này có thể kiểm soát được việc doanh nghiệp nhập khẩu có quyền nhập khẩu hóa chất hạn chế hay không. Ngoài ra, tính nhất quán của các chính sách theo luật định cũng cần phải xem xét lại. Các hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp sẽ chịu sự kiểm soát, quản lý tương tự nhau. Việc đặt ra kiểm soát đặc biệt đối với những hóa chất đặc biệt nói trên sẽ tạo ra sự thiếu nhất quán trong chính sách quản lý đối với các hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp.

VCCI vừa có ý kiến góp ý đối với Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 113/2017/NĐ-CP ngày 9/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất. Ảnh minh họa 

Trong báo cáo đánh giá tác động, cơ quan chủ trì và xây dựng dự thảo cũng chưa đưa ra các thông tin về mặt thực tiễn đối với những nguy cơ gây mất an toàn đối với việc nhập khẩu các loại hóa chất là “dinitơ oxit, các hợp chất xyanua, các hợp chất thủy ngân nhập khẩu” đến mức buộc phải bổ sung thêm cơ chế quản lý chặt chẽ hơn đối với các loại hóa chất này. Do đó, VCCI cho rằng, cần bổ sung số liệu, vi phạm về việc nhập khẩu các loại hóa chất này và chứng minh việc khai báo nhập khẩu theo quy định hiện hành là không thể kiểm soát.

Ngoài nội dung quản lý và khai báo hóa chất nhập khẩu, vấn đề thời hạn của Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp cũng nên xem xét lại. Theo đề xuất của dự thảo sẽ bổ sung quy định thời hạn của giấy phép này là 5 năm. Mặc dù, Nghị định 113 không quy định thời hạn của giấy phép mà chỉ sử dụng biện pháp quản lý là hậu kiểm và Báo cáo đánh giá tác động cũng không đánh giá tác động rõ ràng về những nguy cơ tác động tiêu cực về mặt quản lý Nhà nước, nhưng đề xuất của dự thảo sửa đổi lần này lại phù hợp với Luật Hóa chất.

Tuy nhiên, theo nhận định của VCCI, việc quy định thời hạn của giấy phép kinh doanh sẽ tác động đến việc thực hiện thủ tục hành chính của doanh nghiệp. Thời hạn càng ngắn thì doanh nghiệp phải thực hiện càng nhiều thủ tục, điều này cũng ảnh hưởng đến sự ổn định trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, để đảm bảo tính thống nhất với Luật, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo quy định thời hạn của giấy phép dài hơn so với đề xuất, cụ thể là 10 năm. Đồng thời bổ sung các quy định kèm theo như gia hạn giấy phép và các thủ tục liên quan đến gia hạn giấy phép.

Ngoài 2 nội dung nêu trên, VCCI cho rằng, vấn đề trình tự, thủ tục cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp cũng cần được bổ sung điều chỉnh. Cụ thể như, Nghị định 113 quy định, doanh nghiệp phải cung cấp “Báo cáo về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán và sử dụng tiền chất công nghiệp của Giấy phép đã được cấp gần nhất đối với tiền chất công nghiệp Nhóm 1”. Quy định này là không rõ ràng về tiêu chí của cơ quan cấp phép. Cơ quan cấp phép sẽ xem xét và hoặc căn cứ vào tiêu chí nào để cấp phép hoặc từ chối cấp phép?

Tình hình về xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán và sử dụng tiền chất công nghiệp của giấy phép đã được cấp gần nhất có ảnh hưởng như thế nào đến việc xem xét cấp phép cho giấy phép tiếp theo? Cơ quan Nhà nước sẽ xem xét nội dung gì ở báo cáo này để quyết định?Việc thiếu rõ ràng trong tiêu chí cấp phép sẽ khiến cho quy trình này trở nên chưa minh bạch. Từ đây, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về căn cứ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét để cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp.

Về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp cũng chưa thực sự phù hợp với thực tiễn khi dựa vào Bản giải trình kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.

Liên quan đến quy mô, chủng loại hóa chất kinh doanh thì doanh nghiệp đã phải cung cấp các tài liệu để chứng minh có thể sản xuất được các loại hóa chất này một cách an toàn. Do đó, việc yêu cầu phải có “Bản giải trình kế hoạch kinh doanh” vừa chưa đảm bảo tính thống nhất trong chính các quy định của Nghị định 113/2017/NĐ-CP vừa chưa đảm bảo tính hợp lý và minh bạch. VCCI khuyến nghị, cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này trong dự thảo.

Trước đó, Bộ Công Thương cho biết đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất. Bộ Công Thương cho biết, sau 4 năm thực hiện, Nghị định số 113/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi bổ sung để phù hợp tình hình thực tiễn.

Cụ thể, về điều kiện, yêu cầu sản xuất, kinh doanh hóa chất: Theo quy định tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP, hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp và Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp gồm nhiều nội dung trong đó có hồ sơ huấn luyện an toàn hóa chất. Hồ sơ huấn luyện nói trên gồm nhiều tài liệu, bao gồm: Bằng tốt nghiệp của giảng viên, bằng chứng về kinh nghiệm hoạt động an toàn hóa chất, giáo trình về huấn luyện an toàn hóa chất... gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Do vậy, để giản tiện cho doanh nghiệp, dự thảo đề xuất thay thế hồ sơ huấn luyện an toàn hóa chất bằng bản sao Quyết định công nhận kết quả kiểm tra huấn luyện an toàn hóa chất. Đồng thời dự thảo cũng bổ sung quy định Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp có thời hạn hiệu lực là 5 năm.

Theo Bộ Công Thương lý do của đề xuất này nhằm: Đơn giản hóa hồ sơ xin cấp Giấy phép sản xuất kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh hóa chất sản xuất kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực quản lý nhà nước. Bổ sung quy định về thời hạn Giấy phép theo Điểm đ Khoản 1 Điều 17 Luật Hóa chất và Điểm e Khoản 5 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2020.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung “Các trường hợp miễn trừ Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp” gồm: Hoạt động pha loãng, phối trộn hóa chất tạo thành hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp để đưa vào quá trình sử dụng, sản xuất sản phẩm, hàng hóa khác của chính tổ chức, cá nhân; Thành phần hóa chất trong hỗn hợp chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp có hàm lượng trong hỗn hợp chất nhỏ hơn 0,1%.”

Về huấn luyện an toàn hóa chất và diễn tập Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP, chương trình huấn luyện an toàn hóa chất hiện nay chưa quy định nội dung thực hành. Do đó, khi xảy ra sự cố hóa chất, nhiều tổ chức, cá nhân bị động, không ứng phó kịp thời dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và ảnh hưởng đến môi trường.

Vì thế, dự thảo bổ sung quy định: Hàng năm các cơ sở hóa chất phải tổ chức diễn tập phương án ứng phó sự cố hóa chất đã được xây dựng trong Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất với sự chứng kiến hoặc chỉ đạo của đại diện cơ quan quản lý chuyên ngành địa phương trong trường hợp cơ sở hóa chất có tồn trữ hóa chất thuộc Danh mục hóa chất nguy hiểm phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất nhưng dưới ngưỡng quy định tại Phụ lục IV Nghị định số 113/2017/NĐ-CP.

Nội dung thực hành tại cơ sở hoạt động hóa chất gồm: Nhận biết, thao tác đặc tính nguy hiểm và thực hành quy trình xử lý một số sự cố hóa chất điển hình. Thời gian thực hành tối thiểu là 4 giờ…Việc bổ sung các bài tập thực hành tình huống nhằm tăng cường chất lượng huấn luyện an toàn hóa chất đúng với thực tế, tránh các trường hợp lúng túng khi sự cố hóa chất xảy ra trong thực tế, gây hậu quả nghiêm trọng.

Bảo An (Tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang