Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

author 07:02 18/11/2023

(VietQ.vn) - Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030.

Kế hoạch với mục đích cụ thể hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng nhiệm vụ và giải pháp trong Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Quyết định số 569/QĐ-TTG ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thúc đẩy chuyển đổi số, bảo vệ môi trường sinh thái, thích nghi và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển bền vững. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ đủ khả năng tiếp thu, ứng dụng, làm chủ và phát triển công nghệ hiện đại.

Kế hoạch cũng yêu cầu các Sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động, linh hoạt, tích cực triển khai kế hoạch. Việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch đảm bảo tính khoa học, đồng bộ, hiệu quả; thực hiện việc kiểm tra, giám sát, báo cáo, đánh giá tiến độ thực hiện; tổ chức sơ kết, tổng kết theo quy định.

Về mục tiêu tổng quát, đến năm 2030, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần vào phát triển toàn diện kinh tế, xã hội bền vững, bảo đảm quốc phòng- an ninh. Trọng tâm của chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là tiếp nhận chuyển giao và làm chủ công nghệ, kỹ thuật sản xuất mới, tiên tiến, đặc biệt là các thành tựu của công nghệ 4.0. Xây dựng cơ chế liên kết, hợp tác giữa nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp; hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học hướng đến các doanh nghiệp và cơ sở để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, đời sống. Đẩy mạnh phát triển công nghệ cao, công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực; cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho cấp ủy, chính quyền xây dựng cơ chế, chính sách và định hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh- quốc phòng, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử.

Cụ thể, nâng cao đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh thông qua các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh đến năm 2025 là 40% và đến 2030 nâng lên 45%; Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng giá trị công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh đạt từ 20% - 30%; Phấn đấu số tổ chức khoa học, công nghệ và số doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp KHCN đến năm 2025 là 30 tổ chức, đến năm 2030 là 45 tổ chức; Phấn đấu số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tăng trung bình 10% giai đoạn 2021-2025 và tăng 15% giai đoạn 2025- 2030; Phấn đấu đến năm 2030, chỉ số đổi mới sáng tạo của tỉnh thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước;

Ảnh minh họa. 

Nâng mức chi ngân sách nhà nước của tỉnh cho khoa học và công nghệ lên ít nhất 2% (bằng tỷ lệ chi cho khoa học, công nghệ trong ngân sách cả nước) trong thời kỳ 5 năm 2021-2025 và tiếp tục nâng lên 3% trong thời kỳ 2026-2030; Đến năm 2025, nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 11 người trên một vạn dân, đến năm 2030 đạt 12 người trên một vạn dân; Đến năm 2025, số cơ sở sản xuất, kinh doanh được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng hằng năm tăng từ 12-15%, duy trì mức tăng bình quân trên 10% /năm đến năm 2030.

Định hướng chủ yếu phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thứ nhất, định hướng nhiệm vụ trọng tâm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tập trung phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh: Ứng dụng công nghệ tiên tiến để tăng tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, tăng năng suất và giá trị gia tăng đối với các ngành sản xuất gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số; thúc đẩy phát triển một số ngành lĩnh vực mũi nhọn dựa trên nền tảng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; từng bước giảm tỷ trọng các ngành có năng suất lao động, giá trị gia tăng thấp, sử dụng công nghệ lạc hậu; Tiếp thu, làm chủ, chuyển giao, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; ứng dụng các giải pháp công nghệ trong và ngoài nước để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường ứng dụng công nghệ vào phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, sản phẩm chủ lực của địa phương, thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Đổi mới và hoàn thiện quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Tham mưu các cấp có thẩm quyền xây dựng các chính sách hoạt động quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với cơ chế thị trường nhằm tháo gỡ các nút thắt, rào cản, tạo thuận lợi tốt nhất cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp, các hộ sản xuất kinh doanh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Tăng cường mối liên kết giữa 3 nhà “Quản lý - Khoa học - Doanh nghiệp”; Xây dựng, số hóa các cơ sở dữ liệu về khoa học và công nghệ phục vụ quản lý, từng bước tích hợp, liên thông với cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, của Bộ.

Phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Tiếp tục củng cố, đầu tư tiềm lực đối với các tổ chức khoa học, công nghệ công lập hiện có trên địa bàn tỉnh theo hướng phù hợp với các định hướng ưu tiên về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Tập trung đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao trong các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng, chuyên gia thuộc các lĩnh vực phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa, chuyển đổi số; thực hiện chính sách thu hút, bổ nhiệm và sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ có trình độ cao về làm việc trên địa bàn tỉnh; Hình thành khu vực sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao, phòng thí nghiệm gắn với các lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên; phát triển và nâng cao chất lượng của hệ thống thông tin khoa học, công nghệ theo hướng chuyên nghiệp, chuyển đổi số.

Thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và phát triển thị trường khoa học và công nghệ: Phát triển thị trường khoa học và công nghệ nhằm thúc đẩy các giao dịch hàng hóa khoa học và công nghệ; thúc đẩy doanh nghiệp tham gia thị trường khoa học và công nghệ; liên thông thị trường khoa học và công nghệ với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, tài chính và lao động; đẩy mạnh hợp tác với các viện, trường - doanh nghiệp; chính sách thương mại hoá, đưa nhanh kết quả nghiên cứu phát triển tài sản trí tuệ vào sản xuất, kinh doanh; Thúc đẩy hoạt động hỗ trợ, ươm tạo, thành lập Doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ; khuyến khích thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp; tổ chức đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ, thiết bị; triển khai các hoạt động tìm kiếm, khâu nối và giới thiệu công nghệ, thiết bị cho các doanh nghiệp của tỉnh tiếp cận, đặc biệt là các công nghệ, thiết bị tiên tiến;

Gia tăng số lượng, chất lượng và hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ, chú trọng phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp cùng với việc tăng cường bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý tiên tiến, hệ thống truy xuất nguồn gốc, công cụ cải tiến năng suất chất lượng và chương trình đảm bảo đo lường, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng cao. Đầu tư cơ sở vật chất máy móc thiết bị, phát triển hệ thống các phòng thí nghiệm đáp ứng cơ bản các nhu cầu về đo lường thử nghiệm trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai, định hướng phát triển nghiên cứu khoa học. Khoa học xã hội và nhân văn: Nghiên cứu xác định điều kiện, giải pháp, lộ trình đổi mới, chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, kinh tế số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và của nền kinh tế; Nghiên cứu các luận cứ khoa học để tham mưu hoạch định các chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; nghiên cứu các giải pháp về phát triển kinh tế tri thức; các luận cứ và giải pháp gắn phát triển kinh tế - xã hội với nhiệm vụ củng cố quốc phòng - an ninh; nghiên cứu xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đặc biệt là tại các khu kinh tế trọng điểm như Khu kinh tế Vũng Áng, các khu, cụm công nghiệp; Nghiên cứu các giải pháp nâng cao giáo dục lịch sử, truyền thống, thuần phong, mỹ tục; nghiên cứu phát triển các loại hình du lịch, điểm du lịch hợp lý, liên kết lữ hành trong và ngoài nước (du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, homestay, home-sharing,...); nghiên cứu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.

Nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; nguyên nhân, tác động của thiên tai, quá trình biến đổi khí hậu làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất và thực hiện các giải pháp hạn chế, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh; Nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo và kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị và sản xuất, bào chế dược liệu; Ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường để tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo. Công nghệ hiện đại trong quan trắc, giám sát, xử lý môi trường; bảo tồn phát triển đa dạng sinh học; tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về tài nguyên và môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, định hướng phát triển, ứng dụng công nghệ. Công nghệ thông tin và truyền thông: Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực, phục vụ quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế tỉnh, tích cực chủ động tham gia với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh chủ động phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực cạnh tranh cao.

Công nghệ sinh học: Phát triển công nghệ sinh học đạt trình độ tiên tiến so với các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ trong các lĩnh vực: nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp chế biến thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế dự phòng, chẩn đoán, điều trị bệnh và bảo vệ môi trường; sản xuất một số sản phẩm chủ lực dựa vào ứng dụng công nghệ sinh học, đóng góp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tạo ra phong trào ứng dụng công nghệ sinh học rộng khắp trong các ngành, địa phương.

Công nghệ vật liệu mới: Ưu tiên nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất các loại vật liệu mới đảm bảo thân thiện với môi trường như: công nghệ sản xuất các loại vật liệu nhẹ, vật liệu chống cháy, vật liệu từ phế thải của nhà máy nhiệt điện, nhà máy luyện thép…

Công nghệ xây dựng, giao thông và hạ tầng tiên tiến: Nghiên cứu, tiếp thu các công nghệ tiên tiến trong thiết kế, xây dựng các công trình hạ tầng, giao thông, thủy lợi.

Công nghệ biển: Nghiên cứu ứng dụng, làm chủ công nghệ tiên tiến trong quản lý, khai thác biển, khai thác hiệu quả và hợp lý tài nguyên biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học biển, các hệ sinh thái biển, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, duy trì nguồn vốn tự nhiên biển; công nghệ tiên tiến trong cảnh báo và dự báo tai biến thiên nhiên và sự cố môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Công nghệ môi trường: Đẩy mạnh ứng dụng, làm chủ công nghệ sản xuất sạch, công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại, khí thải, công nghệ tái chế chất thải.

Thứ tư, định hướng hoạt động đổi mới sáng tạo. Hoạt động đổi mới sáng tạo trong các ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới: Nghiên cứu các giải pháp phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn bền vững; ưu tiên hỗ trợ phát triển các ngành hàng, sản phẩm chủ lực của tỉnh, sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP; đẩy mạnh tiếp thu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp, thủy sản, ngành nghề nông thôn; đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; Xây dựng và nhân rộng các mô hình trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ để phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt các mô hình liên kết, hợp tác giữa các vùng miền; kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại nông lâm thuỷ sản và quản trị nông thôn.

Hoạt động đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông: Thực hiện quá trình tái cơ cấu với định hướng lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những giải pháp có tính đột phá, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khuyến khích các doanh nghiệp chuyển giao, làm chủ các công nghệ, nghiên cứu, cải tiến công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng; thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp; hình thành các hệ thống đổi mới sáng tạo gắn với các cụm liên kết ngành; ưu tiên các ngành công nghiệp năng lượng, cơ khí chế tạo, vật liệu, công nghệ thông tin và truyền thông; công nghiệp chế biến thúc đẩy năng lực cạnh tranh các sản phẩm, dịch vụ ưu tiên của tỉnh.

Hoạt động đổi mới sáng tạo trong các ngành dịch vụ: Triển khai ứng dụng rộng rãi và mạnh mẽ các nền tảng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các mô hình kinh doanh mới trong các hoạt động dịch vụ, du lịch, kinh doanh, dịch vụ công. Xây dựng tiêu chuẩn, khung pháp lý, cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp kinh doanh dựa trên nền tảng số, doanh nghiệp triển khai ứng dụng công nghệ và dịch vụ số; Hỗ trợ đào tạo quản lý, quản trị công nghệ, cập nhật công nghệ mới, tư vấn lựa chọn công nghệ phù hợp áp dụng vào sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối, sử dụng chung hạ tầng và chia sẻ dữ liệu để tối ưu hóa mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ.

Hình thành đơn vị đầu mối đổi mới sáng tạo của tỉnh: Bổ sung chức năng nhiệm vụ và đổi tên “Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và công nghệ” thành “Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo tỉnh Hà Tĩnh, để làm đầu mối hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo tại địa phương. Nghiên cứu thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo thuộc Trường Đại học Hà Tĩnh. Kết nối với Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia và kết nối mạng lưới chuyên gia, các nguồn lực trong nước, quốc tế để thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hà My

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang