Phát triển nuôi trồng rong biển - ngành thủy sản hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh bền vững

author 19:19 06/12/2022

(VietQ.vn) - Với điều kiện tự nhiên đa dạng và phong phú, Việt Nam có nhiều tiềm năng cho rong biển phát triển. Tuy nhiên, diện tích và sản lượng rong biển nước ta còn thấp. Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã xác định rong biển là một trong những đối tượng tiềm năng cần phát triển để hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh bền vững.

Hiện nay, Việt Nam chỉ mới khai thác trồng được hơn 1,1% diện tích có thể trồng rong biển, trong khi đây là nguồn lợi thủy sản có giá trị cao.

Tại Hội nghị về nhiệm vụ và giải pháp phát triển ngành hàng rong biển do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng tỉnh Phú Yên tổ chức, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, hiện nay lĩnh vực nuôi biển đang nhận được sự quan tâm lớn từ Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Ngày 04/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1664/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định rong biển là một trong những đối tượng tiềm năng cần phát triển để hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh bền vững.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến: Rong biển là ngành hàng tiềm năng và có vai trò quan trọng trong phát triển bền vững. 

Với điều kiện tự nhiên đa dạng và phong phú, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng thuận lợi cho rong biển phát triển. Tuy nhiên, diện tích và sản lượng rong biển nước ta còn rất thấp so với các quốc gia ven biển trong khu vực. Trong nhiều năm qua, diện tích trồng rong không có đột phá, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thậm chí còn giảm. Hoạt động chế biến, chiết xuất hoạt chất và thương mại các sản phẩm rong biển còn rất hạn chế.

Báo cáo của Tổng cục Thủy sản cho biết, hiện nay, Việt Nam có 88 loài rong biển có giá trị kinh tế và có thể trồng được trên diện tích 900.000 ha. Tuy nhiên, cả nước chỉ khai thác trồng được 10.150ha rong biển. Tổng cục Thủy sản cho rằng, Việt Nam còn nhiều dư địa để khai thác, phát triển ngành hàng rong biển, nhưng cần sự vào cuộc tích cực từ các địa phương, doanh nghiệp, người dân. Tổng cục Thủy sản kiến nghị các địa phương cần đánh giá tiềm năng lợi thế, tìm hiểu nhu cầu thị trường để xây dựng kế hoạch, tổ chức phát triển sản xuất, chế biến rong tảo biển phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương.

Ông Lê Tấn Hổ- Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên cho biết, dù là tỉnh có điều kiện thuận lợi nhưng Phú Yên chỉ mới có khoảng 3,7 ha trồng rong nho tại thị xã Sông Cầu, sản lượng ước đạt 7,9 tấn/năm.

Tỉnh Phú Yên định hướng phát triển đến năm 2030, trồng rong nho khoảng 380 ha, sản lượng khoảng 1.300 tấn/năm tại một số vùng vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông (thị xã Sông Cầu, Ô Loan, huyện Tuy An) và vùng biển mở nhằm cải thiện môi trường, tạo thu nhập ổn định cho ngư dân- ông Lê Tấn Hổ cho hay.

 Rong biển là nguồn lợi có thể tái tạo, phù hợp với xu thế tăng trưởng xanh 

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, rong biển là nguồn lợi có thể tái tạo. Hầu hết quốc gia có biển đều quan tâm bảo tồn và phát triển nguồn lợi rong biển. Trồng rong biển có thể qiải quyết sinh kế bền vững, lâu dài, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho cộng đồng dân cư ven biển; đồng thời cũng là giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, giảm phát thải CO2 và giảm áp lực lên hệ sinh thái, giúp bảo vệ môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững trong nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Do đó, đẩy mạnh phát triển rong biển là phù hợp với xu thế tăng trưởng xanh hiện nay và cũng là góp phần thực hiện đề án phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển theo định hướng của Chính phủ và ngành nông nghiệp.

Nhấn mạnh đây là lần đầu tiên Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị bàn về việc phát triển ngành hàng rong biển, một ngành hàng rất tiềm năng và có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, mục tiêu đến năm 2025, sản lượng rong tảo biển cả nước đạt 180.000 tấn; đến năm 2030, đạt 500.000 tấn. Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người trồng rong biển tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng phục vụ sản xuất kinh doanh- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang