Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát: Xây dựng thương hiệu là cả một quá trình lâu dài, liên tục

author 09:04 30/11/2019

(VietQ.vn) - Sáng 29/11, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Tọa đàm "Kết nối thương hiệu Việt" với sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu về phát triển thương hiệu, các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách và đại diện lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp.

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhấn mạnh: Cần lưu ý tới những mảng sáng của thương hiệu Việt. "Tầm quan trọng của thương hiệu, không chỉ là biểu trưng cho quốc gia, mà còn là giá trị vô hình trong doanh nghiệp", GS. Nguyễn Mại nói.

Theo đánh giá thế giới, các thương hiệu chiếm khoảng 35% giá trị của doanh nghiệp. Giá trị thương hiệu là tài sản vô hình của doanh nghiệp. Chúng ta khi đánh giá thương hiệu Việt Nam nhìn vào mảng tối rất quan trọng nhưng cũng phải nhìn vào những mảng sáng.

Tọa đàm có sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu về phát triển thương hiệu

Trong mấy năm gần đây tổ chức quốc tế của Anh xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thì thương hiệu Việt Nam tăng 12 tỷ so với 2018 và xếp thứ 42. Chúng ta ít khi quan tâm tới mô hình thành công của thương hiệu mà Việt Nam đã tạo ra.

Theo ông Vũ Xuân Trường đến từ Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, hiện nay chúng ta phải đối mặt với quá nhiều thách thức trong vấn đề thương hiệu Việt. Đó là vấn đề quy mô nhỏ, đơn lẻ; vấn đề chất lượng, an toàn; năng lực chế biến; khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp Việt.

Những khó khăn này đang hiển hiện trong thực tế. Cùng với đó, việc kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất và thương mại hiện nay còn rất hạn chế. Chúng ta còn yếu và thiếu năng lực phát triển thương hiệu. Nếu nhận thức thương hiệu là công cụ kinh doanh thì doanh nghiệp phải biết mài sắc nó.

Điểm yếu trong kết nối của doanh nghiệp Việt là câu chuyện thời gian và nguồn lực cho kết nối thương hiệu Việt. Doanh nghiệp cần có chiến lược để xây dựng thương hiệu.

Chia sẻ thành công xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, là một đơn vị sản xuất ngành hàng tiêu dùng, Tân Hiệp Phát coi người tiêu dùng là trung tâm và là vấn đề cuối cùng để tìm cách giải quyết.

Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát

Khác với doanh nghiệp khác, Tân Hiệp Phát đã có sự phát triển trong tư duy, trước đây nhà cung cấp chỉ là mua đứt bán đoạn nhưng nhà cung cấp hiện nay là đối tác. Điều đó thể hiện ngay trên tên hương hiệu “Tân Hiệp Phát”. Trong đó “Hiệp Phát” thể hiện mong muốn hợp tác, chia sẻ thành công. Để trở thành công ty top 10 châu Á trong ngành giải khát và thực phẩm thì Tân Hiệp Phát quan niệm rằng không thể đi 1 mình.

Liên quan câu chuyện xây dựng thương hiệu, nữ doanh nhân đặt vấn đề: Làm thương hiệu là học hay bắt chước? Học thì có giải pháp còn bắt chước là làm y như đơn vị khác.

Bà Uyên Phương cho biết: Các bạn học của tôi ở nước ngoài rất ngạc nhiên, họ không tin rằng 1 doanh nghiệp địa phương như Tân Hiệp Phát có thể vượt lên Coca-Cola – một thương hiệu hàng đầu thế giới.

"Với chúng tôi thương hiệu là đầu tư. Gọi nó là đầu tư vì nó phải mang lại lợi ích gì. Không định hình được giá trị cuối cùng của thương hiệu đó là gì thì chỉ là nhận biết thương hiệu chứ không phải là giá trị thương hiệu. Với Tân Hiệp Phát đã xây thì phải xây cho một giá trị nào vì đều phải dùng tiền để đầu tư", bà Uyên Phương nhấn mạnh.

Bà Trần Uyên Phương cho biết: Xây dựng thương hiệu là cả một quá trình, là đầu tư đài hạn chứ không phải ngắn hạn. Bản thân THP muốn xây dựng một thương hiệu Việt tồn tại 100 năm. Nay Tân Hiệp Phát mới được 25 năm nhưng chúng tôi tự tin xây dựng được thương hiệu 100 năm.

Chúng tôi đã xây dựng công nghệ chiết vô trùng cách đây 10 năm thì nay nó mới thành xu thế. Rõ ràng, thay đổi một cách nhìn nhận còn cần sự quyết liệt không bỏ cuộc. Một đề tài THP muốn các quản lý cấp cao nhìn thấu để thay đổi ngoài thay đổi công nghệ 4.0, đó là dịch chuyển trong kinh doanh dẫn tới dịch chuyển trong cấu trúc”, bà Trần Uyên Phương chia sẻ thêm.
PGS.TS Phan Đăng Tuất - Viện trưởng Viện Chính sách phát triển công nghiệp

Về vấn đề liên kết thương hiệu Việt, PGS.TS Phan Đăng Tuất - Viện trưởng Viện Chính sách phát triển công nghiệp cho biết quan trọng nhất là gắn kết về tài chính. Ví dụ anh là công ty sữa, nông dân nếu là cổ đông của anh thì đó là máu thịt rồi, họ phải tuân thủ tuyệt đối để mang về lợi ích cho chính họ, còn nếu không giá tăng họ có thể bán sữa cho người khác. Đó là câu chuyện xảy ra rất nhiều tại Việt Nam.

"Người Việt thiếu lòng tin về các mối quan hệ tài chính kiểu đó, họ sẵn sàng bỏ tiền đánh đề, nhưng để góp cổ phiếu cổ phần là rất khó. Do đó tôi cho rằng cần nâng cao công tác truyền thông, để người dân hiểu được tầm quan trọng của quản trị tài chính cá nhân", PGS.TS Phan Đăng Tuất nhấn mạnh.

Long Nguyễn

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang