PTT Vũ Đức Đam nói về sách giáo khoa mới

author 10:34 28/09/2014

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ có một chương trình, bộ sách giáo khoa mới thực sự đáp ứng được yêu cầu.

Sự cần thiết phải đổi mới

Nói về Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, đây là một Đề án rất khó, được nhân dân rất quan tâm.

Nghị quyết Trung ương đã xác định đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo; đổi mới từ hệ thống, chương trình, sách giáo khoa đến kiểm định, giáo viên, cơ sở vật chất. Tất cả những nội dung này phải có đề án.

Nhắc đến con số 2 lần đổi mới từ năm 1981 đến nay, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi "Tại sao bây giờ lại tiếp tục đổi mới?" và cho rằng, đây là điều trăn trở lớn nhất.

sách giáo khoa mới, ptt vũ đức đam, kinh phí, phương án làm sách, quốc hội

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 27/9 

“Chúng tôi cùng các anh em ở Bộ GD&ĐT cũng gặp rất nhiều các chuyên gia; chúng tôi cũng đã tổ chức họp chung rất nhiều, thậm chí, nghe riêng ý kiến từ các đồng chí lão thành đến những cán bộ giáo dục còn rất trẻ.

Sau khi nghe ý kiến của mọi người thì thấy rằng, cuối cùng cũng phải làm vì trên thế giới, những nước có nền giáo dục phát triển nhất hiện tại cũng đặt ra vấn đề thay đổi chương trình, sách giáo khoa” - Phó Thủ tướng bày tỏ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết thêm: Chúng tôi cũng đề nghị Bộ GD&ĐT phải có riêng một đề án về hệ thống giáo dục. Hôm nay, chúng ta mới chỉ đề cập đến hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm hay 11 năm. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, liên quan đến giáo dục sau phổ thông sẽ liên thông dọc thế nào, liên thông ngang, liên thông chéo ra làm sao, để vừa đảm bảo theo chuẩn quốc tế để hội nhập, đồng thời cũng hướng tới xã hội học tập suốt đời.

Điều này, theo Phó Thủ tướng cũng liên quan gián tiếp đến chương trình và sách giáo khoa ở bậc phổ thông. Bởi, tích hợp ở bên dưới là tích hợp đến đâu, đến lớp mấy, rồi việc phân luồng bên trên là đến lớp nào, mức độ phân luồng ra sao...? Việc này dẫn tới việc, nếu lớp 12 còn giữ thì cần học bao nhiêu môn bắt buộc, bao nhiêu môn tự chọn?...

“Những vấn đề này cũng đã được các chuyên gia giáo dục bàn rất kỹ và cuộc bàn vẫn tiếp tục” – Phó Thủ tướng khẳng định.

Chương trình sẽ chi tiết đến từng gạch đầu dòng

Theo Phó Thủ tướng, trước đây chúng ta hay nói “chương trình, sách giáo khoa” tức là chúng ta vẫn có chương trình và sách giáo khoa. Tuy nhiên, chương trình trước đây rất cô đọng, như một bài chỉ có phần I, II, III, IV…

Còn chương trình bây giờ sẽ cụ thể hơn rất nhiều, có cả một nhỏ, rồi đến a, b, c, rồi đến các gạch đầu dòng. Đó sẽ là cơ sở pháp lý để sau này chúng ta đánh giá, kiểm định. 

Đó là điểm thay đổi rất mới. Tức là có phần tách bạch giữa chương trình và sách giáo khoa trên tinh thần chương trình là pháp định và rất cụ thể, chi tiết.

“Trước đây, đội viết chương trình và sách giáo khoa cơ bản là một. Bây giờ sẽ có sự tách bạch rõ ràng. Ngay cả trong phần về kinh phí, nếu chỉ viết chương trình thì hết bao nhiêu, nếu chỉ viết sách giáo khoa thì hết bao nhiêu. Như vậy, chương trình và sách giáo khoa đổi mới sẽ khác trước” – Phó Thủ tướng làm rõ.

Nhiều bộ sách không có nghĩa cặp học sinh nặng hơn

Nhiều bộ sách giáo khoa không phải trong cặp học sinh sẽ nhiều sách hơn mà sẽ được lựa chọn, tinh thần chung vẫn phải là giảm tải - Phó Thủ tướng khẳng định.

Tuy nhiên, kiến thức của thế giới thì ngày càng nhiều, vì vậy muốn giảm tải phải thay đổi cách làm. “Tôi cho rằng, sau này đề án phải rất chú trọng vấn đề này” – Phó Thủ tướng lưu ý.

Bộ GD&ĐT được giao làm 1 bộ sách giáo khoa

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, thực ra ban đầu Chính phủ trình ra 2 phương án. Phương án 1 là Bộ GD&ĐT soạn 1 bộ sách và khuyến khích các tổ chức cá nhân cũng soạn sách. Phương án 2 là Bộ GD&ĐT chỉ soạn chương trình, không soạn sách.

Phương án thứ 3, một số ý kiến cho rằng cứ để cởi mở như vậy nhưng chọn 1 bộ sách chuẩn.

Nhưng khi làm việc với Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Ủy ban đã đề nghị Chính phủ nên bàn kỹ. Quan điểm của Ủy ban là nếu để các tổ chức, cá nhân làm mà Bộ GD&ĐT không làm thì sẽ mất đi tính chủ động, trong khi đó, ấn định thời điểm đổi mới chương trình, sách giáo khoa. 

Theo đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ nên chọn phương án Bộ GD&ĐT cũng được giao làm 1 bộ sách và không nên trình 2 phương án.

Rạch ròi kinh phí

Về kinh phí, Phó Thủ tướng cho biết: Anh em trước đây bàn, thường lo rất nhiều và đưa tất cả các kinh phí kiên cố hóa trường lớp học, cơ bản là kinh phí của 4 - 5 đề án trong số 18 đề án của Chính phủ.

Nhưng sau chúng tôi bàn kỹ với Bộ GD&ĐT, là ngay từ ban đầu chúng ta phải xác định rõ, rạch ròi. Việc kiên cố hóa trường lớp học và tiếp tục đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên của các trường sư phạm thì dù có không đổi mới chương trình sách giáo khoa, chúng ta vẫn phải làm.

Phó Thủ tướng cũng cho biết đã bàn rất kỹ, không vì việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa này mà chúng ta phải làm một cái gì đó mà nếu không làm chúng ta không dạy được.

Vấn đề nâng cao đội ngũ giáo viên cũng như vậy, và kinh phí trong này chỉ liên quan đến tập huấn chương trình sách giáo khoa mới, còn đào tạo, nâng cao chất lượng giáo viên thì nằm trong đề án trong số 18 đề án của Chính phủ.

Riêng về vấn đề đấu giá bản quyền sách giáo khoa, Phó Thủ tướng bày tỏ quan điểm, việc này không nhất thiết phải làm. Về việc này, có thể có phương án là cho không bản quyền, hoặc có thể giao cho nhà xuất bản nào đó có trách nhiệm.

Bộ GD&ĐT có trách nhiệm với chương trình địa phương

Vấn đề chương trình có quy định mềm dẻo giao cho địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, giao cho các địa phương không có nghĩa là toàn quyền Sở GD&ĐT hay UBND tỉnh phê duyệt mà phần thẩm định ấy Bộ GD&ĐT vẫn phải có trách nhiệm. Vấn đề này sẽ được làm rõ trong Đề án.

Về việc tiếp thu kinh nghiệm thế giới, theo Phó Thủ tướng, không có nghĩa lấy tất cả những gì tốt nhất, hay nhất vào thành một hệ thống tổng hợp như là một số vấn đề trước đây đã làm, mà phải có một định hướng hết sức rõ ràng.

“Trong Nghị quyết 29 đã nói một phần, nhưng quan trọng nữa là Nghị quyết của Trung ương ngày 19/6 nói rất rõ về vấn đề xây dựng con người Việt Nam như thế nào với đầy đủ các tính chất tương đối cụ thể: Phát triển toàn diện, hướng tới chân - thiện - mỹ, dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học và rất nhiều các tiêu chí cụ thể. Làm chương trình sách giáo khoa mới sẽ quán triệt nội dung này” - Phó Thủ tướng cho biết thêm.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Chính phủ đưa Đề án này ra Quốc hội, căn cứ vào đó Chính phủ sẽ phê duyệt và làm đề án.

Đồng thời, khẳng định, trong quá trình làm Đề án còn rất nhiều việc phải làm tiếp tục, Chính phủ cũng cố gắng với tinh thần khắc phục được căn bản những bất cập để có một chương trình mới thực sự đáp ứng yêu cầu.

Theo GDTĐ


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang