Quạt hơi nước - nguy cơ nhiễm ổ vi khuẩn, nấm mốc nếu dùng sai cách
Tác hại khi sử dụng mũ bảo hiểm thời trang không đạt tiêu chuẩn
9 tác hại khó ngờ của bánh mì ai cũng nên biết
Da mặt bị tổn thương, nhiễm khuẩn nếu dùng khăn bông khô lau mặt sai cách
Quạt hơi nước hiện nay là một trong những sản phẩm làm mát được nhiều gia đình lựa chọn. Quạt hơi nước ngoài nhỏ gọn, tiện lợi còn làm mát và tạo ẩm giúp không khí trong nhà đỡ khô. Tuy nhiên, đi đôi với những ưu điểm vượt trội so với các loại quạt thông thường thì quạt hơi nước cũng có nhiều nhược điểm ít người tiêu dùng biết tới. Thậm chí nguy hiểm hơn nếu sử dụng và bảo dưỡng sai cách đây chính là ổ vi khuẩn gây bệnh cho cả gia đình.
Dùng quạt hơi nước sai cách có thể là ổ vi khuẩn gây bệnh cho cả gia đình. Ảnh minh họa
Nguy cơ viêm họng, mẩn ngứa, dị ứng do quạt hơi nước
Nắng nóng kéo dài khiến nhà chị Dung (Hai Bà Trưng, Hà Nội) mệt mỏi. Trước đây, nhà chị đã lắp một điều hoà nhưng với cường độ nóng năm nay, chiếc điều hoà này không đủ công suất làm mát cho căn hộ của chị.
Do điều kiện kinh tế và giá điện tăng, việc lắp thêm điều hoà là giải pháp không khả thi với gia đình chị. Tháng trước, chị Dung quyết định mua thêm một quạt hơi nước về dùng.
Những ngày đầu, quạt hơi nước giúp gia đình chị giải quyết được vấn đề nóng. Tuy nhiên, hơn nửa tháng nay, các con chị đều bị viêm họng. Riêng chị liên tục bị mẩn ngứa, dị ứng. Triệu chứng bệnh kéo dài không thuyên giảm dù đã uống thuốc.
Sau nhiều phán đoán, khoanh vùng, chị phát hiện ra nguồn bệnh từ việc sử dụng chiếc quạt hơi nước, sau khi tái khám bác sĩ. Chị gặp khá nhiều người mắc bệnh đến khám cho biết họ bị viêm hô hấp do lạm dụng quạt hơi nước, điều mà trước đây ít gặp phải khi chưa dùng.
Nguy cơ nhiễm khuẩn từ quạt hơi nước
Trước hết nhiều người lầm tưởng rằng hơi ẩm càng cao thì trong người càng đỡ mất nước. Điều này chỉ đúng khi không khí nóng và khô, điển hình là những hôm có gió Lào. Trong khi đó, đa phần những ngày hè ở Việt Nam tuy trời nóng nhưng độ ẩm trong không khí rất cao vì thế chỉ nên dùng quạt điện thông thường để tản gió, tránh dùng quạt hơi nước sẽ càng làm tăng độ ẩm trong không khí, nấm mốc dễ phát sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng.
Vì thế, khi cảm thấy không khí oi bức, đổ mồ hôi nhiều nhưng lại mồ hôi lâu khô, khó bốc hơi thì độ ẩm trong không khí đang cao thì không nên dùng quạt hơi nước. Nếu vẫn cố tình dùng sẽ có nguy cơ ảnh hưởng không nhỏ cho sức khỏe trẻ con, người già, những người có bệnh về đường hô hấp như hen, bệnh phổi rất dễ mắc bệnh.
Ngoài ra, không khí ẩm còn khiến đồ đạc, chăn gối, đệm… trong nhà cũng dễ nhiễm nấm, nhiễm khuẩn và gây bệnh ngoài da cho những người tiếp xúc thường xuyên.
Bản thân chiếc quạt cũng có thể là một ổ vi trùng và nấm mốc. Màng thẩm thấu của quạt luôn ẩm ướt, là nơi tập trung vi sinh vật gây bệnh. Khi bật quạt, chúng được phát tán vào không khí, những người đề kháng yếu hít phải sẽ dễ dàng mắc bệnh.
Quạt hơi nước có thể khiến thiết bị điện tử nhanh hư hỏng
Việc dùng quạt hơi nước không đúng cũng khiến đồ đạc trong nhà giảm tuổi thọ, nhất là đồ điện tử. Bởi dưới tác động của quạt, độ ẩm tăng cao sẽ khiến các thiết bị điện tử bị ẩm, các chi tiết kim loại bị ôxy hóa và ăn mòn, các mối hàn han rỉ, các tụ hóa, điện trở và linh kiện trong mạch điện bị hỏng hóc, lão hóa, tình trạng chập mạch cũng dễ xảy ra.
Vì thế nếu trường hợp vẫn dùng thì không nên để chiếc quạt thổi về hướng những thiết bị điện tử hoặc bọc thiết bị điện tử lại bằng túi nylon cũng là cách bảo vệ tốt nhất.
Để đảm bảo sức khỏe, các chuyên gia còn khuyên, cần vệ sinh thường xuyên bằng cách lau rửa màng thẩm thấu, lưới lọc bụi, bình đựng nước. Nhớ thay nước trong bình, không nên để lưu cữu quá lâu.
Nếu nhà có con nhỏ thì nên chú ý không dùng quạt hơi nước vào những hôm trời nóng và độ ẩm cao. Độ ẩm tăng cao sẽ khiến các bé mệt mỏi, bức bối, sức đề kháng giảm. Không nên bật quạt trong phòng kín mà cần để ở không gian thoáng, rộng, tạo điều kiện cho không khí lưu thông.
An Dương (T/h)