Rượu thuốc tự ngâm 'thần dược' hay 'độc dược'

author 17:03 14/03/2018

(VietQ.vn) - Hiện nay, rượu thuốc tự ngâm khá phổ biến, nhiều người cho rằng đó là thần dược chữa được rất nhiều bệnh, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, không phải rượu thuốc nào cũng bổ, cũng quý.

Rượu thuốc thật sự bổ hay thuốc độc

Rượu thuốc thường được ngâm từ rượu trắng nồng độ cao với các loại thảo dược hoặc động vật, côn trùng, được cho là bồi bổ gân cốt, bổ thận, tráng dương... Theo thói quen của nhiều người, rượu thuốc có thể là rượu ngâm với bất cứ thứ gì được “truyền miệng” là tốt, là bổ. Đó có thể là rượu ngâm với các loại cây nhà lá vườn như đinh lăng, sâm đất, ngũ gia bì, chuối hột đến một số loại động vật như bìm bịp, rắn, rết, tắc kè, tay gấu, mật cá trắm hoặc một vài loại côn trùng như bổ củi, sâu chít, ong vò vẽ..., miễn là “nghe nói bổ” thì cho vào ngâm rượu rồi uống.

Không phải là người mê nhậu nhẹt, nhưng rất nhiều người có thói quen sưu tập nhiều loại rượu thuốc chỉ để ngắm chơi, có khách quý đến thì đem ra mời với lời giới thiệu rất hấp dẫn, đại loại rượu này nghe nói đại bổ khí huyết, bổ gân cốt, tốt đủ đường, đủ điều.

Chính vì uống rượu thuốc kiểu nghe nói như vậy nên đã xảy ra không ít ca ngộ độc, thậm chí tử vong chỉ vì uống rượu bổ, rượu quý.

Tháng 10/2016, Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận hai ca cấp cứu vì ngộ độc rượu thuốc tự ngâm từ củ ấu tẩu. Một người tới nhà bạn chơi, thấy có bình rượu thuốc nghe nói bổ lắm nên mỗi người đã thử một chút. Bổ đâu chưa thấy, nhưng ngay sau khi uống rượu, cả hai đều thấy hoa mắt, rã rời, vã mồ hôi, tim đập nhanh… phải vào viện cấp cứu, may mắn không ai thiệt mạng.

Trường hợp mới đây, ngày 13/3 Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn, Nghệ An vừa tiếp nhận 4 bệnh nhân do ngộ độc, trong đó 3 người đã tử vong, 1 người đang cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Được biết, trong bữa ăn 4 bệnh nhân này đã uống rượu ngâm với một loại rễ cây rừng. Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng ngộ độc rượu, người tím tái. Hiện chai rượu chứa rễ cây, được các cơ quan chức năng thu giữ điều tra, làm rõ.

Tác hại từ rượu thuốc vô cùng nhiều

Rượu thuốc tự ngâm “thần dược” hay “độc dược”
Rất nhiều tác hại khi uống rượu thuốc tự ngâm. Ảnh minh họa 

Theo các chuyên gia, bác sĩ, việc sử dụng các loại thảo dược, động vật ngâm rượu mà không rõ công dụng thì nguy cơ gây ngộ độc cho cơ thể rất cao.

Ngoài việc uống quá nhiều loại rượu này có thể gây ngừng chức năng của hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, việc tự mua, tự ngâm thảo dược cũng không thể tránh khỏi lẫn trong đó vài loại cây củ có độc như mã tiền, cây lá ngón như báo chí đã từng thông tin. Trong một đợt khảo sát của Viện Dược liệu, các loại thuốc dùng để ngâm rượu - nhất là các loại dược liệu đắt tiền - thường được trộn lẫn, thậm chí làm giả. Chỉ riêng với nhân sâm đã có tới 60% mẫu kiểm tra không đạt hàm lượng ginsenoid, 40% mẫu hà thủ ô, 80% mẫu dương quy, 30% mẫu nghệ… không đạt chỉ tiêu quy định.

Nguy hiểm hơn nữa là các loại rượu thuốc bán trôi nổi ngoài chợ, trên mạng còn nguy hiểm hơn, khi một số người bán hàng đã vì lợi nhuận mà trộn đủ loại thân, lá, rễ cây giả vào dược liệu ngâm rượu. Hoặc để rượu luôn có màu cánh gián, nâu sẫm đẹp mắt, mùi hương hấp dẫn, không ít người đã dùng rượu đế hoặc cồn trộn lẫn hương liệu, chất tạo màu để bán cho khách hàng.

Những ai không nên dùng rượu thuốc này?

Theo Đông y, không thể phủ nhận những tác dụng tốt mà loại rượu này mang lại, đó là lưu thông khí huyết, kích thích tiêu hóa, giúp người uống rượu với liều lượng nhất định cảm thấy khỏe khoắn, ăn ngon ngủ khỏe.

Tuy nhiên, không phải ai cũng sử dụng được rượu thuốc và uống bao nhiêu cũng được. Những người bị bệnh gan cần tránh xa loại rượu này, do gan khi bị tổn thương sẽ không đào thải được rượu, dẫn tới rượu tích tụ trong cơ thể, gây xơ gan hoặc bệnh gan nặng hơn. Tương tự, người mắc bệnh cao huyết áp nếu uống rượu thuốc cũng làm huyết áp tăng cao đột ngột, dễ làm vỡ mạch máu, xuất huyết não gây tử vong.

Cảnh báo người dân, không nên ngâm rượu theo truyền miệng, hoặc nghe nói, nghe đồn, bởi mỗi loại thuốc khi ngâm rượu sẽ có một công dụng khác nhau. Trước khi quyết định ngâm loại rượu nào, nên hỏi bác sĩ, lương y, không tiện đâu mua đó. Khi uống cũng cần tuân thủ đúng liều lượng, đúng bệnh, đúng người, không ngâm uống bừa bãi dẫn tới tình trạng lợi bất cập hại.

Những lưu ý cho những người thích uống rượu thuốc

Rượu thuốc tự chế chỉ nên sử dụng để bảo vệ sức khỏe hàng ngày, không phù hợp để coi nó là một vị thuốc chữa bệnh.

Khi ngâm rượu cần phải hỏi ý kiến thầy thuốc đông y hoặc căn cứ vào thể trạng sức khỏe của bản thân để lựa chọn nguyên liệu ngâm phù hợp.

Rượu ngâm là để cho bản thân mình uống nên phải đặc biệt kỹ lưỡng trong việc lựa chọn. Tránh những chất có thể gây ra độc tố trong quá trình ngâm, liều lượng và sự kết hợp nguyên liệu không được khắc kị.

Ngoài ra cũng cần nghiên cứu cách sử dụng, công dụng và liều lượng khi uống.

Đối với những loại rượu ngâm để bôi hoặc xoa bóp bên ngoài, có thể dùng những loại thực vật có chứa độc tố để tăng hiệu quả trị bệnh.

Tránh tuyệt đối việc tiện đâu mua thuốc ở đó, ví dụ như tại các điểm tham quan du lịch, mua theo bạn bè rồi về tự ngâm uống.

Khi ngâm rượu thuốc, cần phải kiểm soát chất lượng của rượu gạo, nếu mua phải rượu giả hoặc rượu kém chất lượng thì lại càng nguy hiểm.

Tốt nhất phải dùng rượu có nguồn gốc rõ ràng và lựa chọn loại rượu gạo có nồng độ nhẹ, thông thường không được quá 40 độ, đừng nghĩ rượu mạnh mới tốt.

Cho dù là rượu ngâm để tăng cường sức khỏe hay rượu để chữa bệnh, bạn đều nên nhớ rằng rượu ngâm cũng chính là rượu – một thứ không nên uống quá nhiều.

Khi uống quá lượng sẽ gây hại vô cùng lớn đối với sức khỏe.

Hoàng Yến (t/h)

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang