Sơn La thu giữ 1000 đôi dép không rõ nguồn gốc xuất xứ
Nguy cơ từ giày, dép nhập lậu và kém chất lượng
Vietcombank tặng tài khoản số đẹp, miễn phí nhiều giao dịch cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Mẫu xe thể thao đẹp long lanh, mức giá cực hời cho những người đam mê xe thể thao
Theo tin tức từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Sơn La, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát tình hình hàng hóa lưu thông trên địa bàn, Đội QLTT số 2 phối hợp với Đội CSGT đường bộ số 2, Phòng CSGT và Phòng PC03 Công an tỉnh Sơn La ngăn chặn kịp thời vụ vận chuyển hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Dép không rõ nguồn gốc bị thu giữ. Ảnh: Cục QLTT Sơn La
Cụ thể, tại tiểu khu 26/3, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, Đội QLTT số 2 chủ trì, phối hợp với Đội CSGT đường bộ số 2 và Phòng PC 03 Công an tỉnh Sơn La thực hiện khám xe ô tô mang BKS 29H - 291.80 do ông Hoàng Văn Hiếu điều khiển (kiêm chủ hàng hoá), địa chỉ tại Nghĩa Lập, Châu Can, Phú Xuyên, Hà Nội.
Tại thời điểm khám, phát hiện trên phương tiện đang vận chuyển 1.010 đôi dép nam các loại, chủ hàng hoá không xuất trình được chứng từ, tài liệu liên quan đến hàng hoá. Ngày 07/6/2022, tại buổi làm việc ông Hoàng Văn Hiếu không xuất trình được chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá, hoá đơn, hợp đồng mua bán, hoặc giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hoá.
Qua xem xét thực tế hàng hoá bị tạm giữ không có căn cứ xác định được nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hoá. Đội QLTT số 2 đã lập biên bản vi phạm hành chính đồng thời ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với hành vi vi phạm Kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ với tổng số tiền thu, phạt trên 50 triệu đồng.
Liên quan tới hành vi buôn bán, vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì “hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” được xác định là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.
Mức xử phạt đối với hành hóa không có nhãn mác được quy định tại khoản 4 Điều 31 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Mức phạt tiền đối với hành vi kinh doanh hàng hóa theo quy định phải có nhãn hàng hóa mà không có nhãn hàng hóa; không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc nhưng bị thay đổi được quy định như sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị đến 5.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;
h) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.”
Như vậy, cá nhân thực hiện hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300 ngàn đồng đến 50 triệu đồng tùy thuộc vào giá trị hàng hóa vi phạm.
An Dương