Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách

author 06:54 12/11/2020

(VietQ.vn) - Trong Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách, cùng với đó là thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, giảm phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.

Nhu cầu năng lượng cuối cùng của Việt Nam trong giai đoạn 10 năm gần đây tăng trưởng 6,5%, riêng điện tăng trưởng 10,5%. Từ năm 2015, Việt Nam đã chuyển từ quốc gia xuất khẩu năng lượng sang nhập khẩu năng lượng.

Thời gian tới, nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Làm thế nào để đảm bảo nhu cầu năng lượng của nền kinh tế quốc dân, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhưng vẫn phải đảm bảo an ninh năng lượng, xây dựng một nền kinh tế tự chủ?

Và làm thế nào để chi phí năng lượng không trở thành gánh nặng cho nền kinh tế, phát triển năng lượng thúc đẩy được sự phát triển của toàn ngành kinh tế và phục vụ đời sống nhân dân?

Hội thảo lần hai Quy hoạch Tổng thể về Năng lượng Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 

Đó là những câu hỏi lớn được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đưa ra tại Hội thảo lần hai Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra tại Hà Nội chiều 11/11/2020.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng- Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, do khả năng cung cấp năng lượng hóa thạch như than ở trong nước bị giới hạn, nên trong giai đoạn tới, các nguồn năng lượng thay thế chính là mặt trời và gió. Để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, Việt Nam cần tăng cường tiết kiệm năng lượng và thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.

Cũng theo Viện Năng lượng, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cần tăng cường khả năng và độ tin cậy của hệ thống điện và các hệ thống năng lượng khác; đẩy mạnh khả năng cung cấp nhiên liệu hóa thạch trong nước; xây dựng cơ sở hạ tầng nhập khẩu năng lượng; giảm nhu cầu nhiên liệu hóa thạch thông qua việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả.

Được biết, Quy hoạch tổng thể về Năng lượng Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về "Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Theo Quy hoạch, phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xu thế hội nhập quốc tế; nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng hoá thạch trong nước.

Đặc biệt, Quy hoạch nêu rõ: sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội, góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Theo Bộ Công Thương, việc xây dựng Quy hoạch Năng lượng sẽ góp phần đánh giá toàn diện về cung – cầu năng lượng quốc gia và kết nối việc phát triển năng lượng với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội - môi trường mà Việt Nam đã đặt ra và cam kết với cộng đồng quốc tế.

Bộ Công Thương đặt mục tiêu Quy hoạch Năng lượng lần này giải quyết việc phát triển hài hòa các phân ngành năng lượng, đưa ra một quy hoạch “mở” hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý nhà nước trong ngành năng lượng.

Trong những năm tới, xu thế phát triển năng lượng thế giới sẽ tập trung vào việc thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch năng lượng, thực thi mạnh mẽ các chính sách chống biến đổi khí hậu và tăng cường an ninh năng lượng. Phát triển năng lượng của Việt Nam trong thời kỳ nhập khẩu ròng năng lượng sẽ ngày càng chịu nhiều tác động của các xu thế năng lượng toàn cầu.

Theo Bộ Công Thương, các quy hoạch phát triển của từng phân ngành năng lượng như điện, than, dầu khí, năng lượng tái tạo… trước đây đã được các cơ quan khác nhau lập riêng rẽ, nên các quy hoạch này thiếu gắn kết, không tạo ra được bức tranh chung cân đối và hài hòa về các mục tiêu mà chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đã đề ra.

Hơn nữa, những quy hoạch riêng rẽ tập trung nhiều vào phía cung cấp và ít chú ý vào phía tiêu thụ năng lượng, do đó, khó đưa ra một tầm nhìn tổng thể về vấn đề sử dụng hiệu quả năng lượng- một yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc đánh giá nhu cầu năng lượng quốc gia và triển khai các kế hoạch thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng hiệu quả.

Chính vì vậy, Quy hoạch tổng thể năng lượng lần này cần đưa ra phương án phát triển kết cấu hạ tầng năng lượng tối ưu cho quốc gia.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng, do đó, việc lập Quy hoạch cũng sẽ gặp nhiều thách thức trong việc đồng bộ và đảm bảo tính tương thích với các quy hoạch quốc gia trên và ngang cấp. Bên cạnh đó, việc đưa ra các cơ chế thực hiện quy hoạch trong giai đoạn mới cũng cần sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều bên liên quan.

Tại hội thảo, các đại biểu đến từ các Bộ, ban ngành, các viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực quy hoạch điện và năng lượng đã tham gia đóng góp ý kiến cho Quy hoạch tổng thể về Năng lượng Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được Bộ Công Thương tổng hợp, hoàn thiện bản thảo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt- Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang