Sử dụng Vitamin B3 bổ sung trong thực phẩm chế biến có thể gây hại tới sức khỏe tim mạch

author 14:55 29/02/2024

(VietQ.vn) - Một nghiên cứu mới được công bố tại Mỹ cho thấy vitamin B3 (Niacin) được bổ sung vào nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.

Mới đây, các nhà khoa học của Phòng khám Cleveland Clinic (Mỹ) đã tiến hành một nghiên cứu điều tra về các yếu tố dẫn tới tác hại đối với sức khỏe tim mạch còn chưa được biết đến.

Tiến sỹ Stanley Hazen, bác sỹ tim mạch dự phòng tại Cleveland Clinic, người đứng đầu nghiên cứu và các đồng sự đã theo dõi bệnh nhân theo thời gian và thu thập các mẫu máu để tìm ra các dấu hiệu hóa học có thể dự đoán sự phát triển của bệnh tim. Kết quả, họ phát hiện những người sử dụng quá mức Niacin có thể dẫn đến dư thừa một loại chất chuyển hóa, được gọi là 4PY, gây ra tình trạng viêm, có thể làm hỏng mạch máu.

Niacin, hay vitamin B3, rất cần thiết cho hệ thần kinh khỏe mạnh. Hàm lượng Niacin được khuyến nghị mỗi ngày là 16mg đối với nam giới và 14mg đối với nữ giới, số lượng này đủ để đáp ứng nhu cầu về Niacin của khoảng 98% số người trưởng thành. Khoảng 25% dân số đang ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn có bổ sung vitamin B3, và kết quả là họ tạo ra những chất chuyển hóa mà thông thường sẽ không thấy trong chế độ ăn uống lành mạnh tự nhiên, Tiến sỹ Stanley Hazen cho biết. Ông cũng lưu ý rằng việc sử dụng rộng rãi các sản phẩm bổ sung có chứa các dạng Niacin khác nhau đã trở nên phổ biến vì được cho là có mục đích chống lão hóa.

Một nghiên cứu trong tạp chí Cao đẳng Mỹ về Tim mạch thậm chí còn phát hiện ra rằng việc sử dụng Niacin có thể làm tăng nhẹ nguy cơ tử vong sớm. Thêm vào đó, những phát hiện của nghiên cứu mới cho thấy rằng Niacin dư thừa có thể chống lại một số lợi ích của lượng Niacin nhỏ hơn, chẳng hạn như hỗ trợ hệ thần kinh.

Vitamin B3 (Niacin) được bổ sung vào nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Ảnh minh họa

Các nhà nghiên cứu không có dữ liệu về lượng Niacin mà những người tham gia nhận được trong chế độ ăn uống của họ. Tuy nhiên, tiến sĩ Hazen chỉ ra rằng việc tiêu thụ quá nhiều Niacin - hoặc các hợp chất liên quan như nicotinamide adenine dinucleotide, axit nicotinic và nicotinamide riboside - trước đây đều đã được chứng minh là làm tăng mức độ 4PY, cũng như một sản phẩm phân hủy khác, là 2PY. 

Trong nghiên cứu này, 2PY còn được gọi là N1- methyl-2-pyridone-5-carboxamide, không liên quan đến tình trạng viêm hoặc nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn.

Tiến sĩ Cheng-Han Chen, hiện nay là bác sĩ Tim mạch can thiệp và Giám đốc y khoa của Chương trình Cấu trúc Tim tại Trung tâm Y tế MemorialCare Saddleback ở Laguna Hills, California (Mỹ) cho biết: “Mặc dù Niacin trước đây được kê đơn làm thuốc giảm cholesterol nhưng việc sử dụng nó đã không còn được ưa chuộng vì nhiều nghiên cứu không tìm thấy nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch như trước đó nhiều người vẫn nghĩ”.

Để tránh bị thiếu hụt, người lớn cần 14 đến 18 miligam Niacin mỗi ngày. Điều này có thể được tìm thấy trong 6 ounce cá ngừ hoặc 4 ounce đậu phộng, còn các loại thực phẩm khác, bao gồm cả những thực phẩm được tăng cường Niacin.

Theo Khảo sát kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia 2017-2020 (NHANES), người Mỹ có xu hướng nhận đủ Niacin để ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt, tiêu thụ trung bình 37 miligam Niacin mỗi ngày. Ngoài ra, cuộc khảo sát đó cho thấy ít hơn 4% người trưởng thành báo cáo tiêu thụ ít hơn 15 miligam mỗi ngày.

Bác sĩ Chen cảnh báo những người thường xuyên dùng chất bổ sung Niacin, đặc biệt nếu họ đã có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn. Nếu họ đang cân nhắc dùng Niacin hoặc các sản phẩm liên quan, trước tiên họ nên nói chuyện với bác sĩ.

Khánh Mai (t/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang