Sà lan liên tiếp 'húc' cây cầu trăm tuổi trên sông Sài Gòn

author 17:10 04/06/2015

(VietQ.vn) - Lúc xảy ra tai nạn, mực nước trên sông Sài Gòn đang cao nhưng tài công vẫn cố cho sà lan vượt qua dẫn đến tình trạng đội gầm cầu và kẹt cứng gần 2 tiếng.

Theo tin tức trên báo Dân trí, vào khoảng 13h chiều 3/6, một chiếc sà lan mang số  hiệu: ST-3619-H chạy trên sông Sài Gòn, hướng từ TPHCM đi Bình Dương gặp tai nạn mắc kẹt dưới gầm cầu Bình Lợi cũ (giáp ranh quận Thủ Đức và quận Bình Thạnh, TPHCM) do gặp thủy triều dâng cao.

Được biết, vào thời điểm kể trên, mặc dù mực nước trên sông Sài Gòn đang cao, độ tĩnh không thấp nhưng tài công vẫn cố cho sà lan lưu thông qua. Do đó, sà lan đội gầm cầu, kẹt cứng. Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn trên sông cùng các lực lượng của quận Bình Thạnh đã có mặt, phong tỏa toàn bộ khu vực để khắc phục sự cố.

Tai nạn sà lan liên tiếp mắc kẹt dưới cầu Bình Lợi cũ

Tai nạn sà lan liên tiếp mắc kẹt dưới cầu Bình Lợi cũ. Ảnh Dân trí

Để giải cứu sà lan gặp nạn, bốn máy bơm công suất lớn được huy động để bơm nước vào khoang sà lan nhằm tăng trọng tải, làm phương tiện này chìm xuống. Sau 2 giờ mắc kẹt, chiếc sà lan đã được giải cứu thành công. Sau đó các nhân viên đường sắt tiến hành kiểm tra kết cấu, đảm bảo an toàn cho tàu hỏa lưu thông trở lại.

Trước đó, vào khoảng 7h sáng 29/5, một đầu máy kéo chiếc sà lan rỗng lưu thông trên sông Sài Gòn hướng từ TP. Hồ Chí Minh về Bình Dương. Lúc đến cầu Bình Lợi cũ, chiếc sà lan bất ngờ bị kẹt lại do mực nước quá cao. Các móc neo của đầu sà lan vướng vào nhiều thanh sắt dưới gầm cầu rồi sau đó đội ngược lên. Lực lượng CSGT đường thủy nội địa, phòng CSGT đường bộ cùng các đơn vị chức năng liên quan sau đó có mặt triển khai công tác giải cứu. Một chiếc sà lan khác được huy động tới hiện trường, bơm nước vào sà lan bị kẹt nhằm tạo sức nặng để kéo ra ngoài, theo báo Hà Nội Mới.

Cầu sắt Bình Lợi (quận Thủ Đức giáp ranh quận Bình Thạnh) là cầu sắt có tuyến đường sắt Bắc Nam đi qua và duy nhất vượt sông Sài Gòn. Sau 113 năm khai thác, cầu đã bị xuống cấp nghiêm trọng, chiều cao thông thuyền hiện tại của cầu chỉ 1,8 m nên khi có thủy triều lên, nhiều tàu, thuyền đã mắc kẹt dưới gầm cầu.

Phương Khanh (T/h)


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang