Tiết kiệm, khai thác và phát huy tài sản trí tuệ về nhân sự

author 18:35 21/12/2015

(VietQ.vn) - Bạn đọc hỏi: “Phải làm thế nào để có thể tiết kiệm, khai thác và phát huy nguồn tài sản trí tuệ về nhân sự (yếu tố con người) một cách hiệu quả trong các tổ chức doanh nghiệp?"

Sự kiện: Phát triển Tài sản trí tuệ

Trả lời:

Với bất kỳ doanh nghiệp nào, nguồn lực nhân sự là lực lượng nòng cốt cơ bản không thể thiếu được trong mọi hoạt động. Nguồn lực nhân sự bao gồm trí tuệ nhân sự được xem là tài sản vô hình quý báu của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp nào không biết trân trọng, bảo vệ và tiết kiệm nguồn lực nhân sự (còn được gọi là nguồn vốn nhân sự) và tài sản trí tuệ nhân sự trong doanh nghiệp mình, doanh nghiệp đó sẽ khó có thể phát triển bền vững được trong tương lai.

Doanh nghiệp chỉ có thể phát triển bền vững nếu biết trân trọng, bảo vệ và tiết kiệm tài sản trí tuệ

Doanh nghiệp chỉ có thể phát triển bền vững nếu biết trân trọng, bảo vệ và tiết kiệm tài sản trí tuệ

Vậy, phải làm thế nào để có thể tiết kiệm, khai thác và phát huy nguồn tài sản trí tuệ về nhân sự một cách hiệu quả trong các tổ chức doanh nghiệp? Trước hết, cần hiểu tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, thường được gọi nôm na là “chất xám”, luôn tiềm ẩn bên trong nguồn nhân lực ở mọi tổ chức doanh nghiệp. Theo các tài liệu khoa học, thông thường một bộ não của con người chứa đến gần 100 tỉ nơ¬ron thần kinh, và trong suốt cuộc đời, con người cũng chỉ có thể sử dụng tối đa khoảng 5% năng lực “chất xám” của não bộ!

“Tài sản trí tuệ” hay “chất xám” là tài sản vô hình, không thể xác định được như các dạng vật chất giới hạn hữu hình nào đó, nhưng lại có giá trị lớn và có khả năng sinh ra lợi nhuận cao. Thông thường, sử dụng tài sản hữu hình đồng nghĩa với việc sẽ làm cho giá trị tài sản giảm đi. Tuy nhiên đối với các loại tài sản trí tuệ, phạm vi và đối tượng sử dụng càng rộng thì giá trị tài sản càng lớn!

Ví dụ các giá trị ứng dụng của Google hay Facebook được xem như tài sản trí tuệ vô hình của con người. Những tài sản vô hình này đã được công nhận có trị giá vài chục tỷ đô la trở lên do được hàng tỷ người trên thế giới sử dụng. Ngày nay, giá trị của tài sản trí tuệ được xem như là thước đo hiệu quả kinh doanh, sức cạnh tranh và khả năng phát triển của doanh nghiệp.

Phát huy và sở hữu các tài sản trí tuệ, sẽ giúp uy tín và vị thế của doanh nghiệp được củng cố và mở rộng; khả năng cạnh tranh, thị phần và doanh thu của doanh nghiệp sẽ được nâng cao. Lịch sử cho thấy những khoản đầu tư lớn để phát huy trí tuệ nguồn nhân lực, là công cụ chính tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp. Thành công vang dội trên thế giới của các dòng sản phẩm Apple gần đây hay của Sony “Walker” trong thập niên 1970 đã cho thấy rõ điều đó.

Tài sản trí tuệ có thể mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho doanh nghiệp

Tài sản trí tuệ có thể mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho doanh nghiệp

Có thể nói, trí tuệ con người là nguồn tài sản tri thức vô tận, có giá trị quyết định sự phát triển bền vững lâu dài của doanh nghiệp. Tài sản trí tuệ thể hiện qua bản quyền tác giả, kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm kinh doanh, cơ sở dữ liệu, niềm tin vào nhãn hiệu của khách hàng, tầm nhìn lãnh đạo, kỹ năng và năng lực trí tuệ của nhân viên… Tiết kiệm tài sản trí tuệ nhân sự tức là biết ứng dụng tư duy sáng của con người trong doanh nghiệp một cách cụ thể và sinh lợi, chẳng hạn như thành công của Apple và Facebook.

Nếu không được ứng dụng vào thực tiễn, tài sản trí tuệ của con người sẽ không tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Ngược lại doanh nghiệp sẽ không thể nào quản lý được tài sản trí tuệ trong nguồn lực nhân sự của mình nếu không biết nhận dạng và khai thác nó.

Trong thời đại canh tranh như hiện nay, giá trị tài sản trí tuệ của những công ty được niêm yết trên thị trường chứng khoán, được đo lường bằng sự khác biệt giữa thị giá cổ phiếu và giá trị trong sổ sách của doanh nghiệp. Trong khi đó sự khác biệt giữa vốn tri thức và vốn tài chính của doanh nghiệp thể hiện ở điểm: vốn tài chính phản ánh sự tiến bộ và thành tựu trong quá khứ, còn vốn tri thức phản ánh xu hướng hay định hướng tăng trưởng và thành quả tương lai của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nào hướng đến mục tiêu bền vững trong tương lai, cần quan tâm hơn đến các chính sách đãi ngộ và môi trường làm việc để có thể tạo dựng và không ngừng phát triển nguồn vốn tri thức của mình. Giá trị của nguồn vốn tri thức có thể tăng lên do đầu tư và ứng dụng, nhưng để nguồn vốn tri thức phát huy giá trị thật sự cho doanh nghiệp, thì cần phải có môi trường khuyến khích triển khai thuận lợi.

Mỗi doanh nghiệp cần có chiến lược xây dựng, phát triển và sử dụng tài sản trí tuệ một cách hợp lý

Mỗi doanh nghiệp cần có chiến lược xây dựng, phát triển và sử dụng tài sản trí tuệ một cách hợp lý

Nếu nguồn nhân lực được xem là tài sản quý giá nhất trong doanh nghiệp, thì việc nâng cấp và hoàn thiện chất lượng đội ngũ nhân sự là bài toán giá trị quan trọng và khó khăn nhất đối với tất cả các doanh nghiệp. Vì nhân sự là yếu tố luôn biến động khá nhanh, trong khi thời gian để nâng cấp chất lượng nhân sự đồng bộ trong doanh nghiệp thường kéo dài nhiều năm.

Doanh nghiệp có thể lựa chọn giải pháp kết hợp đào tạo song song với hoạt động tuyển dụng để nâng cấp dần chất lượng nguồn nhân sự. Chính sách đào tạo và phát triển nhân sự phải vừa thực tế vừa hướng tới các mục tiêu quan trọng trong tương lai của doanh nghiệp. Tốt nhất doanh nghiệp nên đào tạo và phát triển nhân viên theo phương châm làm đúng ngay từ đầu.

Tóm lại, mỗi doanh nghiệp cần phải có chiến lược xây dựng, phát triển và sử dụng nguồn tài sản vô hình, vô giá này cho doanh nghiệp của mình. Trong những thời điểm khủng hoảng và khó khăn nhất, cần đề cao việc khai thác và phát huy năng lực trí tuệ của nguồn lực nhân sự một cách tích cực, để có thể biến các giá trị tài sản trí tuệ vô hình thành những giá trị tài sản hữu hình cần thiết cho doanh nghiệp.

Phan Huyền

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang