Hà Nội tăng 2 bậc so với năm 2014, vẫn đứng thứ 24 về PCI

author 16:32 31/03/2016

'Đà Nẵng tiếp tục khẳng định vị trí số 1 về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015. Trong khi Hà Nội, dù tăng 2 bậc vẫn đứng ở vị trí thứ 24'

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch TP Đà Nẵng (ở giữa) nhận kỷ niệm chương dành cho địa phương xuất sắc nhất, đứng đầu PCI năm 2015.

Đây là chỉ số do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố thường niên trong 11 năm qua.

Theo đó, với 68,34 điểm, năm 2015 là năm thứ 3 liên tiếp Đà Nẵng trụ vững tại ngôi đầu bảng và lần ghi nhận lần thứ 6 thành phố này dẫn đầu cả nước kể từ khi chỉ số PCI được công bố.

Tại Đà Nẵng, Trung tâm hành chính tập trung của thành phố đi vào hoạt động từ tháng 9/2014 đã phát huy hiệu quả trong việc tiết kiệm nhiều thời gian, công sức, tiền bạc cho cả người dân, doanh nghiệp lẫn cán bộ, công chức.

Tiếp đó là các địa phương Đồng Tháp (66,39 điểm) và Quảng Ninh (65,75 điểm) là những tỉnh đứng đầu của bảng xếp hạng với nhiều sáng kiến cải cách trong cải cách hành chính như tinh gọn bộ máy, công khai, minh bạch trong đánh giá và lựa chọn cán bộ.

Hai địa phương tiếp theo nằm trong nhóm có chất lượng điều hành rất tốt của PCI 2015 lần lượt là Vĩnh Phúc và Lào Cai.

Nhóm 10 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2015, còn có sự góp mặt của TPHCM, Thái Nguyên, Quảng Nam, Long An và Thanh Hóa, khi nhận được đánh giá tích cực của các DN dân doanh.

Trong khi đó, nhóm “đội sổ” về chỉ số PCI năm nay, thấp nhất là Đắk Nông, Hà Giang, Lai Châu, Bắc Kạn, Cà Mau. Đáng lo ngại, những tỉnh này cũng đồng thời cũng là những địa phương có nhiều hạn chế về vị trí địa lý không thuận lợi và cơ sở hạ tầng kém phát triển.

Riêng Thủ đô Hà Nội, chỉ đứng ở vị trí 24, dù tăng 2 bậc so với PCI năm 2014. Dù có nhiều nỗ lực, nhưng Hà Nội xếp vị trí thấp nhất ở 2 chỉ số thành phần là tiếp cận đất đai và gia nhập thị trường.

Theo đánh giá, chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương tiếp tục duy trì hướng cải thiện. Những chỉ số như đăng ký doanh nghiệp, tiếp cận thông tin, cải cách thủ tục hành chính tại các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, vấn đề chi phí không chính thức còn phổ biến, môi trường cạnh tranh chưa bình đẳng vẫn là trở ngại chính khiến các doanh nghiệp lo lắng.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI cho biết, PCI năm 2015 cũng ghi nhận phản ánh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ về trường kinh doanh 2015. Kết quả điều tra cho thấy, các doanh nghiệp chưa có khả năng nắm bắt cơ hội thị trường tốt, phần lớn vẫn quanh quẩn trong thị trường nội địa và kết quả kinh doanh tương đối ảm đạm.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn tương đối khó khăn trong tiếp cận nguồn lực, vốn, đất đai, cập nhật thông tin chính sách và pháp luật, chịu gánh nặng lớn về chi phí không chính thức và chưa được hưởng những dịch vụ kinh doanh có chất lượng với chi phí phù hợp.

Trong khi đó, gần 1.600 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, đều đánh giá, là giá môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn kém hấp dẫn về chi phí không chính thức, gánh nặng quy định, chất lượng của cơ sở hạ tầng và dịch vụ công như y tế, giáo dục.

Dẫu vậy, doanh nghiệp FDI cũng nhìn nhận, Việt Nam tích cực hơn so với các quốc gia khác về sự ổn định chính sách, mức độ rủi ro bị thu hồi tài sản thấp, khả năng tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài vào hoạch định chính sách cao và mức thuế hợp lý.

PCI năm 2015 dựa trên đánh giá, cảm nhận từ 11.700 doanh nghiệp, trong đó, có 10.200 doanh nghiệp trong nước, gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt, khi thể hiện được 10 chỉ số thành phần: Chi phí gia nhập thị trường thấp; Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai;  Chi phí không chính thức thấp; Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng;

Môi trường cạnh tranh bình đẳng; Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; Chính sách đào tạo lao động tốt; và Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả

Theo Tiền phong


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang