Tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở kinh doanh thức ăn thủy sản không đảm bảo chất lượng

author 17:27 13/06/2024

(VietQ.vn) - Việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm chất lượng thức ăn thủy sản ở một số địa phương trở thành nhiệm vụ cấp bách để bảo vệ người tiêu dùng và duy trì sự phát triển bền vững của ngành thủy sản.

Ngành thủy sản đóng vai trò quan trọng trong cung cấp nguồn protein chất lượng cao cho người tiêu dùng toàn cầu. Tuy nhiên, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm từ các sản phẩm thủy sản vẫn là thách thức lớn. Việc phát hiện và xử lý vi phạm về chất lượng thức ăn thủy sản đã trở thành nhiệm vụ cấp bách để bảo vệ người tiêu dùng và duy trì sự phát triển bền vững của ngành thủy sản.

Theo đó, trong hai ngày 10 và 11 tháng 4 năm 2024, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tân Phú Đông tiến hành kiểm tra đột xuất tại hai cơ sở kinh doanh thức ăn thủy sản trên địa bàn huyện Tân Phú Đông, phát hiện cơ sở này không thực hiện niêm yết giá và đang kinh doanh thức ăn thủy sản giả.

Lực lượng Quản lý Thị trường lập biên bản cơ sở kinh doanh thức ăn thủy sản không đảm bảo chất lượng. (Ảnh: Cục QLTT Tiền Giang).

Đoàn công tác lấy 04 mẫu thức ăn thủy sản gửi thử nghiệm chất lượng. Kết quả, có 3 mẫu là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng. Cụ thể, 2 mẫu có chỉ tiêu Vitamin C với mức rất thấp từ 0,03% đến 0,05%; 01 mẫu có chỉ tiêu Kali chỉ đạt 9% so với mức tối thiểu quy định tại tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký.

Giá trị hàng hóa vi phạm là gần 15 triệu đồng. Đội Quản lý Thị trường số 2 đã ban hành quyết định xử phạt hành chính hai cơ sở trên với tổng số tiền hơn 45 triệu đồng, bao gồm cả việc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi vi phạm.

Trước đó tại Kiên Giang, Đội Quản lý Thị trường số 5, Cục Quản lý Thị trường tỉnh Kiên Giang cũng phát hiện các vi phạm tương tự. Trong quá trình kiểm tra một hộ kinh doanh tại ấp Bời Lời A, xã Vĩnh Bình Nam, huyện Vĩnh Thuận, lực lượng chức năng đã lấy mẫu thức ăn thủy sản để thử nghiệm và phát hiện hai mẫu có hàm lượng Cadimi vượt mức cho phép.

Lô hàng vi phạm bao gồm 200 bao thức ăn thủy sản (loại 20kg/bao), có giá trị 112 triệu đồng. Đội Quản lý thị trường số 5 đã hoàn tất hồ sơ và trình Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang xử phạt hộ kinh doanh với số tiền 140 triệu đồng. Những trường hợp vi phạm này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát chất lượng trong ngành công nghiệp thức ăn thủy sản. Các cơ sở kinh doanh cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định và tiêu chuẩn về chất lượng, đảm bảo sản phẩm không chỉ đạt yêu cầu về giá trị dinh dưỡng mà còn không gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Việc kiểm soát chặt chẽ yếu tố như hàm lượng vitamin, khoáng chất, kim loại nặng trong thức ăn thủy sản là cần thiết để đảm bảo chất lượng sản phẩm và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Các biện pháp này cũng giúp ngăn ngừa nguy cơ tiềm ẩn và tăng uy tín cho ngành thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang