Thái Bình: Một cửa hàng kinh doanh sữa, bỉm vi phạm về nhãn hàng hóa
An Giang: Tạm giữ trên 3.300 sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật vi phạm quy định về nhãn hàng hóa
Hai tấn thép không có nhãn hàng hoá vừa bị phát hiện tại Đồng Tháp
Tạm giữ gần 10 tấn bột ngọt vi phạm về nhãn hàng hóa
Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh Thái Bình tiến hành kiểm tra đột xuất 01 cửa hàng kinh doanh sữa, bỉm tại địa chỉ: thôn Phong Lẫm, xã Thụy Phong, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình thuộc hộ kinh doanh Hà Văn Ga, địa chỉ trụ sở chính tại thôn Bất Nạo, xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình do ông Hà Văn Ga làm chủ cửa hàng.
Tại thời điểm kiểm tra, hộ kinh doanh đang hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng không thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện tại nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh, cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường.
Qua kiểm tra, hàng hóa đang bày bán tại cửa hàng gồm bỉm các loại; thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm bổ sung các loại. Hàng hóa có hóa đơn chứng từ, có nhãn hàng hóa nhưng trên nhãn bị mờ không đọc được hết các nội dung bắt buộc theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa. Đội QLTT số 1 đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh Hà Văn Ga số tiền 10,5 triệu đồng.
Thái Bình: Một cửa hàng kinh doanh sữa, bỉm vi phạm về nhãn hàng hóa. Ảnh: Cục QLTT Thái Bình
Liên quan tới nhãn hàng hóa, theo quy định mới về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa, ngày 09 tháng 12 năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 về nhãn hàng hóa. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2022. Một số quy định mới cần chú ý liên quan đến công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trườngnhư sau:
Tại khoản 5, điều 1 sửa đổi, bổ sung (điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP) Nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa: Nhãn hàng hóa của các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt: Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa. Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này;
Các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và quy định pháp luật liên quan.
Trường hợp hàng hóa có tính chất thuộc nhiều nhóm quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và chưa quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa căn cứ vào công dụng chính của hàng hóa tự xác định nhóm của hàng hóa để ghi các nội dung theo quy định tại điểm này.
Trường hợp do kích thước của hàng hóa không đủ để thể hiện tất cả nội dung bắt buộc trên nhãn thì phải ghi những nội dung quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trên nhãn hàng hóa, những nội dung quy định tại điểm d khoản 1 Điều này được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa và trên nhãn phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.
Nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt khi làm thủ tục thông quan: Tên hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa. Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này; Tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài.
Trường hợp trên nhãn gốc hàng hóa chưa thể hiện tên đầy đủ và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài thì các nội dung này phải thể hiện đầy đủ trong tài liệu kèm theo hàng hóa; Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có nhãn gốc tiếng nước ngoài theo quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều này, sau khi thực hiện thủ tục thông quan và chuyển về kho lưu giữ, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải thực hiện việc bổ sung nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt theo quy định tại khoản 1 Điều này trước khi đưa hàng hóa vào lưu thông tại thị thường Việt Nam.
Nhãn của hàng hóa xuất khẩu thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật của nước nhập khẩu. Trường hợp thể hiện xuất xứ hàng hóa trên nhãn hàng hóa xuất khẩu, nội dung ghi xuất xứ hàng hóa tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định này. Nội dung nhãn hàng hóa xuất khẩu tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định này.
An Dương