Thánh Gióng tắm hồ Tây: 'Nguyễn Đình Thi không xuyên tạc'

author 11:26 18/03/2015

(VietQ.vn) - “Nhận thức về văn hóa dân gian có nhiều cách tiếp cận khác nhau nên nói như vậy không phải là nhà văn Nguyễn Đình Thi đã xuyên tạc”.

Mấy ngày qua, thông tin về nhân vật truyền thuyết Thánh Gióng sau khi đánh giặc bị thương nặng, vẫn còn ăn một bữa cơm rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm… xuất hiện trong sách hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5 tập 2A  khiến nhiều người bất ngờ, gây tranh cãi. 

Gây tranh cãi bởi, mọi người đã quá quen với truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương thường kể về Thánh Gióng là một nhân vật trong cổ tích của dân gian Việt Nam. Thánh Gióng sinh ra ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội vào thời Hùng Vương thứ 6. Ông là “người trời” đã đầu thai xuống trần thế để giúp nhân dân ta đánh giặc Ân sang xâm lược. Sau khi đánh tan giặc Ân, ông đuổi giặc đến chân núi Sóc (Sóc Sơn), rồi lên đỉnh núi cưỡi ngựa bay về trời. Thế nên, việc xuất hiện dị bản này của nhà văn Nguyễn Đình Thi trong sách giáo khoa lớp 5 khiến nhiều người cho rằng sai sự thật. 

Thánh Gióng tắm hồ Tây: “Nguyễn Đình Thi không xuyên tạc”

GS sử học Dương Trung Quốc. Ảnh Internet

Tuy nhiên, chia sẻ với VietQ.vn, GS sử học Dương Trung Quốc khẳng định: Nhà văn Nguyễn Đình Thi không sai bởi nhận thức về văn hóa dân gian có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Mỗi địa phương có thể có những biến dị khác nhau nên việc nhà văn viết trong một tiểu luận bàn về sức sống hoàn toàn có thể đưa ra những cách nhìn khác nhau, kể cả những chi tiết khác nhau. 

“Truyền thuyết rất nhiều chi tiết. Mỗi vùng, mỗi thời điểm nó có những thay đổi khác nhau cho nên nói như trích đoạn này không sai” ông Quốc khẳng định.

Được biết, đoạn  trích này trong sách giáo khoa (SGK) lớp 5 được lấy từ tác phẩm “Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi.Đoạn trích này cũng được các nhà biên soạn SGK sử dụng làm ngữ liệu cho tài liệu “Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5, tập 2A”, một tài liệu thử nghiệm của mô hình trường học mới đang được triển khai ở Việt Nam. Đứng về góc độ một cuốn SGK tiếng Việt, ông Quốc cho rằng việc chọn đoạn trích này rất hay để phục vụ cho tiêu chí sử dụng từ. Tuy nhiên, với trình độ học sinh lớp 5 để đạt được về mặt từ ngữ đặt ra nhiều vấn đề, không thích hợp và dễ tạo xung đột trong nhận thức về nhân vật Thánh Gióng.

“Nhận thức về văn hóa dân gian có nhiều cách tiếp cận khác nhau nên nói như vậy không phải là nhà văn Nguyễn Đình Thi đã xuyên tạc. Vấn đề ở đây là sư phạm ”, ông Quốc nói.

Thánh Gióng tắm hồ Tây: “Nguyễn Đình Thi không xuyên tạc”

Đoạn trích gây tranh cãi.

 

Theo đó, vị này giải thích: Nguyễn Đình Thi không được giải thích là ai, tác phẩm được viết trong hoàn cảnh nào? Ở đây, đoạn trích được viết vào năm 1944 trên góc độ là một nhà văn hóa nói về sức sống của văn hóa dân gian. Văn hóa dân gian có thể có rất nhiều cách tiếp nhận thông điệp khác nhau. Khi đó, nội dung rất dễ xung đột với ý nghĩa khái quát về sự kiện Thánh Gióng mà rất  nhiều học sinh được học hàng ngày và bây giờ trở thành di sản văn hóa nhân loại gắn với lễ hội.

“Các cháu có thể sẽ hiểu về câu chữ nhưng nội dung, ngữ nghĩa trở thành một câu chuyện không phải dễ dàng làm cho lứa tuổi này hiểu được, thậm chị thầy cô giáo cũng khó có thể giải thích. Với các cháu lớp 5 nên tránh việc đánh đổi, có thể đạt được cái này nhưng đánh mất cái khác. Bài tập này chỉ sai ở lỗi sư phạm, kiến thức không phù hợp, quá tải với các cháu học sinh lớp 5”, GS Dương Trung Quốc nói. Theo đó, ông Quốc cho rằng, nếu bài tập dành cho học sinh lớp 12 hay sinh viên đại học sẽ thích hợp hơn.

 

Trà Phương

 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang