Thắt chặt quản lý giết mổ động vật tại các địa phương để đảm bảo vệ sinh ATTP

author 06:20 28/06/2024

(VietQ.vn) - Hiện nay, cả nước có gần 7.000 cơ sở giết mổ động vật đủ giấy chứng nhận kinh doanh, hơn 18.000 cơ sở giết mổ động vật không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không được chính quyền địa phương cho phép hoạt động, ảnh hưởng đến vấn đề an toàn thực phẩm.

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) tính đến nay, cả nước có 14 tỉnh không tổ chức kiểm soát giết mổ ở các cơ sở nhỏ lẻ. Đặc biệt có 7 tỉnh: Điện Biên, Ninh Bình, Sơn La, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng và Quảng Ngãi không có cơ sở giết mổ tập trung, cũng không có thú y thực hiện kiểm soát giết mổ tại các cơ sở nhỏ lẻ và không thực hiện nhiệm vụ kiểm soát giết mổ động vật theo quy định.

Theo đánh giá, tại một số địa phương, hoạt động giết mổ còn diễn ra tự phát, cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ nhiều, không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, trong khi chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức về công tác quản lý, giám sát. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và chính quyền cấp xã được giao quản lý cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tuy nhiên còn thiếu nhân viên có chuyên môn thú y để thực hiện kiểm soát giết mổ; việc chưa xử lý kiên quyết, dứt điểm tình trạng giết mổ lậu, không phép trên địa bàn vẫn còn phổ biến tại nhiều địa phương.

Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật thú y về giết mổ của người dân chưa cao; việc hiểu biết về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh để đáp ứng các điều kiện giết mổ, để đầu tư phù hợp của chủ cơ sở giết mổ nhỏ lẻ còn hạn chế; nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ giết mổ và bày bán ngay tại nhà, via hè.., gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện đúng, đầy đủ kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm động vật.

 Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thý y nêu thực tế: "Năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024, Thanh tra Sở NN&PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ, ATTP đã phát hiện 45 vụ vi phạm, phạt 445.425.000 đồng".

"Cả nước có gần 25.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, 440 cơ sở giết mổ tập trung mà hơn một năm trời, mới phát hiện và xử lý 45 vụ. Các chỉ đạo trong xử lý vi phạm cũng rất hời hợt, 45 vụ này đưa ra không thể nào phản ánh đúng thực tế. Chúng ta chẳng cần đi đâu xa, chỉ cần ra các cơ sở giết mổ gần nhà mình sẽ thấy rất rõ thực trạng này", ông Long cho biết thêm.

Điển hình như trong năm 2023, Cục Thú y cho biết, đã lấy 60 mẫu lau thân thịt lợn để kiểm tra nhiễm khuẩn Salmonella và Enterobacteriaceae. Kết quả cho thấy, có 12 mẫu nhiễm khuẩn Salmonella (20%) và 13 mẫu nhiễm Enterobacteriaceae (21,67%).

Đồng thời, trong 40 mẫu da cổ gà được lấy để phân tích nhiễm khuẩn Salmonella có 1 mẫu nhiễm khuẩn (2,5%). Đối với 20 mẫu nước sử dụng được lấy để kiểm tra nhiễm khuẩn E.coli có 1 mẫu nhiễm khuẩn (5%).

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam, muốn làm tốt kiểm soát giết mổ cần phải thay đổi cách tiếp cận quản lý. Đối với các tỉnh, thành lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng… cần có cách quản lý khác so với các tỉnh ở vùng sâu vùng xa.

"Chúng ta cần thay đổi cách phân loại cơ sở giết mổ. Nếu chỉ phân loại giết mổ nhỏ lẻ và giết mổ tập trung là chưa phù hợp. Một cơ sở giết mổ 3.000 con gà không thể là nhỏ lẻ được. Theo tôi nên chia thành các loại: giết mổ công nghiệp, giết mổ bán công nghiệp quy mô vừa, giết mổ bán công nghiệp quy mô nhỏ và giết mổ hộ gia đình có kiểm soát", ông Sơn nói thêm.

Bên cạnh đó, theo ông Sơn, cần có các chính sách hỗ trợ để các cơ sở giết mổ chăn nuôi công nghiệp có thể hoạt động hiệu quả. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa để người dân ý thức, không sử dụng sản phẩm từ những cơ sở giết mổ không rõ ràng.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết, toàn tỉnh có 45 cơ sở cơ sở giết mổ đã được xây dựng, duy trì hoạt động và có sự kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y từ nhiều năm qua.

Số lượng giết mổ hiện nay trung bình toàn tỉnh trong 1 ngày đêm khoảng 221 con trâu, bò; 5.300 con heo và 67.500 gia cầm. Trên 85% sản phẩm động vật tươi sống sau giết mổ được vận chuyển xuất tỉnh, chủ yếu là về TP.HCM tiêu thụ.

Để phục vụ cho số lượng giết mổ hàng ngày đó, các cơ sở giết mổ phải nhập gia súc, gia cầm từ ngoài tỉnh với tỷ lệ khoảng 70% trâu bò, 80% heo và 65% gia cầm so với nhu cầu giết mổ, chủ yếu là từ các tỉnh khu vực Đông Nam bộ. Qua phân loại, nhìn chung trong tỉnh Long An, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vẫn chiếm đa số (73,3%) và phương thức giết mổ chủ yếu vẫn là giết mổ thủ công/thủ công cải tiến (62,3%).

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao công tác quản lý giết mổ động vật trên địa bàn tỉnh Long An. Đây là địa phương chịu trách nhiệm quan trọng, trong việc cung cấp các sản phẩm chăn nuôi cho những thị trường lớn như TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang