Thị trường bán lẻ: Tiềm năng nhiều, thách thức cũng không ít

(VietQ.vn) - Thị trường bán lẻ đang cho thấy dấu hiệu tăng trưởng tích cực, đó là yếu tố then chốt thúc đẩy bất động sản thương mại phát triển mạnh mẽ hơn tại Việt Nam.
Ford triệu hồi mẫu xe Kuga Plug-in Hybrid do nguy cơ chập mạch pin
Áp dụng tiêu chuẩn ESG - ‘chìa khóa’ nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp
TP.HCM chính thức khánh thành Metro số 1: Bước tiến mới trong giao thông đô thị
Thị trường bán lẻ những năm gần đây dần hồi phục và có nhiều chuyển biến khả quan. Các yếu tố như cơ cấu dân số trẻ, tầng lớp trung lưu mở rộng, nhóm khách hàng cận giàu tăng nhanh, cùng sự bùng nổ của thương mại điện tử… đã tạo đà để bán lẻ tăng trưởng mạnh. Chính điều này đã kéo theo nhu cầu lớn về không gian, mặt bằng kinh doanh và góp phần thúc đẩy bất động sản thương mại vào giai đoạn tăng tốc.
Theo bộ phận nghiên cứu Savills Việt Nam, quý 4/2024 ghi nhận tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì ổn định. Cụ thể, tại Thành phố Hồ Chí Minh, tổng nguồn cung tăng 1% theo quý và 6% theo năm. Trong đó, trung tâm mua sắm tiếp tục chiếm lĩnh nguồn cung với 63% tỷ trọng. Thị trường chứng kiến sự xuất hiện, mở rộng của trung tâm thương mại thế hệ mới, tích hợp đa dạng tiện ích nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Bà Từ Thị Hồng An - Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại Savills Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thị trường bán lẻ phía Nam vẫn đang trên đà phát triển dù đối mặt tình trạng hạn chế nguồn cung mới. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt, buộc các trung tâm thương mại phải liên tục cải tạo, đổi mới và nâng cấp mô hình vận hành để giữ chân khách hàng.
Bên cạnh đó, điểm đáng chú ý của thị trường bán lẻ Hà Nội những năm gần đây không chỉ là gia tăng số lượng mà còn là chuyển biến về chất. Thay vì là những mặt bằng buôn bán đơn thuần, mặt bằng bán lẻ tại các trung tâm thương mại mới gần đây đều được phát triển, xây dựng theo concept sản phẩm là "all-in-one".
Mặt bằng bán lẻ không chỉ là nơi mua sắm mà còn tích hợp nhiều hoạt động như vui chơi, tổ chức sự kiện, lễ hội, là nơi thưởng thức nghệ thuật, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực… Trong khi các trung tâm thương mại mới có sự chuyển mình thì cũng theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, những khu trung tâm mua sắm cũ vẫn giữ nguyên mô hình cũ, chỉ thuần là nơi mua bán.
Các hoạt động bán lẻ phục hồi kéo theo sự tăng trưởng của bất động sản thương mại.
Tuy nhiên, cùng với triển vọng tăng trưởng, thị trường này cũng không tránh khỏi thách thức. Thứ nhất, lạm phát tiếp tục tác động đến hành vi mua sắm khi người tiêu dùng ưu tiên chi tiêu cho các sản phẩm thiết yếu (giáo dục, thực phẩm, y tế) và hạn chế mua sắm các mặt hàng không thiết yếu.
Thứ hai, yếu tố giá cả trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết, khiến phần đông người tiêu dùng tìm kiếm các chương trình giảm giá, săn khuyến mãi. Dù vậy, vẫn có một nhóm khách hàng chịu chi cho phân khúc cao cấp như mỹ phẩm, thời trang, điện tử cá nhân. Những thay đổi này buộc các nhà bán lẻ phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh, cân bằng giữa tối ưu giá bán, nâng cao trải nghiệm khách hàng và tiếp cận nhóm chi tiêu cao cấp.
Dù ghi nhận tăng trưởng ấn tượng thời gian qua, đặc biệt là ở các trung tâm thương mại mới nhưng thị trường bán lẻ Hà Nội đang phải đối mặt nhiều thách thức trong quá trình phát triển. Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Thương hiệu Manpower, ManpowerGroup Việt Nam cho biết, trong lĩnh vực bán lẻ, tỷ lệ nghỉ việc hiện ở mức 25%, tạo áp lực lớn đối với doanh nghiệp. Các kỹ năng mềm quan trọng mà nhà tuyển dụng tìm kiếm bao gồm khả năng thích nghi, tư duy giải quyết vấn đề, làm việc nhóm và sáng tạo. Bên cạnh đó, yêu cầu về các kỹ năng quản lý trải nghiệm khách hàng, kỹ thuật số, phân tích dữ liệu cũng đang gia tăng.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Trần Mạnh Hùng, Luật sư Điều hành công ty BMVN International LLC cho rằng, thách thức pháp lý đang tác động đến thị trường bán lẻ Việt Nam. Đơn cử, các thách thức pháp lý liên quan đến địa điểm bán lẻ, từ quyền sở hữu đến sự phức tạp trong cấp phép xây dựng và chứng nhận an toàn cháy nổ cũng gây trở ngại đến quá trình phát triển của thị trường này.
Đặc biệt, dù theo lộ trình CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), yêu cầu ENT (Economic Need Test - Quy trình kiểm tra nhu cầu kinh tế) lẽ ra được miễn trừ từ ngày 15/01/2024, nhưng việc bãi bỏ vẫn tiếp tục bị trì hoãn. Điều này có thể tạo ra những thách thức nhất định cho doanh nghiệp trong hoạt động mở rộng kinh doanh ở thị trường bán lẻ.
Thanh Hiền (t/h)