Thiếu tiền theo đuổi kiện xâm phạm sở hữu trí tuệ ở nước ngoài

author 07:39 31/10/2014

(VietQ.vn) – Khi xảy ra các vụ kiện, chiếm dụng thương hiệu, nhãn hiệu Việt Nam ở nước ngoài, doanh nghiệp hoặc các tổ chức gặp khó khăn rất lớn về tài chính để theo đuổi các vụ kiện đó.

Sự kiện: SỞ HỮU TRÍ TUỆ - PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ

Câu chuyện về nước mắm Phú Quốc, nước mắm Nha Trang, cà phê Buôn Mê Thuột, thuốc lá Vinataba, bia 333… bị các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài sử dụng, đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu ở nước ngoài đã từng diễn ra.

Để lấy lại các hình ảnh và thương hiệu cho sản phẩm Việt Nam như vậy, đã từng có các cuộc thương lượng diễn ra căng thẳng cả về ngoại giao, chính trị và kinh tế.

Cà phê Buôn Mê Thuột từng bị doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký nhãn hiệu tại nước này

Cà phê Buôn Mê Thuột từng bị doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký nhãn hiệu tại nước này. Ảnh minh họa

Đúc kết lại, các chuyên gia kinh tế nói rằng, không chỉ doanh nghiệp có thương hiệu, sản phẩm mà các sản phẩm mang tính truyền thống, văn hóa hoặc là nét đặc trưng vùng miền, sở hữu tập thể với sự quản lý và phát triển của cơ quan chức năng địa phương ở Việt Nam cũng bị thờ ơ, bỏ ngỏ xác lập quyền ở nước ngoài.

Nguyên nhân của thực tế này được cho là doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ, vốn ít, thiếu bài bản trong làm ăn hoặc không có kinh nghiệm trên thương trường quốc tế.

Tại Hội nghị Toàn quốc về Sở hữu Trí tuệ (SHTT) do Cục SHTT - Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Bạc Liêu, nhiều đại biểu nói rằng, tình trạng sản phẩm, hàng hóa Việt Nam bị xâm phạm quyền SHTT ở nước ngoài vẫn còn còn là một nỗi lo thường trực. Các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động bảo vệ quyền SHTT của mình trong mọi trường hợp.

Thống kê cho thấy, hiện số lượng đơn đăng ký sáng chế được nộp từ năm 1988 đến nay còn hạn chế, mới có 4.125 đơn đăng ký; đăng ký kiểu dáng công nghiệp là 29.938 và đơn đăng ký kiểu dáng nhãn hiệu quốc gia là 333.733 đơn.

Con số này dù còn rất nhỏ nhưng theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ là đang tăng nhanh và hội nhập sâu rộng vào “sân chơi” quốc tế. Đặc biệt, việc bảo hộ quyền SHTT không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài thời gian còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Số lượng đơn đăng ký quyền và bảo hộ SHTT ở nước ngoài của Việt Nam không đáng kể, trong khi đó có rất nhiều sản phẩm nổi tiếng, uy tín, chất lượng cao của Việt Nam đã, đang được xuất khẩu ra nước ngoài.

Các đặc sản gạo Việt Nam đang đứng trước thách thức bị đăng ký, sử dụng phi pháp không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nước ngoài

Các đặc sản gạo Việt Nam đang đứng trước thách thức bị đăng ký, sử dụng phi pháp không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nước ngoài. Ảnh minh họa

Thực tế nói trên theo Cục SHTT là kho khả năng tài chính eo hẹp, quy mô doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và rất nhỏ. Khi có các tranh chấp, xâm phạm quyền SHTT ở nước ngoài, các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam lại gặp khó về các thủ tục pháp lý, chi phí thuê chuyên gia tư vấn, luật sư cao dẫn đến doanh nghiệp khó theo đuổi các vụ kiện. Khi đã được xác lập quyền cho sản phẩm, thương hiệu ở nước ngoài rồi, lại gặp khó trong việc giám sát, duy trì bảo vệ quyền theo định kỳ quy định của các nước.

Theo một chuyên gia của Viện Lúa Đồng Bằng sông Cửu Long, không nói gì xa, ngay cả với hạt gạo Việt Nam, sản phẩm đang rất thịnh hành và nổi tiếng trên thị trường thế giới và xuất khẩu trong top nhất nhì các nước xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, Việt Nam luôn bị động, chưa có chính sách hợp lý định hình thương hiệu đủ mạnh để có thể chi phối thị trường gạo quốc tế.

Vị chuyên gia này lấy ví dụ, thậm chí đến những người dân ở “Vựa lúa” Đồng Bằng sông Cửu Long còn đang sử dụng gạo của Thái Lan, Campuchia, Myanma. Điều này là thách thức của hạt gạo Việt Nam nhưng nó cũng phản ánh cách mà chúng ta bảo vệ quyền SHTT cho các sản phẩm có thế mạnh hiện nay trên thị trường.

Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải mới đây có kết luận về đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam. Theo đó, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các bộ, ngành liên quan và địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đề án theo hướng xây dựng và phát triển thương hiệu ở cả ba cấp độ: quốc gia, vùng và địa phương.

Hồng Anh


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang