Thu giữ hàng nghìn đồ chơi bạo lực không rõ nguồn gốc tại Hà Nội

author 06:10 12/08/2022

(VietQ.vn) - Lực lượng Quản lý thị trường thành phố Hà Nội vừa kiểm tra và tạm giữ hàng nghìn sản phẩm đồ chơi trẻ em không có nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc.

Trung thu càng đến gần, thị trường đồ chơi ngày càng nhộn nhịp, đây cũng là thời điểm để nhiều loại đồ chơi ồ ạt vào thị trường một cách khó kiểm soát, nhất là những loại đồ chơi mang tính bạo lực, hay hàng nhập lậu, bởi giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng.

Cụ thể, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4 (Cục QLTT Thành phố Hà Nội) mới đây đã tiến hành kiểm tra địa điểm kinh doanh tại địa chỉ: Số 19A1 ngách 74 ngõ Thịnh Hào 1, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, TP Hà Nội.

Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra Đội QLTT số 4 phát hiện tại cơ sở đang kinh doanh nhiều loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, bao gồm: 20 thùng hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc gồm có 400 đồ chơi trẻ em bằng nhựa, hình dạng kiếm, không có nhãn hàng hóa và 2400 chiếc đồ chơi trẻ em bằng nhựa, dạng hình gậy, có phát sáng khi lắp pin, hàng hóa chưa có pin, không có nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. 

Số đồ chơi nhập lậu bị thu giữ.  

Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 4 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Cũng trong dịp này, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 212/KH-UBND về đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Trung thu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022. Theo đó, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu việc thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vi phạm về chất lượng và điều kiện vệ sinh an toàn trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, chú trọng vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu. Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

Trước đó, Đội đã thu giữ gần 2.000 sản phẩm đồ chơi mô hình súng bằng nhựa tại 2 kho hàng kinh doanh tập kết số lượng lớn đồ chơi bạo lực ở xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Qua kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: "Người bán sử dụng mạng xã hội bán hàng, tập kết ở ngoại thành để cung cấp đến các cửa hàng, không bán công khai".

Vì trực tiếp ảnh hướng đến sức khỏe, nên theo quy định, đồ chơi trẻ em là mặt hàng bắt buộc phải có chứng nhận hợp quy của cơ quan quản lý chất lượng chuyên ngành mới đảm bảo an toàn để lưu thông trên thị trường. Nhưng lô đồ chơi ở đây là lô hàng 3 không theo đúng nghĩa: không rõ nguồn gốc xuất xứ; không được chứng nhận chất lượng và không có hóa đơn chứng từ. Điều nguy hiểm hơn, những món đồ chơi này nằm trong nhóm đồ chơi bạo lực, không được tiêu thụ trên thị trường.

Khi làm việc với lực lượng quản lý thị trường, những người kinh doanh hồn nhiên cho rằng những mặt hàng ở đây chỉ giống như đồ chơi thông thường nhưng thực chất đây là mặt hàng cấm kinh doanh tiêu thụ dưới mọi hình thức. Vì khi tiêu thụ những măt hàng bạo lực như thế này sẽ tạo thói quen và xu hướng thích bạo lực cho trẻ em. Đây là điều rất là nguy hiểm, gây tiền lệ xấu về sau này.

Trước đó, Bộ KH&CN đã ban hành QCVN 3:2019/BKHCN quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn đồ chơi trẻ em để quản lý về sản phẩm này.

Quy chuẩn quy định yêu cầu đối với đồ chơi trẻ em nhằm giảm thiểu các mối nguy và rủi ro liên quan đến an toàn, sức khoẻ của trẻ, phương pháp thử tương ứng, các nội dung quản lý đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường. Quy chuẩn áp dụng với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán lẻ đồ chơi trẻ em, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

QCVN 3:2019/BKHCN quy định chất lỏng có thể tiếp xúc trong đồ chơi trẻ em không được có pH nhỏ hơn 3,0 hoặc lớn hơn 10,0. Yêu cầu này không áp dụng cho mực viết trong dụng cụ viết. Các chi tiết vải dệt có thể tiếp xúc không được chứa hàm lượng formaldehyt tự do và formaldehyt đã thủy phân vượt quá 30 mg/kg. Các chi tiết giấy có thể tiếp xúc không được chứa hàm lượng formaldehyt vượt quá 30 mg/kg. Các chi tiết gỗ liên kết bằng keo dán có thể tiếp xúc không được chứa hàm lượng formaldehyt giải phóng vượt quá 80 mg/kg.

Đồ chơi trẻ em không được có hàm lượng các phtalat di(2-etylhexyl) phtalat (DEHP), dibutyl phtalat (DBP) hoặc butyl benzyl phtalat (BBP) vượt quá 0,1 % khối lượng mỗi phtalat. Đồ chơi trẻ em có thể cho vào miệng không được có hàm lượng các phtalat diisononyl phtalat (DINP), diisodecyl phtalat (DIDP) hoặc di-n-octyl phtalat (DNOP) vượt quá 0,1 % khối lượng mỗi phtalat. Hàm lượng các amin thơm (bao gồm cả dẫn xuất từ thuốc nhuộm azo trong mẫu) có trong vật liệu sản xuất đồ chơi trẻ em không được vượt quá mức quy định trong quy chuẩn này.

QCVN 3:2019/BKHCN nêu rõ, đồ chơi trẻ em phải đáp ứng yêu cầu giới hạn mức thôi nhiễm về các hợp chất hữu cơ độc hại khác quy định tại các văn bản có liên quan. Đồ chơi trẻ em không được dùng nguồn điện có điện áp danh định vượt quá 24 V và không bộ phận nào trong đồ chơi trẻ em có điện áp danh định hoặc tức thời vượt quá 24 V. Các bộ phận trong đồ chơi trẻ em nếu được nối hoặc có thể tiếp xúc với nguồn điện có điện áp danh định vượt quá giới hạn nêu trên cũng như các dây dẫn, cáp điện nối đến các bộ phận này phải được cách điện và bảo vệ thích hợp để ngăn ngừa rủi ro về điện.

Việc ghi nhãn đồ chơi trẻ em thực hiện theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá. Các quy định về cảnh báo nêu trong tiêu chuẩn tương ứng phải được thể hiện trên nhãn hàng hóa. Đồ chơi trẻ em phải được công bố hợp quy phù hợp quy định của Quy chuẩn này trên cơ sở kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức chứng nhận được chỉ định. Đồ chơi trẻ em trước khi lưu thông trên thị trường phải gắn dấu hợp quy.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang