Thủ tướng Australia với văn hóa ẩm thực bình dân và bia Hà Nội

author 10:43 06/06/2023

(VietQ.vn) - Một trong những sự kiện thu hút sự chú ý của người dân Việt Nam, đặc biệt là người dân Hà Nội khi Thủ tướng Australia- ngài Anthony Albanese đã đến một quán bia hơi trên phố Đường Thành (quận Hoàn Kiếm) để bất ngờ thưởng thức bánh mỳ từ một cửa hàng bình dân trên phố và kết hợp nó với bia Hà Nội vào trưa ngày 3 tháng 6 năm 2023.

Những hình ảnh này được truyền thông đưa tin đã đem đến niềm vui bất ngờ và vô cùng thú vị cho người dân Việt. Người ta cũng liên tưởng tới hình ảnh Tổng thống Mỹ Obama dùng bún chả với bia Hà Nội tại một quán ăn bình dân năm 2016.

 Tổng thống Mỹ Obama dùng bún chả với bia Hà Nội tại một quán ăn bình dân năm 2016.

Tuy nhiên, Thủ tướng Australia thì vô cùng khéo léo khi “tranh thủ” quảng bá cho sản phẩm nông nghiệp của Australia “Hương vị của bánh mỳ và bia càng trở nên tuyệt vời hơn khi tôi biết rằng nguyên liệu để làm ra chúng được nhập khẩu từ Australia. 99% bia tại Việt Nam được ủ từ lúa mạch Australia và rất nhiều bánh mì được làm bằng lúa mì nhập khẩu từ Australia"- Thủ tướng Albanese chia sẻ trên trang Twitter cá nhân.

Cũng như nhiều nước trên thế giới, văn hóa uống bia ở Việt Nam mang đậm tính cộng đồng. Người ta hay uống trong các buổi tụ tập bạn bè, người thân… và kèm theo một “đặc sản” là “Một, hai, ba, dô”. Bầu không khí thêm phấn khởi náo nhiệt hơn khi tất cả cùng đồng thanh hô to.

Văn hóa ẩm thực người Việt, đặc biệt là khi sử dụng bia với các món ăn đậm chất vùng miền trên đất nước Việt Nam thì ai ai cũng thấy rõ và cứ tự nhiên thấm dần vào tâm hồn và văn hóa Việt Nam. Văn hóa bia của người Việt rất đỗi bình dân khi được thưởng thức từ các nhà hàng san sát trên các con phố, con ngõ nhỏ trong không gian ồn ào, náo nhiệt cùng với tiếng xe cộ tấp nập. Tất cả tạo nên nét văn hóa riêng biệt của người Việt mà không lẫn được với nước nào khác trên thế giới.

Ngành đồ uống, đặc biệt là bia là ngành kinh tế - kỹ thuật đã và đang đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, hàng năm đóng góp vào Ngân sách Nhà nước hàng chục ngàn tỉ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp trong chuỗi cung ứng từ bao bì, đóng gói, vận chuyển, bảo quản, bán buôn, bán lẻ cũng như các nhà cung ứng nguyên phụ liệu sản xuất đầu vào cho sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường, phục vụ cho xuất khẩu, sản phẩm có sức cạnh tranh cao trong điều kiện kinh tế hội nhập.

Hơn thế nữa, các nhãn hiệu bia Việt được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm vẫn giữ nguyên hương vị truyền thống và được mọi người dân ưa chuộng, khiến cho các sản phẩm bia lậu đã có một thời tràn lan không còn chỗ đúng.

Khi nhắc tới văn hóa uống của người Việt, đâu đó vẫn còn những định kiến, truyền thông quá mức về những ấn tượng tiêu cực hình thành từ thói quen uống quá đà và nhiều hệ quả kéo theo. Các chính sách quản lý rượu bia cũng từ đó mà ngày càng thắt chặt với mục đích hạn chế tiêu dùng để bảo vệ sức khỏe của người dân.

Luật số 44/2019/QH14 về Phòng, chống tác hại của rượu, bia với các hạn chế toàn diện về quảng cáo, khuyến mại, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đồ uống có cồn trong đó có bia, và Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ... (các nước trên thế giới có nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ đều cho phép có một ngưỡng hàm lượng cồn trong máu chứ không cấm tuyệt đối như NĐ 100) khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành đồ uống bị ảnh hưởng nặng nề.

Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt luôn được xem xét để sửa đổi tăng thuế cao hơn nữa… đã và đang làm tăng gánh nặng tài chính khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn (các nước trên thế giới trung bình thường phải 10 năm mới điều chỉnh tăng thuế một lần). Các đánh giá về hiệu quả của chính sách thắt chặt này đã thực sự hiệu quả từ những lần cải cách trước đó vẫn là thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách trước khi đề xuất chính sách mới.

Các nguyên thủ quốc gia tới Việt Nam gây ấn tượng ở sự hòa nhập văn hóa của họ kể cả văn hóa ẩm thực, rượu bia hết sức bình dân và họ không ngần ngại chia sẻ tình cảm với cả những nhãn hiệu bia (chẳng hạn bia Hà Nội) như là một nét văn hóa, vậy tại sao chúng ta chỉ tập trung khai thác các mặt tiêu cực để dẫn dắt làm cơ sở cho những chính sách chưa đảm bảo được sự công bằng, hài hòa giữa các lợi ích.

Thủ tướng Úc - ngài Anthony Albanese (giữa) tại quán bia hơi trên phố Đường Thành, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội 

Các thế hệ ngày nay, đặc biệt là thế hệ trẻ càng ngày càng được tuyên truyền về các chính sách pháp luật, họ dần thay đổi, thưởng thức bia thông minh và ý thức được điểm dừng. Điều này không chỉ giúp đảm bảo sức khỏe của bản thân họ, mà còn giữ được cảm giác tận hưởng do những ly bia mang lại. Đây cũng là nét văn hóa, tinh tế mà luôn ghi nhớ.

Gìn giữ nét văn hóa Việt trong đó có ẩm thực và các thức kết hợp với sản phẩm bia với các hương vị truyền thống đặc trưng cũng quan trọng không kém việc tuyên truyền, thực thi nghiêm túc các quy định về quản lý rượu bia. Ngành sản xuất kinh doanh đồ uống, trong đó có rượu bia là một phần quan trọng trong bức tranh văn hóa đó và khi đã đáp ứng và tuân thủ quy định pháp luật thì cần được đối xử bình đẳng như các doanh nghiệp khác để có thể phát triển lành mạnh, bền vững, tránh các quy định quá mức, không có cơ sở và không thực sự và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế xã hội của Việt Nam.

Ngắm lại những hình ảnh về các nguyên thủ quốc gia tham gia vào không khí văn hóa ẩm thực bình dân, với chai bia Hà Nội trên tay, chúng ta ai cũng cảm thấy vô cùng tuyệt vời!

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang