Thủ tướng Chính phủ đề ra các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

authorDương Phương Ngọc 16:23 21/09/2016

(VietQ.vn) - Mục tiêu đến năm 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đạt mức trung bình của các nước ASEAN 3 trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế.

Việt Nam tăng 12 bậc về năng lực cạnh tranh toàn cầu

Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 18/3/2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, môi trường đầu tư kinh doanh nước ta đã có bước cải thiện, năng lực cạnh tranh được nâng lên, được các tổ chức có uy tín ghi nhận, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015 – 2016 (công bố tháng 9 năm 2015) của Diễn đàn kinh tế thế giới, vị thế năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2015 có sự cải thiện đáng kể so với năm 2014, tăng 12 bậc (từ vị trí 68/144 lên vị trí 56/144). Thứ hạng này của Việt Nam tiếp tục được cải thiện từ năm 2012, và năm 2015 đạt mức tăng bậc nhiều nhất. Mặc dù vậy, khoảng cách trên hầu hết các trụ cột (chỉ số) của Việt Nam so với các quốc gia Đông Nam Á còn khá xa.

Trong khu vực Đông Nam Á, năng lực cạnh tranh của Việt Nam hiện đứng thứ 6 sau 5 quốc gia gồm: Singapore (thứ 2), Maylaysia (thứ 18), Thái Lan (thứ 32), Indonesia (thứ 37) và Philippines (thứ 47) và thuộc nửa trên của Bảng xếp hạng.

Công cụ tăng năng lực cạnh tranh, vì sao DN Việt chưa quan tâm?(VietQ.vn) - Trên thực tế, một số DN Việt áp dụng lý thuyết, quy trình, mô hình của các DN nước ngoài nhưng do có sự khác biệt nên không thành công.

Về môi trường kinh doanh, thứ hạng của nước ta năm 2015 (theo báo cáo Doing Business 2016 của Ngân hàng thế giới, công bố tháng 10 năm 2015) tăng 3 bậc, từ vị trí 93 lên vị trí 90/189 nền kinh tế, với mức cải thiện 1.75 điểm phần trăm. So với các nước Asean 4, năm 2015, Việt Nam được ghi nhận nhiều cải cách hơn, nhờ đó môi trường kinh doanh tăng điểm và thứ hạng tốt hơn (cải thiện ở 5/10 lĩnh vực); trong khi 3 nước trong khu vực Đông Nam Á gồm Maylaysia, Philippines và Thái Lan xuống hạng, Singapore vẫn giữ vị trí dẫn đầu thế giới.

Cũng sau 2 năm thực hiện, một số bộ, ngành và địa phương như Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương đã tích cực triển khai và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện nên ở lĩnh vực này, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện cả về điểm số và thứ hạng. 

Kết quả khảo sát các Hiệp hội doanh nghiệp và Liên minh hợp tác xã trong khuôn khổ chương trình phối hợp giám sát giữa 6 bên Mặt trận tổ quốc, Bộ Tài chính, VCCI, Liên minh các HTX Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội doanh nhân trẻ Việt Nam về thực hiện Nghị quyết 19 trong lĩnh vực thuế và hải quan, công bố tháng 12/2015, cho thấy 3 lĩnh vực nhận được đánh giá tích cực nhất là thành lập doanh nghiệp (84%); nộp thuế (75%) và hải quan (68%).

 Khả năng cạnh tranh của Việt Nam ngày càng cao. Ảnh: Internet.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bộ, cơ quan và địa phương chưa tích cực triển khai, coi Nghị quyết 19 như là phong trào, chưa chỉ đạo quyết liệt thực hiện. 

Một số chỉ tiêu như cấp phép xây dựng, đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, giao dịch thương mại qua biên giới, giải quyết phá sản DN… chưa đạt mức cải thiện theo yêu cầu của Nghị quyết và thấp khá xa so với trung bình của các nước ASEAN 6 và ASEAN 4. 

Mục tiêu đến năm 2020, VN đạt mức trung bình các nước Asean 3

Trước tình hình đó, ngày 28/4/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020.

Nghị quyết mới trong năm 2016 này đặt ra mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu như sau: 

Thứ nhất, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt tối thiểu bằng trung bình của nhóm nước ASEAN 4, bao gồm: 

- Bám sát tiêu chí đánh giá của Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn kinh tế thế giới, củng cố, duy trì các kết quả đạt được trong khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện năng, bảo vệ nhà đầu tư, nộp thuế và bảo hiểm xã hội, đồng thời phấn đấu nâng điểm trên tất cả các chỉ tiêu.

- Bãi bỏ hoặc đình chỉ áp dụng các quy định về điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, trái quy định của pháp luật. Cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu, phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển căn bản sang hậu kiểm. Đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp, bảo đảm hàng năm cắt giảm tối thiểu 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

- Đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4 về cải cách hành chính thuế.

- Rút ngắn thời gian Cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 77 ngày; thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản xuống không quá 14 ngày; thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới tối đa 10 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, 12 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu; chỉ số tiếp cận tín dụng thuộc nhóm 30 nước đứng đầu; thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng  tối đa 200 ngày; thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp còn 24 tháng.

- Giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành; kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức quản lý, kiểm tra chuyên ngành và với cơ quan hải quan.

- Tạo lập hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, ổn định, tự do sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Thứ hai, đến năm 2017 đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên một số chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh thuộc nhóm chỉ số nâng cao hiệu quả (theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới).

Cụ thể, chỉ số Hiệu lực chính sách cạnh tranh thuộc nhóm 50 nước đứng đầu, hạn chế rào cản phi thuế quan thuộc nhóm 40 nước đứng đầu. Hoàn thiện chính sách cạnh tranh và nâng cao hiệu quả thị trường hàng hóa và cạnh tranh công bằng.

Chỉ số Bảo đảm mức lương linh hoạt thuộc nhóm 60 nước đứng đầu, năng suất, khả năng giữ chân và thu hút nhân tài thuộc nhóm 40 nước đứng đầu.

Chỉ số Mức độ sẵn có và đầy đủ về dịch vụ tài chính thuộc nhóm 50 nước đứng đầu.

Mục tiêu đến năm 2020, năng lực cạnh tranh VN đạt mức trung bình các nước Asean 3.

Thứ ba, mục tiêu đến năm 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đạt mức trung bình của các nước ASEAN 3 trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế.

Cụ thể: Khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 40 nước đứng đầu; thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan dưới 70 ngày; thời gian tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp dưới 33 ngày; thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản dưới 10 ngày; bảo vệ nhà đầu tư thuộc nhóm 30 nước đứng đầu; thời gian nộp thuế là 110 giờ/năm và bảo hiểm xã hội là 45 giờ/năm; thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu; tiếp cận tín dụng thuộc nhóm 30 nước đứng đầu; thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng dưới 200 ngày; thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp tối đa 20 tháng.

Cần quyết liệt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Để đạt mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết 19.

Tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền của mỗi cơ quan và cá nhân trong việc triển khai thực hiện. Có giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời, linh hoạt đối với những vấn đề mới phát sinh; kiến nghị, đề xuất những giải pháp chỉ đạo, điều hành phù hợp, hiệu quả.

Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh. Rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; chấm dứt ngay việc soạn thảo và ban hành điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền. Xây dựng và trình ban hành các Nghị định về điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư năm 2014.

Giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30 – 35% hiện nay xuống còn 15% đến hết năm 2016.

Chính phủ cũng yêu cầu người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực hiện nghiêm quy định vể giải trình và giải quyết các kiến nghị của người dân và doanh nghiệp, thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết này. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO vào hoạt động các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước.

Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ, cần tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quy định về việc vừa phải thực hiện chứng nhận hợp quy, vừa phải kiểm tra từng lô hàng nhập khẩu.

Có cơ chế, chính sách và tạo môi trường, điều kiện thuận lợi các doanh nghiệp khoa học công nghệ phát triển.

Hình thành và phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, các trung tâm đổi mới sáng tạo và vườn ươm công nghệ.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang