Thúc đẩy công tác truyền thông nguy cơ an toàn thực phẩm hiệu quả hơn

author 17:05 07/06/2022

(VietQ.vn) - Cần có giải pháp kết nối nhà nghiên cứu và cơ quan truyền thông, báo chí, nhằm hỗ trợ, thúc đẩy công tác truyền thông nguy cơ an toàn thực phẩm hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng.

TS Fred Unger, trưởng dự án SafePORK (dự án các phương pháp dựa vào thị trường nhằm cải thiện mức độ an toàn của thịt lợn tại Việt Nam), trưởng đại diện ILRI (Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế) tại Đông Nam Á chia sẻ, các nghiên cứu gần đây cho thấy bằng chứng rõ ràng về ô nhiễm vi sinh trên thịt lợn, thịt gà và thịt bò.

Ở Việt Nam, nói đến vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP), công chúng quan tâm nhiều đến vấn đề ô nhiễm hóa chất trong thực phẩm. Tuy nhiên, thông tin về ATTP hiện nay thường tập trung theo hướng phản ánh các thông điệp mang tính tiêu cực, thay vì đưa ra những bằng chứng khoa học giúp người tiêu dùng bảo vệ bản thân và gia đình phòng tránh những thực phẩm không an toàn.

PGS. TS. Nguyễn Thị Dương Nga (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) dẫn chứng số liệu dựa trên 553 quan sát các chuỗi giá trị thịt lợn tại các tỉnh phía Bắc, 92% số người được hỏi tin thịt lợn không an toàn có thể phát hiện qua quan sát bằng mắt thường; 41% số người được hỏi cho rằng thịt lợn được nấu kỹ sẽ an toàn. Không chỉ vậy, 37% số người được hỏi cho rằng trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm là của Chính phủ. 10% số người trong khảo sát vẫn sử dụng chung thớt cho tất cả các loại thực phẩm.

"Đây đều là những nguy cơ dẫn đến mất vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nhiều người có thể không biết rằng vi sinh vật vẫn giải phóng ra độc chất, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ngay cả khi được nấu sôi", bà Nga nhấn mạnh.

Chính vì vậy, TS. Phạm Đức Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu y tế công cộng và hệ sinh thái (CENPHER), Trường đại học Y tế Công cộng nêu ý kiến: "Cần có giải pháp kết nối nhà nghiên cứu và cơ quan truyền thông, báo chí nhằm hỗ trợ, thúc đẩy công tác truyền thông nguy cơ an toàn thực phẩm hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng".

 Vấn đề an toàn thực phẩm được đông đảo người dân tại Việt Nam quan tâm. Ảnh minh hoạ

Nâng cao tính định hướng khoa học và có trách nhiệm

Theo ThS Đồng Mạnh Hùng, Trưởng ban Thư ký biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, trong một số trường hợp truyền thông, báo chí không cân đo, đong đếm liều lượng thông tin. Khi người dân mở đài, đọc báo, xem mạng là thấy “thịt bẩn”, khiến họ hiểu cứ thịt lợn, thịt gà bán tại chợ dân sinh là bẩn.

Thông tin đưa quá nhiều về các vụ việc bị phát hiện, về tác hại của “thịt bẩn” cũng khiến người tiêu dùng cảm thấy bế tắc, không biết phân biệt, lựa chọn thực phẩm an toàn.

Bởi vậy, cần có giải pháp kết nối nhà nghiên cứu và các cơ quan truyền thông, báo chí, nhằm hỗ trợ và thúc đẩy công tác truyền thông nguy cơ ATTP hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng. Cần nâng cao tính định hướng khoa học và có trách nhiệm trong hoạt động truyền thông về ATTP. Quá trình truyền thông, báo chí phải lắng nghe phản hồi, điều chỉnh kịp thời để định hướng truyền thông mới đem lại hiệu quả tốt nhất.

“Thông điệp phải thể hiện rõ quan điểm của nhà báo về ATTP. Việc thông tin về các vụ việc là quan trọng, nhưng tuyên truyền về nguyên nhân và những giải pháp mới là cần thiết. Thông điệp phải có tính giáo dục cao để công chúng thấy mức độ nghiêm trọng chứ không thể tác động vào thị giác, thính giác để công chúng có cảm giác sợ”, ông Hùng khuyến nghị.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang