Thực phẩm sản xuất thủ công phải ghi nhãn dinh dưỡng từ 1/1/2025

author 23:43 07/04/2022

(VietQ.vn) - Bộ Y tế đề xuất chậm nhất đến ngày 1/1/2025 sản phẩm thực phẩm sản xuất theo phương pháp thủ công phải thực hiện việc ghi nhãn dinh dưỡng theo quy định.

Theo thông tin từ báo Chính Phủ, tại dự thảo Thông tư hướng dẫn về ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm, Bộ Y tế đề xuất chậm nhất đến ngày 1/1/2025 sản phẩm thực phẩm sản xuất theo phương pháp thủ công phải thực hiện việc ghi nhãn dinh dưỡng theo quy định.

Dự thảo nêu rõ nội dung ghi thành phần dinh dưỡng gồm 7 chỉ tiêu sau: 1- Năng lượng (Energy); 2- Chất đạm (Protein); 3- Carbohydrate (Chất bột đường); 4- Total sugars (đường tổng số/tổng đường); 5- Chất béo (Fat); 6- Chất béo bão hòa (Saturated Fat); 7- Natri (Sodium).

Bộ Y tế cho biết, đề xuất trên xuất phát trên cơ sở Hướng dẫn áp dụng của CODEX năm 2011 và hiện nay tiêu chuẩn hướng dẫn áp dụng của CODEX đã được 70% các quốc gia, vùng lãnh thổ thực hiện đầy đủ, trong đó có các nước khu vực ASEAN như Singapore, Phillipin, Thái Lan, Indonesia…

Bộ Y tế đề xuất thực hiện việc ghi nhãn dinh dưỡng theo quy định. Ảnh: Chính Phủ

Căn cứ vào thực trạng tiêu dùng thực phẩm của người dân Việt Nam cũng như mô hình bệnh tật của Việt Nam hiện nay. Theo các nghiên cứu, khảo sát, xu hướng tiêu thụ thực phẩm chế biến công nghiệp, bao gói sẵn ngày càng gia tăng và phổ biến tại Việt Nam. Điều này tác động lớn đến khẩu phần dinh dưỡng và sức khỏe của người Việt Nam. Đồng thời, mô hình bệnh tật của Việt Nam những năm gần đây đang có xu hướng gia tăng nhanh các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, đột quỵ, béo phì… Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do mất cân bằng dinh dưỡng với các hình thức khác nhau.

Xuất phát từ thực tiễn thực hiện ghi nhãn dinh dưỡng thực phẩm tại Việt Nam hiện nay, trong đó chỉ tiêu tổng năng lượng chiếm 100% sản phẩm; chất béo, đạm là 89,5% sản phẩm, hàm lượng cacbonhydrat là 86,6%, hàm lượng muối là 21,1%, đường là 23,7% sản phẩm.

Về cách ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng: Để bảo đảm hướng dẫn thống nhất trong cách ghi nhãn dinh dưỡng thực phẩm, dự thảo Thông tư đề xuất quy định cụ thể về cách biểu thị đối với từng thành phần dinh dưỡng, ban hành phụ lục các biểu mẫu hướng dẫn về cách trình bày thông tin dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm kèm theo dự thảo Thông tư và hướng dẫn về giá trị tham chiếu.

Thực phẩm sản xuất thủ công phải ghi nhãn dinh dưỡng từ 1/1/2025. 

Cụ thể, theo dự thảo, thông tin về giá trị năng lượng phải được biểu thị theo ki-lô-ca-lo (kcal) hoặc kJ. Thông tin về hàm lượng chất đạm, cacbohydrate, đường tổng số, chất béo, chất béo bão hòa phải được biểu thị bằng số gam (g); thông tin về hàm lượng natri phải được biểu thị bằng miligam (mg) tính trên 100 g hoặc 100 ml thực phẩm và biểu thị theo phần trăm (%) giá trị dinh dưỡng tham chiếu theo hướng dẫn tại Phụ lục I của dự thảo. Trường hợp thực phẩm được đóng gói gồm nhiều phần ăn thì có thể ghi theo mỗi phần ăn.

Giá trị dinh dưỡng của các thành phần dinh dưỡng nêu trên phải được thể hiện bằng số, đầy đủ thông tin theo hướng dẫn tại Phụ lục II dự thảo.

Thông tin thành phần, giá trị dinh dưỡng trên nhãn sản phẩm thực phẩm phải dễ hiểu, dễ đọc, dễ nhận biết, gắn liền với bao bì của sản phẩm, không thể tẩy xóa.

Về lộ trình thực hiện. Để bảo đảm tính khả thi, giúp doanh nghiệp có thời gian tìm hiểu, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở kỹ thuật, trang thiết bị, nhân sự, công nghệ cho việc thực hiện quy định về ghi nhãn dinh dưỡng, dự thảo Thông tư đề xuất quy định lộ trình thực hiện như sau:

Chậm nhất đến ngày 1/1/2024, thực phẩm được sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh lưu thông tại Việt Nam phải thực hiện việc ghi nhãn dinh dưỡng thực phẩm theo quy định.

Chậm nhất đến ngày 1/1/2025 sản phẩm thực phẩm sản xuất theo phương pháp thủ công phải thực hiện việc ghi nhãn dinh dưỡng thực phẩm theo quy định.

Nhãn hàng hóa là gì?

Nhãn hàng hóa là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa.

Bao bì thương phẩm của hàng hóa là bao bì chứa đựng hàng hóa và lưu thông cùng với hàng hóa. Bao gồm: Bao bì trực tiếp là bao bì chứa đựng hàng hóa, tiếp xúc trực tiếp với hàng hóa, tạo ra hình khối hoặc bọc kín theo hình khối của hàng hóa; và bao bì ngoài là bao bì dùng để bao gói một hoặc một số đơn vị hàng hóa có bao bì trực tiếp.

Trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa

Căn cứ Điều 9 Nghị định 43/2017/NĐ-CP thì:

- Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa kể cả nhãn phụ phải bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa.

- Hàng hóa sản xuất để lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân sản xuất phải chịu trách nhiệm thực hiện ghi nhãn hàng hóa.

- Trong trường hợp tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa yêu cầu tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc ghi nhãn thì tổ chức, cá nhân đó vẫn phải chịu trách nhiệm về nhãn hàng hóa của mình.

- Trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường thì tổ chức, cá nhân đưa hàng hóa ra lưu thông phải ghi nhãn theo quy định của Nghị định này.

- Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ theo quy định tại khoản 3 Điều 7 và các khoản 3, 4 Điều 8 của Nghị định này khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang