Tiêu chuẩn đánh giá thực phẩm sạch, chứng nhận sản phẩm nhập khẩu an toàn

author 10:22 27/09/2022

(VietQ.vn) - Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện và xử lý 3 vụ việc vi phạm trong kinh doanh trái cây nhập khẩu.

Cục Quản lý thị trường (QLTT) Thái Nguyên cho biết, mới đây, Đội QLTT số 2 chủ trì, phối hợp với Đội QLTT số 1 tổ chức kiểm tra, phát hiện, xử lý 03 vụ việc vi phạm trong kinh doanh mặt hàng trái cây tươi nhập khẩu trên địa bàn thành phố. Theo ghi nhận ban đầu toàn bộ hàng hóa vi phạm gần 2 tấn trái cây tươi nhập khẩu, có trị giá gần 40 triệu đồng đã được lực lượng QLTT Thái Nguyên phát hiện và xử lý theo quy định.

Cụ thể, lực lượng chức năng tiến hành khám ô tô tải BKS 20C 164.45 do ông Vũ Huy Bình, địa chỉ Tân Quang, TP.Sông Công, tỉnh Thái Nguyên là lái xe kiêm chủ hàng. Đoàn kiểm tra phát hiện trên xe có vận chuyển 10 thùng nho, 10 thùng dưa vàng, 05 thùng hồng, tổng trọng lượng 205kg.

Toàn bộ hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Lô hàng có trị giá 7,5 triệu đồng (giá do Hội đồng định giá xác định). Đội trưởng Đội QLTT số 1 ban hành Quyết định XPVPHC về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, số tiền 6 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.

 Trái cây tươi nhập khẩu không rõ nguồn gốc xuất xứ được lực lượng chức năng Thái Nguyên thu giữ. Ảnh: Cục QLTT Thái Nguyên

Tiếp đến, lực lượng chức năng khám phương tiện vận tải là xe ô tô bán tải BKS 20C-241.66 do ô Hoàng Văn Nguyên làm lái xe kiêm chủ hàng, địa chỉ tổ 4, phường Quan Triều, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Đoàn kiểm tra phát hiện 87 kg nho xanh không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá gần 5 triệu đồng. Vụ việc đã trình Đội trưởng Đội QLTT số 1 ban hành Quyết định xử phạt VPHC 4 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.

Lực lượng chức năng tiếp tục tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh trái cây tươi Lan Hào tại chợ Túc Duyên, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên do bà Nguyễn Thị Lan làm chủ. Đoàn kiểm tra phát hiện 1,4 tấn trái cây tươi các loại (dưa vàng, lựu đỏ, táo xanh) không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Hàng hóa vi phạm có trị giá hàng hóa trên 25 triệu đồng. Đoàn kiểm tra đã lập hồ sơ trình Đội trưởng Đội QLTT số 2 ban hành Quyết định xử phạt đối với bà Nguyễn Thị Lan về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Theo lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên, tính từ đầu năm 2022 đến hết ngày 24/9/2022, Cục Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra, giám sát tổng số 21 cơ sở kinh doanh mặt hàng trái cây tươi nhập khẩu.

Qua công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, giám sát, lực lượng Quản lý Thị trường tỉnh Thái Nguyên đã tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh nói chung và cơ sở kinh doanh trái cây tươi nhập khẩu nói riêng cần tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật trong kinh doanh; đồng thời khuyến cáo đến người tiêu dùng hãy là những người tiêu dùng thông thái, thận trọng trong việc lựa chọn, tiêu dùng các sản phẩm đảm bảo có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng tại các địa chỉ tin cậy để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, vì lợi ích chung của toàn xã hội.

Tiêu chuẩn đánh giá thực phẩm sạch 

Để đạt được tiêu chuẩn VietGap, những vùng nguyên liệu phải trải qua rất nhiều lần kiểm tra. Đồng thời, sản phẩm ra thị trường không còn tồn dư thuốc trừ sâu và những chất gây hại cho người.

Thực phẩm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP ở mức cao hơn, sản phẩm này đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu vào những thị trường khó tính nhất thế giới. Với việc chăm sóc, bón phân, tưới nước theo danh mục và tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, thực phẩm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP là sản phẩm rất tốt đối với người tiêu dùng.

Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ là việc trồng trọt hoàn toàn từ tự nhiên bao gồm thức ăn, nguồn nước và đất đều đảm bảo sạch. Đây là tiêu chuẩn cao nhất và tốt nhất cho thực phẩm, nhưng ngược lại giá cả lại tương đối cao.

Các thực phẩm đạt một trong các tiêu chuẩn trên tức là thực phẩm sạch, không còn gây nguy hại đến sức khoẻ con người. Bạn nên lựa chọn những thực phẩm này để bảo vệ sức khoẻ cho gia đình.

3 giấy tờ chứng nhận sản phẩm nhập khẩu an toàn 

Chứng nhận CO (Certificate of Origin) cho biết nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá được sản xuất tại vùng lãnh thổ hay quốc gia nào đó. Chứng nhận CQ (Certificate of Quality) là giấy tờ xác nhận rằng hàng hoá có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn của nhà sản xuất hoặc các tiêu chuẩn quốc tế. Chứng nhận này là để người bán thể hiện cam kết của mình với người mua về chất lượng của hàng hoá.

Giấy kiểm dịch thực vật (Phytosanitary) là công tác quản lý Nhà nước nhằm ngăn chặn sâu bệnh, vi sinh vật có hại, cỏ dại nguy hiểm, nguy cơ lây lan, nhiễm bệnh giữa các vùng trong nước và giữa nước ta với ngước ngoài.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang