Đọc báo hôm nay: Những tin tức mới cập nhật 24h ngày 4/6/2015

author 18:52 04/06/2015

(VietQ.vn) - Tin tức mới cập nhật 24h ngày 4/6/2015 đưa tin "Nga bất ngờ công khai nhân chứng vụ MH17 bị bắn hạ"; "Tranh cãi về quyền đề nghị trưng cầu ý dân"; "Nga lên tiếng nói Mỹ gây áp lực cho Việt Nam";...

Sự kiện: Đọc báo mới nhất hôm nay

Tin tức mới cập nhật 24h hôm nay ngày 4/6 trong nước 

Tranh cãi về quyền đề nghị trưng cầu ý dân

Tin tức mới cập nhật từ VnExpress, tại phiên thảo luận tổ về Dự luật Trưng cầu ý dân chiều 3/6, việc xác định chủ thể nào có quyền đề nghị trưng cầu ý dân thu hút sự quan tâm của đại biểu Quốc hội. Dự luật đưa ra hai phương án, một là Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội; Hai là ngoài bốn chủ thể trên, bổ sung Thủ tướng và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được đề nghị trưng cầu ý dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm chọn phương án Thủ tướng với lý do sẽ có những vấn đề Thủ tướng thấy cần nhưng chưa chắc Chính phủ đã ủng hộ. Lúc đó Thủ tướng sẽ cần trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Du Lịch, tất cả vấn đề trưng cầu ý dân đều do Quốc hội quyết định, vì thế bổ sung quyền đề nghị trưng cầu ý dân cho Thủ tướng, Chủ tịch nước là đã “bổ sung” Hiến pháp, trong khi cái gì đã Hiến định thì phải tuân thủ. Không đồng tình với quan điểm đại biểu Trần Du Lịch, ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng Thủ tướng, Chủ tịch nước có quyền đề nghị trưng cầu ý dân không có gì là vi hiến.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng chỉ có Quốc hội có quyền trưng cầu dân ý

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng chỉ có Quốc hội có quyền trưng cầu dân ý

Khẳng định lại quan điểm của mình, bà Quyết Tâm nói: "Chỉ Quốc hội có quyền quyết định trưng cầu ý dân. Nhưng làm luật thì chúng ta có thể bàn đến nội hàm ai có quyền đề nghị trưng cầu ý dân". Với quyền đề nghị trưng cầu ý dân của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng đoàn đại biểu Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, thể chế chính trị của Việt Nam là nhân dân làm chủ, vận hành theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Vì vậy, việc đề nghị trưng cầu ý dân nên thông qua các cơ quan, trong đó có Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam.

Cùng quan điểm, đại biểu Quyết Tâm cho biết, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam là đại diện các tầng lớp nhân dân cũng cần được trao quyền này, vì điều đó thể hiện được vai trò của người dân. Các đại biểu Lê Văn Lai, Trịnh Ngọc Thạch cũng nhất trí quyền đề nghị trưng cầu ý dân của Đoàn chủ tịch Mặt trận tổ quốc. Theo các đại biểu, Hiến pháp giao Mặt trận quyền giám sát, phản biện, đại diện thì luật cũng nên giao quyền đề nghị trưng cầu ý dân cho tổ chức này.

Đối lập với quan điểm trên, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn lo ngại, nếu đưa thêm Mặt trận vào thì sẽ không phù hợp với Hiến pháp. Đại biểu Cao Sỹ Kiêm bổ sung, việc trưng cầu dân ý Việt Nam chưa có kinh nghiệm, trong khi đó nhiều vấn đề phức tạp đang diễn ra ở cả trong nước và thế giới. Do vậy, vấn đề này không nên đưa thêm Mặt trận vào.

Nghiêm cấm tự ý đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam

Theo báo An Ninh Thủ Đô, mở đầu phiên họp sáng 3-6, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam. Dự thảo bổ sung chương mới quy định chi tiết nội dung liên quan đến bắt giữ tàu biển như: Các trường hợp được bắt giữ tàu biển, thẩm quyền và trình tự, thủ tục bắt giữ tàu biển.

Dự thảo cũng xác định, bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động hàng hải, nhằm bảo đảm an toàn hàng hải trên biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo như: Gây phương hại hoặc đe dọa gây phương hại đến chủ quyền và an ninh quốc gia; Cướp biển hoặc có hành vi bất hợp pháp chống lại hoạt động hàng hải; Ngăn chặn, cản trở quyền tự do hàng hải trên biển; Tự ý đưa giàn khoan di động vào hoạt động, lắp đặt thiết bị, công trình, đảo nhân tạo trong vùng biển Việt Nam, khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Tin tức mới cập nhật cho hay, Quốc hội đã bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam

Tin tức mới cập nhật cho hay, Quốc hội đã bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam

Tham gia thảo luận nội dung này, ĐB Nguyễn Phi Thường - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cho rằng: “Dự thảo chưa đáp ứng được yêu cầu kiến tạo sức mạnh chủ quyền quốc gia trên biển, chuyển hướng sang kinh tế biển, hội nhập và dẫn dắt các hoạt động hàng hải quốc tế, chủ động áp đặt các xu thế có lợi cho Việt Nam…”. 

Chính sách phát triển hàng hải được các ĐB đặc biệt quan tâm. ĐB Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá: “Đây là điểm yếu nhất trong dự án luật lần này. Giao thông hàng hải của ta yếu, chưa cạnh tranh được với các nước khác”.

Cùng quan điểm này, ĐB Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam cho rằng: “Hàng hải phải nối kết với đường bộ, đường sắt để làm sao hàng hóa không bị ùn tắc. Hiện nay vẫn bị chậm, chưa đồng nhất, chưa tận dụng được đồng thời hiệu quả của các loại hình vận tải”. Trăn trở với thực trạng hàng nghìn container chứa rác thải công nghiệp độc hại vô chủ nằm tại các cảng biển từ hàng chục năm nay, một số ĐB đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung thêm các quy định ràng buộc trách nhiệm của các đối tượng liên quan, quy định chế tài để khắc phục dứt điểm nguy cơ biến Việt Nam thành bãi rác thải công nghiệp của thế giới. 

Tin tức mới cập nhật 24h hôm nay ngày 4/6 quốc tế 

Nga bất ngờ công khai nhân chứng vụ MH17 bị bắn hạ

Báo Người Lao Động cho hay, theo người phát ngôn của Ủy ban điều tra Nga Vladimir Markin, hiện nhân chứng chủ chốt nói trên đang được bảo vệ ở cấp độ quốc gia. "Nhân chứng là người Ukraine, có tên Evgeniy Agapov, là kỹ sư cơ khí thuộc lữ đoàn chiến thuật thuộc Không quân Ukraine (đơn vị số A4465)" – tuyên bố từ Ủy ban điều tra Nga nêu rõ.

Cũng theo Ủy ban Điều tra Nga – cơ quan vốn báo cáo trực tiếp lên Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhân chứng nói trên khẳng định đã nhìn thấy một chiếc máy bay quân sự SU-25 cất cánh từ căn cứ không quân ở Dnepropetrovsk hôm 17-7-2014, mang theo tên lửa không đối không và trở về khi không còn tên lửa.

Nga công khai nhân chứng vụ MH17 bị bắn hạ, theo tin tức mới cập nhật

Nga công khai nhân chứng vụ MH17 bị bắn hạ, theo tin tức mới cập nhật 

Báo chí phương Tây gọi động thái mới nhất này từ phía Moscow là chiến dịch đẩy mạnh việc phủ nhận trách nhiệm đối với vụ rơi máy bay xảy ra hôm 17-7-2014 khiến 298 người thiệt mạng. Trước đó, truyền thông Nga cũng không ít lần đưa ra các nhận định cho rằng MH17 đã bị bắn hạ bởi máy bay Su-25 của không quân Ukraine.

Hôm 2-6, ông Mikhail Malyshevsky - cố vấn của tập đoàn sản xuất tên lửa Almaz-Antei của Nga cho biết hệ thống tên lửa phòng không Buk bắn hạ máy bay MH17 của Malaysian Airlines là phiên bản cũ Buk 9М38-М1và không còn được quân đội Nga sử dụng mà chỉ có trong kho vũ khí của Ukraine.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga đang hối thúc Mỹ công khai các bằng chứng có được về vụ việc. Tuyên bố từ bộ này nêu rõ: "Nếu Mỹ có dữ liệu điều khiển khách quan từ các vệ tinh hoặc hệ thống kiểm soát và cảnh báo trên không AWACS, thì họ cần phải công khai tất cả. Và họ cũng nên công khai nếu có các các bản ghi âm cuộc đối thoại giữa các đài kiểm soát và bộ phận quân sự của Ukraine".

Hoàng Anh (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang