Đọc báo hôm nay: Những tin tức mới cập nhật ngày 22/4/2015

author 11:03 22/04/2015

(VietQ.vn) - Tin tức mới cập nhật hôm nay ngày 22/4/2015 đề cập đến Phát hiện nhiều sai phạm tại VietinBank, Hàng trăm tiểu thương bãi thị, phản đối đập bỏ chợ Đầm tròn, Tổng thống Hàn Quốc yêu cầu điều tra toàn diện vụ quỹ đen...

Sự kiện: Đọc báo mới nhất hôm nay

Tin tức mới cập nhật hôm nay ngày 22/4/2015 trong nước

Phát hiện nhiều sai phạm tại VietinBank

Theo tin tức mới cập nhật trên Thanh Niên Online, ngày 21.4, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương VN (VietinBank). Việc thanh tra này tập trung vào thời kỳ 2009 - 2012 với 3 nhóm nội dung: chấp hành chính sách pháp luật trong hoạt động tín dụng; hoạt động đầu tư tài chính và mua sắm trang thiết bị, tài sản, thuê tài sản và trích lập, sử dụng các quỹ của VietinBank.

Theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), trong hoạt động tín dụng, VietinBank đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm cả trong huy động vốn và trong hoạt động cho vay. Trong hoạt động cho vay có sai phạm ở cả khâu thẩm định, phê duyệt cho vay; khâu giải ngân và kiểm tra sử dụng vốn vay. Cụ thể, VietinBank phải sử dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn để bù đắp cho vay trung, dài hạn.

Tin tức mới cập nhật hôm nay cho biết Thanh tra Chỉnh phủ điều tra phát hiện nhiều sai phạm tại VietinBank

Tin tức mới cập nhật hôm nay cho biết Thanh tra Chỉnh phủ điều tra phát hiện nhiều sai phạm tại VietinBank

Một số chi nhánh huy động tiền gửi với lãi suất vượt trần 14% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (thời điểm tháng 3.2011 đến tháng 9.2011); chi hoa hồng môi giới, chi tiếp thị bằng tiền mặt không đúng quy định; thẩm định, xác định thời hạn cho vay thiếu cơ sở; thẩm định đề xuất giới hạn tín dụng chưa phù hợp; thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng khi chưa đáp ứng điều kiện; nhiều trường hợp chứng từ giải ngân không đảm bảo theo quy định...

Ngoài ra, VietinBank phân loại nợ không đúng quy định, phân loại nhóm 1 nhưng có khi là nhóm 2, nhóm 3 thậm chí là nhóm 5, kéo dài thời gian giải ngân và ân hạn. Đơn cử, tại Công ty TNHH một thành viên cho thuê tài chính VietinBank, TTCP kiểm tra 26 hồ sơ cơ cấu nợ với tổng trị giá cho thuê là hơn 406 tỉ đồng thấy tỷ lệ nợ xấu là 11,06%, trong khi đó công ty này phân loại nợ xấu chỉ có 4,08%.

Trong hoạt động đầu tư tài chính, VietinBank cũng sử dụng vốn trái phiếu chính phủ không đúng cam kết trong cáo bạch, huy động không đạt được mục tiêu của đề án, hiệu quả sử dụng vốn thấp, trong khi việc đầu tư trái phiếu vào các doanh nghiệp của VietinBank còn nhiều vi phạm. Trong đó, kiểm tra tại Công ty TNHH quản lý quỹ VietinBank cho thấy việc đầu tư hơn 252 tỉ đồng vào Tổng công ty thép VN, 40 tỉ đồng vào Công ty CP đầu tư địa ốc Mỹ Đình... “Đến thời điểm thanh tra là không có hiệu quả, tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ”, TTCP nêu rõ. 

Hàng trăm tiểu thương bãi thị, phản đối đập bỏ chợ Đầm Tròn

Theo Người Đưa Tin, phản đối việc đập bỏ chợ cũ, xây dựng chợ mới, hàng trăm tiểu thương tiếp tục bãi thị, kiến nghị “không đập bỏ chợ Đầm Tròn - Nha Trang”. Theo tin tức trên báo Tuổi Trẻ, sáng 21/4, hàng trăm tiểu tương chợ Đầm Tròn Nha Trang vẫn tiếp tục bãi thị và cùng tập trung đi kiến nghị “không đập bỏ chợ Đầm tròn Nha Trang”.

Tiểu thương đã đi qua các đường phố: Hoàng Hoa Thám, Hùng Vương, Nguyễn Thiện Thuật và sau đó đã tập trung tại đường Trần Hưng Đạo để chờ nêu kiến nghị với lãnh đạo Tỉnh ủy Khánh Hòa. Trước đó, ngày 20/4, tiểu thương chợ Đầm cũng đã bãi thị, phản đối việc phá bỏ chợ cũ, xây dựng chợ mới theo dự án mà UBND tỉnh Khánh Hòa đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần Sông Đà - Nha Trang ngày 28/8/2013.

Tin nhanh trên báo Công thương cho hay, từ ngày 30/1 đến nay, tiểu thương Chợ Đầm đã liên tục bãi thị và gửi đơn lên các cấp chính quyền. Vì theo họ, dự án này gây tổn hại tài sản, kế mưu sinh của trên 1.300 hộ tiểu thương đã và đang kinh doanh trong chợ qua nhiều thế hệ.

Các tiểu thương đề nghị giữ lại chợ Đầm cũ

Các tiểu thương đề nghị giữ lại chợ Đầm cũ

Hầu hết, tiểu thương kinh doanh lâu năm trong Chợ Đầm đều khẳng định: Họ đã và đang kinh doanh trong môi trường ổn định và chợ không hề xuống cấp; Họ đã mua đất mỗi lô hàng với giá rất cao từ 3-4 cây vàng thời ấy. Nhiều tiểu thương cho rằng: Việc di dời tiểu thương sang chợ mới nếu không tính toán kỹ có thể lâm vào tình cảnh ế ẩm như các trung tâm thương mại ở Hà Nội, TP HCM… Trong ngày 20/4, UBND TP Nha Trang đã có buổi đối thoại với các tiểu thương.

Tại buổi đối thoại, UBND TP Nha Trang sau đó đã có báo cáo do chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Danh ký gởi UBND tỉnh Khánh Hòa về cuộc bãi thị của tiểu thương chợ Đầm và việc tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của tiểu thương. Theo báo cáo này, trong buổi đối thoại, Công ty CP Sông Đà Nha Trang cũng đã trình bày phương án dự kiến sắp xếp, bố trí mặt bằng kinh doanh, giá cả cho thuê mặt bằng tại dự án chợ Đầm Nha Trang. Tuy nhiên, đồng loạt tiểu thương Chợ Đầm phản đối việc đập bỏ chợ cũ, xây dựng chợ mới. 

Chị Trần Thị Ngọc Anh - kinh doanh trong chợ trên 20 năm bức xúc: “Mãi đến ngày 30/12/2014 chúng tôi mới được chủ đầu tư thông báo, đặt vấn đề góp vốn, phỉnh lừa chúng tôi bằng nhiều cách. Khi chúng tôi đồng loạt bãi thị, gửi đơn đến chính quyền các cấp thì lãnh đạo chủ đầu tư lại xin lỗi, bảo đã lỡ góp vốn,… phát biểu "tiền hậu bất nhất" của lãnh đạo Ban quản lý chợ, lãnh đạo chủ đầu tư đã gây cho chúng tôi sự hoang mang trong giao dịch phân lô và chất lượng công trình. Nếu tỉnh đã quyết phá bỏ, thì xin cho 5 năm để chúng tôi thu vén nợ nần và có lẽ chúng tôi không đủ khả năng tiếp tục kinh doanh nữa”. UBND TP Nha Trang cũng đã tiếp nhận và gởi đơn kiến nghị của tập thể tiểu thương chợ Đầm tròn Nha Trang cho UBND tỉnh Khánh Hòa xem xét.

Tin tức mới cập nhật hôm nay ngày 22/4/2015 quốc tế

Tổng thống Hàn Quốc yêu cầu điều tra toàn diện vụ quỹ đen

Theo Dân Trí, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye vừa yêu cầu điều tra toàn diện vụ bê bối quỹ đen, sau khi Thủ tướng nước này đệ đơn từ chức vì cáo buộc dính líu vụ hối lộ chấn động Hàn Quốc. “Việc truy tố phải làm sáng tỏ mọi việc thông qua cuộc điều tra toàn diện”, hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap hôm qua dẫn ý kiến bằng văn bản Tổng thống Park Geun-hye đưa ra tại Peru - nơi bà đang có chuyến thăm cấp nhà nước dài 4 ngày.

Ý kiến của Tổng thống được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Thủ tướng Lee Wan-koo xin từ chức trước vụ bê bối liên quan ông và 7 chính trị gia khác, phần lớn đều là những người thân quen với bà Park. Ông Lee bị cáo buộc đã nhận 30 triệu won (27.000 USD) tiền hối lộ từ Chủ tịch Keangnam Enterprises, ông Sung Wan-jong (tự sát gần đây), năm 2013 trong thời gian chạy đua vào quốc hội.

Tin tức mới cập nhật hôm nay cho biết Thủ tướng Hàn Quốc Lee Wan-koo đã đệ đơn từ chức

Tin tức mới cập nhật hôm nay cho biết Thủ tướng Hàn Quốc Lee Wan-koo đã đệ đơn từ chức

Theo luật Hàn Quốc, các chính trị gia không được phép nhận hơn 100.000 won đóng góp tranh cử. Ông Lee đến nay vẫn phủ nhận cáo buộc này, và từng tuyên bố sẽ tiếp tục làm Thủ tướng bất chấp áp lực ngày càng tăng. Tổng thống Park cho biết sẽ quyết định sự nghiệp chính trị của ông Lee sau khi kết thúc chuyến thăm Peru vào tuần tới. Ông Lee đệ đơn từ chức chỉ 2 tháng sau khi đảm trách vị trí Thủ tướng và hơn 1 tháng sau khi ông tuyên bố thực hiện “cuộc chiến tranh tổng lực” chống tham nhũng, rằng chính phủ sẽ huy động mọi nguồn lực để nhổ tận gốc tệ nạn này.

Thế nhưng, sau đó chính ông lại trở thành trung tâm của vụ bê bối hối lộ, sau khi Chủ tịch Keangnam được cho là để lại danh sách những chính trị gia đã nhận hối lộ, trong đó có ông Lee. Ông Sung Wan-jong tự tử khi bị điều tra lập quỹ đen và hối lộ. Ông Lee khẳng định không quen biết ông Sung nhiều, nhưng báo chí Hàn Quốc lại nói ngược lại. Ông Sung từng nói với một tờ báo địa phương trước khi treo cổ trên cây bằng cà-vạt rằng, ông đã đưa 30 triệu won cho ông Lee năm 2013 khi ông Lee đang vận động tranh cử vào quốc hội.

Thủ tướng Nga: Chịu trừng phạt để sáp nhập Crimea là xứng đáng

VnExpress đưa tin, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hôm qua cho biết việc sáp nhập bán đảo Crimea khiến Moscow phải chịu nhiều lệnh trừng phạt gây tổn hại đến nền kinh tế, nhưng điều này là xứng đáng.Kinh tế Nga đã thiệt hại 26,8 tỷ USD do giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt mà Liên minh châu Âu (EU) cùng Mỹ áp đặt trong năm ngoái, New York Times dẫn lời Thủ tưởng Medvedev trong báo cáo thường niên trước quốc hội cho biết. Kinh tế Nga còn suy giảm 2% trong quý đầu tiên năm 2015.

"Tổn thất từ những giới hạn đặt ra đối với nền kinh tế của chúng ta là nghiêm trọng. Và chúng ta không che giấu nó", ông Medvedev nói. Theo ông Medvedev, việc sáp nhập bán đảo Crimea đã ảnh hưởng đến kinh tế Nga.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev

AFP dẫn lời ông Medvedev cho biết thêm các chuyên gia nhận định tổng thiệt hại Nga phải chịu tương ứng 1,5% GDP, và trong năm 2015 có thể cao hơn vài lần. Nhưng quyết định sáp nhập Crimea là "lựa chọn duy nhất, và tất cả chúng ta... đều ủng hộ dẫu biết có thể phải chịu nhiều hậu quả", ông nói.  Ông Medvedev nhận định kinh tế Nga "đã ổn định" nhưng những lệnh trừng phạt thêm có thể làm chậm quá trình khôi phục.

Bình luận trên nhắc lại quan điểm mà Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu ra trong chương trình đối thoại thường niên trực tiếp trên truyền hình tuần trước. Ông Putin cũng cho rằng kinh tế Nga bị ảnh hưởng nhưng vẫn ổn định và sẽ phục hồi trong vòng hai năm tới. Đồng rúp mất 50% giá trị so với USD từ sau khi dừng trượt giá vào tháng 12 năm ngoái, khiến người dân Nga đổ xô đi mua hàng tiêu dùng tránh lạm phát. Đồng rúp hiện đã phục hồi được 30%.

Theo Thủ tướng Medvedev, lịch sử mỗi quốc gia đều có một khoảnh khắc nước đó bắt đầu kỷ nguyên mới. "Rõ ràng 2014 đã trở thành dấu mốc cho nước Nga hiện đại", ông nói, đồng thời so sánh quá trình sáp nhập Crimea với sự sụp đổ của Bức tường Berlin, thống nhất Đức.

Trang Mạc (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang